Nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính là hai cách tiếp cận cơ bản trong nghiên cứu xã hội. Cách tiếp cận nghiên cứu định lượng được áp dụng phổ biến trong khoa học xã hội trước những năm 70 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, sau đó khi nghiên cứu định tính phát triển thì vai trò của nghiên cứu định lượng đã giảm đi và thực tế ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu xã hội vận dụng đúng kỹ thuật của hai loại hình phương pháp này còn gặp nhiều khó khăn.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu phương pháp nghiên cứu trong khoa học xã hội, năm 2022, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách với nhan đề “Vận dụng phương pháp định lượng và định tính trong nghiên cứu: Từ hình thành ý tưởng đến phát hiện khoa học” do GS.TS. Nguyễn Hữu Minh làm chủ biên. Nội dung chính của cuốn sách là cung cấp cơ sở lý thuyết và các kỹ thuật vận dụng phương pháp định lượng và định tính trong quá trình nghiên cứu, từ việc xây dựng ý tưởng nghiên cứu đến việc thu thập và phân tích thông tin nhằm có được những phát hiện mới về mặt khoa học. Cuốn sách là sản phẩm chắt lọc kinh nghiệm từ nhiều năm nghiên cứu khoa học xã hội và giảng dạy về phương pháp nghiên cứu của các tác giả. Nhiều ví dụ được trình bày nhằm minh họa cho việc vận dụng lý thuyết và kỹ thuật phân tích định lượng và định tính.
Ngoài phần Lời nói đầu, cuốn sách được kết cấu thành 4 phần chính:
Phần I. Bản chất và đặc trưng của phương pháp nghiên cứu định tính
Phần này, nhóm tác giả làm rõ bản chất của nghiên cứu định tính và định lượng thông qua một số tiêu chí sau: (i) Khái niệm; (ii) Các mối quan tâm của nghiên cứu định tính/định lượng; (iii) Một số phương pháp thu thập thông tin cơ bản; (iv) Một số hạn chế của nghiên cứu; (v) Một số lỗi thường gặp. Trên cơ sở đó, nhận diện sự khác biệt chủ yếu giữa nghiên cứu định lượng và định tính; đề xuất phương thức lựa chọn phương pháp nghiên cứu phù hợp và sự kết hợp giữa hai phương pháp nghiên cứu trên. Nhóm tác giả khẳng định, mỗi loại phương pháp có thế mạnh riêng và những hạn chế nhất định. Trong thực tế, nhà nghiên cứu cần phải căn cứ vào mục tiêu, câu hỏi nghiên cứu và thế mạnh của các nhân đề lựa chọn loại hình phương pháp phù hợp để từ đó đạt được kết quả nghiên cứu tốt nhất.
Phần II. Thiết kế nghiên cứu định lượng và định tính
Tập trung trình bày mục đích và đặc điểm một số loại thiết kế nghiên cứu: (i) Thiết kế mô tả; (ii) Thiết kế nhân quả; (iii) Thiết kế khám phá/thăm dò; (iv) Thiết kế lịch sử; (v) Thiết kế so sánh theo không gian và theo thời gian; (vi) Thiết kế phân tích siêu dữ liệu; (vii) Thiết kế nghiên cứu hành động; (viii) Thiết kế nghiên cứu thực nghiệm. Nhóm tác giả cho rằng, đối với nhà nghiên cứu lành nghề, ý tưởng nghiên cứu có thể đến một cách tự nhiên và để có một ý tưởng hoàn chỉnh cần trải qua nhiều bước khác nhau trước khi đưa ra các câu hỏi nghiên cứu. Về bản chất, câu hỏi nghiên cứu la fnooij dung cơ bản của nghiên cứu được cụ thể hóa dưới dạng câu hỏi. Câu hỏi nghiên cứu khác với câu hỏi thông thường ở chỗ nó đòi hỏi câu trả lời phải có đầy đủ các bằng chứng khoa học và phải thông qua một quá trình nghiên cứu. Câu hỏi nghiên cứu phản ánh mối quan tâm của nhà nghiên cứu. Chúng làm nên nội dung nghiên cứu của đề tài
Phần III. Thu thập thông tin định lượng và định tính
Để có thể thu thập thông tin một cách đầy đủ, toàn diện và chính xác, đặc biệt đảm bảo tính khách quan cho hoạt động nghiên cứu, nhóm tác giả tập trung phân tích và hướng dẫn người nghiên cứu các cách thức thu thập thông tin: (i) Thu thập thông tin thứ cấp; (ii) Thu thập thông tin qua bảng hỏi; (iii) Thu thập thông tin định tính. Trong giai đoạn thực hành nghiên cứu xã hội tại thức địa, nhóm tác giả đưa ra một số lưu ý về đạo đức nghiên cứu trong tổ chức thu thập dữ liệu, trong đó có vấn đề bảo mật dữ liệu thu thập được.
Phần IV. Phân tích thông tin định lượng và định tính
Về phân tích thông tin định lượng, nhóm tác giả đưa ra một số khái niệm cơ bản và hướng dẫn cách so sánh trung bình hai mẫu độc lập và so sánh trung bình nhiều mẫu. Việc so sánh sự khác biệt giữa các nhóm khác nhau giúp làm rõ hiện trạng của vấn đề nghiên cứu; Hướng dẫn một số phương pháp phân tích như: Phân tích tương quan, phân tích hồi quy tuyến tính, phân tích hồi quy tuyến tính đơn biến, phân tích hồi quy tuyến tính đa biến. Trong quá trình phân tích thông tin định lượng, người nghiên cứu cần lưu ý một số điểm sau: thứ nhất, sử dụng thông tin định lượng trong nghiên cứu xã hội không thể tách rời toàn bộ quá trình nghiên cứu đinh lượng; thứ hai, sử dụng thông tin định lượng phải dựa trên khung lý thuyết và các giả thuyết; thứ ba, sử dụng thông tin định lượng cần bắt đầu bằng việc xử lý/ đánh giá mức độ nhất quán, độ tin cậy và tính có hiệu lực của thông tin…
Về phân tích định tính, nhóm tác giả đưa ra một số khái niệm cơ bản và chỉ ra cách xử lý thông tin khi có nguồn dữ liệu đầu vào như tài liệu ghi chép, băng ghi âm, tranh ảnh và hiện vật. Điểm nhấn của phần này là làm rõ các bước trong quá trình phân tích tư liệu văn bản: (i) Phân tích trên thực địa và quản lý dữ liệu; (ii) Mã hóa và ghi nhớ, việc này nhằm rút gọn dữ liệu để có thể dễ dàng phân tích chứ không được làm cho dữ liệu trở nên kềnh càng hơn; (iii) Tìm kiếm mô hình; (iv) Trình bày dữ liệu, rút ra kết luận và kiểm tra.
Trong nghiên cứu khoa học, phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng bao gồm nhiều nội dung và kỹ thuật phong phú. Với kinh nghiệm nhiều năm truyền dạy cho các thế hệ học viên, nghiên cứu sinh, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh cùng nhóm nghiên cứu đã nỗ lực để tập hợp thành cuốn sách có giá trị nghiên cứu và mang đậm tính ứng dụng cao.
Hy vọng cuốn sách sẽ là cẩm nang cần có trong giá sách của những người làm công tác nghiên cứu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng