1. Chỉ số VNIndex là gì?
VNIndex là một chỉ số thị trường, thể hiện các biến động về giá của các mã cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE. Chỉ số này sẽ so sánh giá trị vốn hóa trên thị trường tại thời điểm hiện tại với giá trị vốn hóa thị trường tại ngày cơ sở. Trong đó, ngày cơ sở được tính là ngày đầu tiên sàn HOSE hoạt động, tức ngày 28/7/2000 với giá trị cơ sở là 100 điểm; lúc đó, trên thị trường chỉ có hai mã cổ phiếu là REE (Công ty cổ phần cơ điện lạnh) và SAM (Công ty cổ phầm SAM holdings). Từ đó, nhà đầu tư sẽ biết được cụ thể về quy mô, cũng như giá trị của tất cả các mã cổ phiếu.
Ngoài ra, chỉ số VNIndex sẽ được tính toán và tổng hợp lại theo từng biến động giá diễn ra mỗi ngày. Từ đây, các nhà đầu tư sẽ dựa theo đó để phân tích, đánh giá, dự đoán sự biến động thị trường ngắn hạn và dài hạn.
Ví dụ: Kết thúc phiên giao dịch Thứ 6 ngày 27/10/2023, chỉ số VNIndex đang là 1.060,62 điểm. Điều này có nghĩa là tổng giá trị thị trường tính đến ngày này đều có giá trị gấp 10,6062 lần giá trị gốc ngày cơ sở (ngày 28/7/2000).
Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực [Cập nhật ngày 04/8/2023]
Ảnh chụp một phần bảng giá cổ phiếu sàn HOSE ngày 27/10/2023 của TCBS
2. Cách tính chỉ số VNIndex
VNIndex = Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại/Hệ số chia
Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại (ký hiệu là CMV) được tính theo công thức sau:
- i=1, 2, 3,..n.
- n: Số cổ phiếu trong rổ chỉ số.
- pi: Giá cổ phiếu i tại thời điểm tính toán.
- si: Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của cổ phiếu i tại thời điểm tính toán.
- fi: Tỷ lệ free-float làm tròn của cổ phiếu i trong rổ chỉ số tại thời điểm tính toán.
- ci: Tỷ lệ giới hạn tỷ trọng vốn hóa (chỉ tiêu này để tránh tình trạng một cổ phiếu đơn lẻ hay một nhóm cổ phiếu có liên quan chiếm tỷ trọng vốn hóa quá lớn).
Với mỗi bộ chỉ số, các cấu phần trong công thức sẽ có sự thay đổi hoặc áp dụng những quy tắc tính toán riêng.
Với hệ số chia, trong trường hợp có sự tăng hoặc giảm giá trị vốn hóa thị trường mà nguyên nhân không phải do sự biến động giá thị trường mà do các sự kiện doanh nghiệp hoặc các thay đổi về số lượng cổ phiếu thành phần, số chia cần phải điều chỉnh. Nguyên tắc là làm cho chỉ số trước và sau khi có biến động là bằng nhau.
Trong đó:
- Hệ số chia (trước) và CMV (trước) là hệ số chia và giá trị vốn hóa trước khi điều chỉnh.
- Hệ số chia (sau) và CMV (sau) là hệ số chia và giá trị vốn hóa sau khi điều chỉnh.
Quý khách hàng xem thêm tại Quyết định 714/QĐ-SGDHCM ngày 09/11/2020 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.
3. VNIndex có ý nghĩa thế nào với nhà đầu tư chứng khoán?
Theo dõi chỉ số VNIndex và hiểu rõ về chỉ số này sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra được những quyết định đúng đắn hơn. Bởi lẽ, chỉ số VNIndex phản ảnh được nhiều khía cạnh, giúp nhà đầu tư dựa vào đó để phân tích, đánh giá thị trường chứng khoán. Cụ thể, nhà đầu tư sẽ thấy được các ý nghĩa quan trọng từ chỉ số VNIndex như sau:
- Chỉ số VNIndex phản ánh chính xác sự biến động của tất cả cổ phiếu trên sàn: Đúng như định nghĩa về VNIndex là gì, thì chỉ số này sẽ phản ánh được những thay đổi về sự tăng giảm của giá trị thị trường. Từ đó, bạn sẽ biết được giá trị toàn sàn HOSE so với mức giá cơ sở.
- Phản ánh khách quan tình trạng nền kinh tế hiện tại đang tăng trưởng hay suy thoái: Chỉ số VNIndex tỷ lệ thuận với kết quả hoạt động kinh doanh. Nghĩa là khi VNIndex tăng chứng tỏ hoạt động kinh doanh đang trên đà tăng trưởng. Ngược lại, VNIndex giảm thể hiện hoạt động kinh doanh có sự suy thoái.
- Chỉ số VNIndex mô tả sự dịch chuyển của nền kinh tế: Sự thay đổi của giá cổ phiếu theo từng ngành là dấu hiệu cho thấy sự tái cơ cấu lại của các ngành đó và sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số chứng khoán. Do đó, chỉ số VNIndex thể hiện được sự chuyển động cơ cấu của nền kinh tế cả nước.
- Quan sát tâm lý nhà đầu tư thông qua chỉ số VNIndex: Sự tăng trưởng mạnh mẽ của chỉ số VNIndex chính là dấu hiệu của nền kinh tế phát triển tốt tại thời điểm hiện tại và trong tương lai. Từ đó, tác động đến nhà đầu tư tích cực giao dịch để thúc đẩy sự phát triển này. Ngược lại, khi nền kinh tế khủng hoảng, suy thoái, tâm lý các nhà đầu tư thường e dè, ít hứng thú trong giao dịch. Do đó, giá cổ phiếu sẽ giảm, dẫn đến chỉ số VNIndex giảm theo.
- Hỗ trợ nhà đầu tư phân tích, đánh giá thị trường chứng khoán: Chỉ số VNIndex được các nhà đầu tư sử dụng làm dữ liệu để đánh giá xu hướng biến động của thị trường chứng khoán, giúp họ đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.
Điều 6. Chính sách phát triển thị trường chứng khoán - Luật Chứng khoán 2019
1. Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tham gia đầu tư và hoạt động trên thị trường chứng khoán nhằm huy động các nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho đầu tư phát triển.
2. Nhà nước có chính sách quản lý, giám sát bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả.
3. Nhà nước có chính sách đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin cho hoạt động của thị trường chứng khoán, phát triển nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán.