(Quanlynhanuoc.vn) - Theo công bố của Văn phòng Tham chiếu dân số Hoa kỳ (PRB) ngày 12/9/2022, chúng ta được tiếp cận với một bức tranh tổng thể về dân số thế giới của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2022. Theo đó, nhiều chỉ số được trình bày qua các bảng số liệu, các biểu đồ sinh động. Đồng thời, sau 2 năm đại dịch Covid-19, bản công bố này cũng thể hiện “một bức tranh rõ ràng hơn và nhiều sắc thái hơn về tác động của nó đối với các quốc gia và cộng đồng”1. Dựa trên bản công bố thường niên của PRB và so sánh với các nguồn số liệu trước đó, bài viết tổng hợp các dữ liệu quan trọng về dân số thế giới năm 2022.
Về quy mô dân số
Dân số toàn cầu có tăng nhẹ so với 2021 và đạt 7,963 tỷ người vào năm 2022. Các quốc gia châu Á chiếm tỷ trọng dân số cao nhất với gần 60% dân số thế giới, trong đó quốc gia đông dân nhất vẫn là Trung Quốc với 1,44 tỷ người. Tuy nhiên, theo công bố, Ấn Độ được dự báo là một trong những quốc gia có quy mô dân số tăng cao nhất trong khoảng thời gian từ năm 2022 - 2050, tăng hơn 253 triệu người lên 1,67 tỷ người.
Nhìn từ bảng 1 cho thấy, dân số của châu Á dự kiến sẽ tăng 12%, từ 4,7 - 5,3 tỷ người trong các năm 2022 - 2050, nhưng có sự thay đổi dân số trong tương lai ở các vùng khác nhau của châu lục này, từ mức giảm 8% ở Đông Á đến mức tăng 40% ở Tây Á trong cùng kỳ.
Về mức sinh
Theo công bố của PRB, tổng tỷ suất sinh (TFR)2 toàn cầu năm 2022 là 2,3 con/1 phụ nữ, vẫn cao hơn TFR ở mức sinh thay thế, khoảng 2,1 lần sinh/1 phụ nữ. Nhìn chung, năm 2022 châu Phi vẫn là nơi có mức sinh cao nhất thế giới với TFR là 4,3 con/1 phụ nữ và châu Âu có mức sinh thấp nhất với TFR là 1,5 con/1 phụ nữ (xem bảng 2).
Trong đó, TFR của châu Á đạt mức 1,9 con/1 phụ nữ và dao động từ 1,2 ở Đông Á đến 3,0 ở Trung Á. Nhưng Đông Á là khu vực có TFR thấp nhất thế giới trong năm 2022, chỉ đạt 1,2 con/1 phụ nữ. Trong số đó, Hàn quốc; Ma Cao và Hồng Kông của Trung Quốc là những nơi có mức sinh thấp nhất thế giới với 0,8 con/1 phụ nữ3.
So sánh với các năm trước cho thấy, tác động của đại dịch Covid-19 đối với tỷ lệ sinh ít hơn so với dự kiến và phần lớn là tạm thời. Các quốc gia có thu nhập cao, như: I-ta-li-a, CHLB Đức và Hoa Kỳ đã giảm nhẹ về tỷ lệ sinh vào năm 2020 và tăng trở lại vào năm 2021. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không thấy tác động đến mức sinh.
Về mức chết và triển vọng sống trung bình khi sinh
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động mạnh mẽ tới tất cả quốc gia trên thế giới. Điều đáng nói, đại dịch Covid-19 đã khiến mức chết có sự biến động rõ nét so với những năm trước năm 2020. Theo công bố của PRB, từ năm 2020 - 2021, đại dịch Covid-19 đã khiến gần 15 triệu ca tử vong, chiếm 12% tổng số ca tử vong trên toàn cầu và góp phần làm giảm tuổi thọ ở một số quốc gia. Vùng Trung Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 25% số người chết liên quan đến đại dịch này. Khoảng 7,46 triệu ca tử vong vượt mức trung bình trong cả năm 2020 và 20214.
Bên cạnh đó, tỷ suất chết của trẻ sơ sinh (IMR) cũng có những thay đổi theo các khu vực trên thế giới, tuy nhiên, vẫn theo xu hướng chung là IMR ở các nước phát triển thấp hơn ở các nước kém phát triển. Cụ thể, năm 2022 châu Phi là nơi có mức chết của trẻ em cao nhất trong các khu vực trên thế giới, với 47 trẻ sơ sinh chết trên 1.000 ca sinh ra sống, nhất là vùng Tây Phi là 60/1.000 ca sinh sống, thậm chí có quốc gia có IMR lên tới 75/1.000 ca sinh sống như Xi-ê-ra Lê-ôn.
Xem xét triển vọng sống trung bình khi sinh hay tuổi thọ trung bình của thế giới cho thấy, năm 2022 tuổi thọ trung bình trên toàn cầu là 75 tuổi đối với phụ nữ và 70 tuổi đối với nam giới. Tuy nhiên, tuổi thọ bình quân thấp nhất vẫn thuộc khu vực châu Phi là 63 tuổi và Cộng hòa Sát, Lê-xô-thô đều là 53 tuổi, thấp nhất thế giới. Còn châu Âu, Bắc Mỹ là khu vực có tuổi thọ bình quân cao nhất thế giới là 78 tuổi và Monaco là quốc gia thuộc Tây Âu có tuổi thọ bình quân cao nhất thế giới với 86 tuổi5.
Về cơ cấu tuổi dân số
Già hóa dân số đang là xu hướng chung của dân số thế giới; điều này có thể nhận diện được thông qua sự biến động cơ cấu tuổi của dân số trong những năm qua ở nhiều quốc gia với việc gia tăng quy mô nhóm người từ 60 tuổi trở lên và giảm số lượng dân số dưới 15 tuổi. Theo bản công bố tình trạng dân số thế giới 2022 của PRB, khu vực dân số già nhất thế giới chính là Nam Âu với 22% người từ 65 tuổi trở lên trong khi tỷ trọng người dưới 15 tuổi chỉ còn 14% tổng dân số khu vực này.
Trái lại, bản công bố cũng cho thấy vùng Trung Phi của châu Phi có dân số trẻ hơn cả với tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi chiếm tới 45% dân số trong khi tỷ trọng người từ 65 tuổi trở lên chỉ chiếm có 3% dân số của cả vùng.
Các phát hiện chính của dự báo dân số thế giới năm 2022
Dân số thế giới được dự báo sẽ đạt mức cao nhất trong những năm 2080 với khoảng 10,4 tỷ người và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100. Thế giới mất khoảng 12 năm để tăng từ 7 - 8 tỷ người, xấp xỉ thời gian để tăng từ 6 - 7 tỷ người. Theo dự kiến, 1 tỷ người tiếp theo sẽ cần khoảng 14,5 năm (năm 2037)6.
Một nửa trong số 1 tỷ người được bổ sung vào mốc 8 tỷ người của dân số thế giới là ở châu Á (đứng đầu là Ấn Độ sau đó là Trung Quốc và Ni-giê-ri-a), tiếp đến là châu Phi đứng thứ hai với gần 400 triệu người. Châu Phi và châu Á sẽ thúc đẩy sự gia tăng dân số thế giới cho đến khi đạt mốc 9 tỷ người vào năm 20377.
Ngày nay, 2/3 dân số toàn cầu sống ở một quốc gia hoặc khu vực có mức sinh dưới 2,1 con/1 phụ nữ (còn gọi là mức sinh thay thế). Tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt 72,8 tuổi năm 2019, tăng gần 9 năm tuổi kể từ năm 1990. Nhưng năm 2021, tuổi thọ ở các nước kém phát triển nhất đã bị tụt hậu 7 năm tuổi so với mức trung bình toàn cầu8.
Kết luận
Nhìn vào bức tranh tổng quan về tình hình dân số thế giới năm 2022 và theo Dự báo dân số thế giới năm 2022 (World Population Prospects 2022) do Vụ Kinh tế và xã hội của Liên hiệp quốc công bố ngày 11/7/2022, dự kiến dân số thế giới sẽ đạt 8 tỷ người vào ngày 15/11/2022. Dân số thế giới dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên nhưng với tốc độ chậm hơn, dự kiến đến năm 2040, con số này sẽ tăng lên hơn 9 tỷ và con số này sẽ tăng lên hơn 10 tỷ vào năm 20559. Mặc dù còn nhiều thách thức trước mắt nhưng bên cạnh đó là câu chuyện thành công trong việc giảm được tỷ lệ nghèo đói và đạt được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; dân số thế giới đông hơn bao giờ hết, một phần là do tuổi thọ tăng lên và giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh.