* Bạn đọc Nguyễn Xuân Tuấn (Mai Dịch, Hà Nội) hỏi: Trong những năm gần đây, ngoài hình thức bán hàng tại các cửa hàng, rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã bán hàng, kinh doanh trên mạng xã hội như zalo, facebook, tik tok… Trong số đó, có rất nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vậy tôi xin hỏi hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý ra sao? Mức xử phạt được quy định như thế nào?
Liên quan đến câu hỏi trên, Luật sư Trịnh Văn Dũng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP giải thích nguồn gốc “xuất xứ hàng hóa” là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó. Đối với những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ khác nhau sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế quan khác nhau. Hiện nay chúng ta có 3 mức thuế, bao gồm thuế ưu đãi, thuế thường và thuế trả đũa. Các quốc gia sẽ căn cứ vào xuất xứ của các hàng hóa để xác định đâu là mặt hàng được hưởng những ưu đãi về thuế theo các thỏa thuận thương mại và đâu là không.
Tại khoản 1 Điều 32 Luật Quản lý ngoại thương 2017, khoản 2, 7 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bao gồm: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp cho thương nhân; Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức thuộc nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp dựa trên quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó. Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do thương nhân phát hành là văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương do thương nhân tự khai báo và cam kết về xuất xứ của hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định về xuất xứ hàng hoá được quy định như sau: Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Mức phạt đối với hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh hàng hóa không đúng xuất xứ. Theo đó,tại Điều 44 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị cấp hoặc xác minh Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Tự chứng nhận sai xuất xứ hàng hóa khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Làm giả Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc xác minh chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa giả trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, còn bị áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật và biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc cải chính thông tin sai sự thật về xuất xứ hàng hóa.
* Bạn Phạm Minh Tâm (Thường Tín, Hà Nội) hỏi: Kinh doanh hàng hóa thì có phải niêm yết giá không? Mức xử phạt nếu vi phạm về niêm yết giá được quy định ra sao?
Đối với câu hỏi này, Luật sư Trịnh Văn Dũng cho biết: Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 116/2018/TT-BTC thì giá niêm yết là mức giá mà các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai đến khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam. Tại khoản 6, Điều 4, Luật Giá năm 2012, thì “niêm yết giá” là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nghĩa vụ niêm yết giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo khoản 5 Điều 12 Luật Giá năm 2012. Cụ thể: (1) Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết; (2) Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết.
Căn cứ quy định Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 49/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa Điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm; Niêm yết giá không đúng giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh Mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi: bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Khoản 5 Điều này.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi: không công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật ngoài hình thức niêm yết giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, kê khai giá.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi: bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi: không công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 5 Điều 12, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.
Như vậy, việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải niêm yết giá; người nào có hành vi không niêm yết giá có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Cá nhân, tổ chức buôn bán hàng hóa là hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam là vi phạm các quy định pháp luật (Ảnh minh họa: Nguồn qltt.vn)* Bạn đọc Hoàng Thị Nguyệt (Sơn La) có câu hỏi: Nếu doanh nghiệp của tôi có vi phạm về nhãn hàng hóa thì mức xử phạt cho hành vi này được quy định như thế nào?
Đối với câu hỏi này, Luật sư Trịnh Văn Dũng, phân tích, theo quy định tại khoản Điều 3, Điều 4 Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính Phủ thì “nhãn hàng hóa” là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa. Nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa. Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc.
Nghị định số 119/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 quy định. Tại Điều 30, 31 của Nghị định quy định hành vi “vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa”; “vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa”,
Mức phạt thấp nhất là 500 nghìn đồng và mức phạt cao nhất là 30.000.000 đồng. Nếu có một trong các hành vi như: Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa; Nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam./.