Giá trị, là hệ thống những đánh giá mang tính chủ quan của con người về tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những cái gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp, nói cách khác đó chính là những cái được con người cho là chân, thiện, mỹ, giúp khẳng định và nâng cao bản chất người. Do vậy, giá trị văn hoá là một hình thức của giá trị xã hội, nó gắn bó mật thiết với hoạt động sống của con người, sự tồn tại và phát triển của mỗi xã hội.
Giá trị văn hoá (Cultural Value) do con người trong mỗi xã hội sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, nhưng một khi hệ giá trị văn hoá đã hình thành thì nó lại có vai trò định hướng cho các mục tiêu, phương thức và hành động của con người trong các xã hội ấy. Nó chính là một thứ vốn xã hội (Social Capital). Như thế, khi nói bản chất của giá trị hay nói tới vai trò định hướng, chi phối, điều tiết của hệ giá trị thì về thực chất chúng ta đang nói tới mối quan hệ đa chiều của con người. Cũng như văn hoá, giá trị được sản sinh từ các mối quan hệ con người với tự nhiên, với xã hội.
Giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng (tộc người, quốc gia...) bao giờ cũng tạo nên một hệ thống, với ý nghĩa là các giá trị ấy nảy sinh, tồn tại trong sự liên hệ, tác động hữu cơ với nhau. Chúng ta nói hệ giá trị (Value System) hay bảng giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng thì thường hàm hai ý nghĩa: 1) Các giá trị riêng lẻ liên kết nhau tạo nên một hệ thống các giá trị; 2) Có sự sắp đặt trước sau, độ nhấn về tầm quan trọng của từng nhân tố giá trị trong một bảng giá trị. Thí dụ, với người Việt Nam thì chủ nghĩa yêu nước là nhân tố hàng đầu trong bảng (hệ) giá trị dân tộc, nhưng với người Mỹ, Pháp, Đức, Nhật hay một số dân tộc khác thì có thể chủ nghĩa yêu nước lại được xếp ở các vị trí khác... Thường thì nhiều dân tộc đều có chung những giá trị, như yêu nước, cần cù, tính cộng đồng..., tuy nhiên, trong từng hệ giá trị của mỗi dân tộc thì việc xếp đặt thứ tự ưu tiên của từng yếu tố giá trị ấy trong bảng giá trị thì có thể khác nhau.
UNESCO đã đưa ra một định nghĩa về văn hoá: “Văn hoá phản ánh và thể hiện một cách tổng quát sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và các cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ, cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình” .
Qua những định nghĩa trên có thể thấy rằng yếu tố cốt lõi của văn hoá là hệ giá trị. Hay nói một cách khái quát thì văn hoá là hệ giá trị chính thống của một xã hội. Hệ giá trị chuyển thành các chuẩn mực xã hội, nó định hướng cho sự lựa chọn trong hành động của con người, cá nhân và cộng đồng. Hệ giá trị có tính ổn định rất lớn và có tính bền vững tương đối, có sức mạnh to lớn đối với cộng đồng. Trong sự tiến bộ và phát triển của xã hội, các giá trị này thường không biến mất mà hoá thân vào các giá trị của thời sau, theo quy luật kế thừa và tái tạo.
Giá trị văn hoá có tính chất hướng dẫn các hành vi của con người. Vì vậy, trong quá trình hình thành và phát triển của mỗi quốc gia, ở mỗi vùng miền và từng tộc người đều hình thành nên những giá trị văn hóa để tạo ra sự thống nhất về nhận thức và định hướng hành vi cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Giá trị văn hóa cũng mang tính tương đối. Vì vậy, đánh giá cần phải đặt nó trong toạ độ về mặt không gian, thời gian và chủ thể của văn hoá. Nếu không tính toán đến những yếu tố đó, chúng ta rất khó đo đếm, đánh giá được tính giá trị hay phản giá trị của văn hoá của quốc gia, vùng miền hay tộc người nào đó. Bởi vì suy cho cùng, giá trị hay chân lý đều phải mang tính cụ thể. Thí dụ, “trung với vua” là một giá trị của văn hoá Việt Nam thời phong kiến, nhưng nó không phải là giá trị trong xã hội Việt Nam hiện đại. “Nước, phân, cần, giống” là hệ giá trị của những người canh tác lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ, nhưng có thể không phải như vậy với người nông dân Nam Bộ. Người Việt Nam coi việc ăn thịt chó là ngon, là bổ, nhưng với nhiều dân tộc khác thì không hẳn là như vậy...
Đối với mỗi dân tộc trong những hoàn cảnh lịch sử và xã hội cụ thể đều tồn tại hệ giá trị tổng quát và những hệ giá trị bộ phận. Hệ giá trị tổng quát bao gồm những giá trị chung nhất, mang tính phổ quát, có vai trò định hướng đối với tư duy và hành động của cả cộng đồng. Thí dụ, GS. Trần Văn Giầu đã nêu 7 giá trị mang tính tổng quát nhất của dân tộc Việt Nam, đó là: yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa . Nghị quyết Trung ương năm (Khóa VIII) nêu những đức tính nổi bật của bản sắc Việt Nam, cũng có thể hiểu đó là các giá trị của con người Việt Nam: “Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - tổ quốc, lòng khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”. Nghị quyết Trung ương chín (Khóa XI) cũng nhấn mạnh “Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo” . Những thập niên vừa qua, một số ý kiến đưa ra hệ giá trị chung của Châu Á: Hiếu học, cộng đồng, cần cù, huyết thống. Bên cạnh những giá trị tổng quát như vậy, trong từng lĩnh vực của đời sống, hoạt động của con người thì người ta lại đúc rút nên các giá trị, có vai trò định hướng trong từng lĩnh vực riêng lẻ ấy.
Từ cách tiếp cận quốc gia, giá trị văn hóa góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc, một yếu tố cấu thành nên bản lĩnh dân tộc. Nhờ đó, giá trị văn hóa quốc gia hình thành nên sức mạnh cho đất nước. Quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng chính là quá trình kết tinh giá trị văn hóa Việt Nam. Như trên đã trình bày, nếu GS. Trần Văn Giầu đã đưa ra 7 giá trị phổ quát của dân tộc Việt Nam thì GS. Nguyễn Hồng Phong cũng cho rằng lòng yêu nước, yêu quê hương là giá trị cơ bản nhất , bên cạnh những giá trị khác như lòng nhân ái, sự gắn bó cộng đồng, trọng đạo đức, học thức và yêu cái đẹp. Tuy vậy, GS. Nguyễn Hồng Phong đã nhìn nhận được giá trị mới, đang hình thành và ngày càng rõ nét trong xã hội Việt Nam, đó là sự bình đẳng, công bằng xã hội và vai trò của cá nhân và sự thành đạt. Đây là hai giá trị mới mẻ đối với một xã hội Việt Nam phong kiến trước đây. Trong Nghị quyết Trung ương năm (Khóa VIII) hay Nghị quyết Trung ương chín (Khóa XI) của Đảng cũng đưa ra những đặc trưng thể hiện giá trị văn hóa của đất nước.
Từ cách tiếp cận vùng miền, chính từ những đặc điểm riêng có về tự nhiên, lịch sử, tộc người, cùng quá trình chung sống lâu dài với nhau đã khiến mỗi vùng miền có bản sắc riêng và từ đó hình thành những giá trị khác nhau. Thí dụ, “Nước, phân, cần, giống” là hệ giá trị trong canh tác nông nghiệp truyền thống của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ hay hệ canh tác “Luân canh, hưu canh, xen canh, gối canh” của cư dân canh tác nương rẫy ở miền núi.
Từ cách tiếp cận tộc người, giá trị văn hóa của mỗi tộc người cũng có sự khác biệt. Lấy biểu tượng làm một ví dụ về cách thể hiện giá trị văn hóa. Mỗi biểu tượng đều chứa đựng các giá trị nhất định, nói cách khác, cái gì chứa đựng giá trị thì mới có thể trở thành một biểu tượng văn hoá. Vì thế, Hùng Vương là một biểu tượng dân tộc, giá trị văn hoá dân tộc, thể hiện tâm thức “hướng về cội nguồn”, “uống nước nhớ nguồn”, cố kết dân tộc, tạo nên sức mạnh đảm bảo sự tồn vong của cộng đồng quốc gia dân tộc. Thánh Gióng lại là biểu tượng chứa đựng giá trị tinh thần chống giặc ngoại xâm. Sơn Tinh là biểu tượng thể hiện giá trị tinh thần chinh phục thiên nhiên, bảo vệ và mở mang đất nước. Trong khi đó, giá trị văn hoá của các tộc người thiểu số Việt Nam chính là những thành tố văn hoá được biểu tượng hoá một cách hết sức sinh động trong các sinh hoạt tín ngưỡng như: Then Tày, Mo Mường, tục ăn trâu của một số tộc người ở Tây Nguyên, Ka tê của người Chăm... Giá trị văn hóa được thể hiện qua những phương tiện thực hành tín ngưỡng như đàn lễ, tranh thờ, đạo cụ, nghệ thuật trang trí, biểu tượng vàng mã, trang phục, nhạc cụ, sách cúng, bùa trú, vật lễ, ẩm thực... kết tinh trong các hình thức diễn xướng phục vụ tín ngưỡng như hát múa, âm nhạc, thể hiện ở lời kinh, lời giáo huấn, các luật lệ phép tắc đối với người thực hành nghi lễ và cả cộng đồng.
Tuy có sự khác biệt như vậy, nhưng giá trị văn hóa từ cách tiếp cận quốc gia, vùng miền hay tộc người đều có sự thống nhất trong đa dạng, theo đó, các giá trị của các cộng đồng nhỏ luôn tôn trọng các giá trị của cộng đồng lớn. Sự thống nhất trong đa dạng các giá trị này đã tạo ra những hiệu quả lớn trong việc hình thành quốc gia - dân tộc, đồng thời cũng tạo nên sự phong phú, hấp dẫn về văn hóa, góp phần hình thành nên tài sản văn hóa, phục vụ sự phát triển bền vững cho đất nước hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.
Giá trị văn hoá là sản phẩm của con người, vì lợi ích chung của mỗi cộng đồng, phụ thuộc vào sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá mỗi thời đại, giúp định hướng mục tiêu, phương thức và hành động của mỗi con người, và giúp điều tiết sự phát triển chung của cả xã hội.
Từ chiều cạnh giá trị quốc gia, vùng miền, tộc người, việc xây dựng giá trị văn hóa cần phải kết hợp giữa bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống kết hợp với lựa chọn tiếp thu tinh hoa giá trị văn hóa thế giới, phù hợp với bối cảnh phát triển đất nước. Chúng ta cần chấp nhận sự thực rằng, sự phát triển của nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế và ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông mới sẽ tác động rất mạnh mẽ đến giá trị văn hóa ở cả phương diện quốc gia, vùng miền, tộc người, theo đó, một số giá trị văn hóa cũ sẽ mất đi, một số giá trị mới sẽ dần định hình. Trong quá trình đó, sẽ có những giai đoạn khủng hoảng giá trị ở quy mô quốc gia, vùng miền và tộc người, và điều đó sẽ dẫn đến những hậu quả xấu đối với xã hội. Tuy nhiên, chúng ta tin tưởng rằng quy luật tự điều chỉnh bằng chân - thiện - mỹ sẽ giúp các giá trị văn hóa thực sự giúp định hướng, điều tiết cho sự phát triển bền vững đất nước.