Xét nghiệm INR là một loại xét nghiệm máu liên quan đến quá trình đông máu. INR là viết tắt của International Normalized Ratio - xét nghiệm đánh giá mức độ hình thành các cục máu đông, biểu thị thời gian đông máu của bệnh nhân xét nghiệm.
1. Đông máu là gì?
Ngay sau khi xảy ra chấn thương làm tổn hại đến nội mạc mạch máu, phản ứng đông máu được kích hoạt. Quá trình cầm máu ban đầu diễn ra khi tiểu cầu tạo nút chặn cầm máu tại vết thương. Các yếu tố đông máu trong huyết tương đáp ứng chuỗi phản ứng để tạo các sợi huyết đóng vai trò củng cố nút chặn tiểu cầu, đây chính là quá trình cầm máu thứ phát.
Máu được cầm bởi chỗ bị tổn thương được che phủ bởi cục máu đông có chứa tiểu cầu và sợi huyết, khi thành mạch máu bị tổn thương. Tình trạng rối loạn máu đông có thể gây nên hiện tượng huyết tắc hoặc tăng nguy cơ chảy máu.
2. Xét nghiệm INR là gì?
Xét nghiệm INR là một loại xét nghiệm máu liên quan đến quá trình đông máu. INR là viết tắt của International Normalized Ratio - xét nghiệm đánh giá mức độ hình thành các cục máu đông, biểu thị thời gian đông máu của bệnh nhân xét nghiệm.
Prothrombin là một loại protein sản xuất bởi gan, hoạt động với vai trò là yếu tố đông máu. Các chuyên gia thường làm xét nghiệm thời gian prothrombin (PT) để kiểm tra thời gian hoạt chất này cần để làm đông máu, tránh xuất huyết quá nhiều.
Trong đó, chỉ số INR (International Normalized Ratio) được xem là tiêu chuẩn quốc tế của kết quả xét nghiệm trên, bất kể quy trình thực hiện như thế nào.
3. Chỉ số INR như thế nào là đạt tiêu chuẩn cho việc hình thành các cục máu đông?
- Ở người bình thường, INR nằm trong giới hạn từ 0,8 - 1,2
- Đa số trường hợp, khi dùng thuốc chống đông máu, giá trị INR cần đạt được trong khoảng từ 2 - 3, lý tưởng nhất là 2,5.
- Nếu INR < 2 : tác dụng chống đông không đủ
- Nếu INR > 3 : tác dụng chống đông quá mức.
- Tuy nhiên ở một số trường hợp cụ thể, giá trị INR khuyến cáo có thể lên đến 4,5
- Trong mọi trường hợp khi INR > 5, đều đi kèm với nguy cơ chảy máu cao.
Nhịp kiểm tra INR:
- Kiểm tra lần đầu tiên: Được thực hiện ngay trong vòng 48 giờ +/- 12, sau khi uống liều thuốc đầu tiên, để phát hiện sự nhạy cảm quá mức của từng cơ địa bệnh nhân với thuốc. Nếu INR > 2 chứng tỏ quá liều và phải giảm liều.
- Kiểm tra lần thứ hai: Thực hiện tùy theo kết quả của INR lần đầu, để đánh giá hiệu quả chống đông. Tùy trường hợp được thực hiện ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 sau lần dùng thuốc đầu tiên.
- Kiểm tra tiếp sau đó: Được thực hiện mỗi 2 - 4 ngày cho đến khi có được INR ổn định, sau đó thực hiện mỗi tuần, mỗi hai tuần và tối đa là mỗi tháng một lần. Có khi, cần mất nhiều tuần mới đạt được INR cân bằng.
- Trong trường hợp thay đổi liều: Phải thực hiện kiểm tra mỗi 2 đến 4 ngày sau đổi liều và lập lại kiểm tra mỗi 4 đến 8 ngày cho đến khi INR ổn định.
4. Khi nào cần xét nghiệm INR?
Trước khi bệnh nhân thực hiện các thủ thuật nha khoa hoặc các loại phẫu thuật.
Các bệnh nhân vừa thay van tim, xét nghiệm này để theo dõi sức khoẻ của bệnh nhân liên quan đến máu, đông máu.
Khi bệnh nhân bắt đầu hoặc kết thúc sử dụng các thực phẩm chức năng, thuốc chống đông máu (đặc biệt là thuốc kháng vitamin K loại Coumadin).
Xét nghiệm INR được sử dụng để giám sát tốc độ đông máu của bệnh nhân. Do đó, xét nghiệm này có vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan đến đông máu.
5. Quy trình xét nghiệm INR diễn ra như thế nào?
Trước khi thực hiện:
Thủ thuật này không có yêu cầu chuẩn bị đặc biệt nào. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm có thể không chính xác do chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như:
- Thuốc chống đông máu (warfarin, heparin...)
- Vitamin K trong quá trình điều trị bệnh gan
- Thảo dược, chất bổ sung và một số loại thuốc kê toa cũng như không kê đơn
- Một số thực phẩm, đặc biệt là nhóm giàu vitamin K
Vì vậy, trước khi làm xét nghiệm, bạn nên thông báo với bác sĩ về những loại thuốc, thảo dược hoặc chất bổ sung mà bạn đang dùng. Bên cạnh đó, nếu bạn có thói quen dùng thực phẩm giàu vitamin K, hãy thông báo cho bác sĩ.
Ngoài ra, tương tự như nhiều loại xét nghiệm máu khác, bạn cũng có thể được yêu cầu không ăn uống trong vòng 8-10 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm INR.
Trong khi thực hiện:
Bạn sẽ cần có một lượng nhỏ máu làm mẫu phân tích. Để thực hiện điều này, các chuyên viên y tế thường sẽ dùng kim tiêm để rút máu. Vị trí thường lấy là mặt trong khuỷu tay vì lớp da ở đây tương đối mỏng, thuận lợi cho việc tìm kiếm mao mạch.
Nhằm đảm bảo chất lượng của mẫu phân tích, quy trình sẽ tiến hành đảm bảo sự vô trùng với các bước như sau:
- Khử trùng vị trí rút máu.
- Tìm kiếm tĩnh mạch để lấy mẫu bằng cách sử dụng dải thun bó chặt phần bắp tay trên. Nhờ đó, mao mạch có thể hiện rõ dưới da.
- Dùng bông gòn hoặc băng tiệt trùng để cầm máu sau khi đã lấy xong mẫu.
Sau khi thực hiện:
Mẫu máu sau khi được lấy sẽ gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. Tại đây, các chuyên gia sẽ dùng đến một số hóa chất để xác định thời gian cần thiết cho quá trình đông máu. Bạn có thể nhận được kết quả sau vài ngày.
Với các thông tin cung cấp về xét nghiệm INR đánh giá mức độ hình thành các cục máu đông, mong rằng bạn sẽ tìm được những điều mà bạn quan tâm.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.