Nếu sự năng động là một trạng thái tích cực được khuyến khích trau dồi thì thụ động lại là thái độ phản ứng tiêu cực, làm giảm hiệu suất công việc và làm lu mờ hình ảnh cá nhân. Trước khi muốn khắc phục tính cách tiêu cực này thì chúng ta cần phải hiểu rõ thụ động là gì, nguyên nhân và những hệ lụy nguy hại ra sao - tất cả sẽ có trong bài viết quân sư TalentBold sắp chia sẻ dưới đây. MỤC LỤC: 1. Khái niệm thụ động là gì? 2. Nguyên nhân dẫn đến hành vi thụ động 3. Thụ động trong công việc nguy hại ra sao? 4. Cách khắc phục sự thụ động nơi công sở
1. Khái niệm thụ động là gì?
Thụ động là cụm từ phản ánh một cá nhân cho phép người khác ra quyết định hoặc kiểm soát hành vi của họ trong các sự việc mà cá nhân đó phải thực hiện. Người thụ động không có chính kiến của riêng mình, họ luôn chấp nhận, đồng ý với sự sắp đặt, quyết định của người khác hoặc của tập thể.
Họ nghĩ như vậy là ngoan, là an toàn và tiết kiệm công sức nhất nên không có bất cứ phản biện hay nỗ lực nào trong công việc. Họ tiếp nhận nhiệm vụ như một nghĩa vụ và hoàn thành cho xong chứ không có sự cải tiến, đầu tư hay đóng góp ý kiến nào cả. Nói một cách đơn giản, họ để mọi thứ cho “dòng đời đưa đẩy’, không có bất cứ tác động xoay chuyển nào để tạo ra một kết quả tốt đẹp hơn.
>>> Bạn có thể xem thêm: Top "thói hư tật xấu" nơi công sở cần tránh xa
2. Nguyên nhân dẫn đến hành vi thụ động
2.1. Công nghệ phát triển
Thực trạng hiện nay, tính năng công nghệ ngày càng thay thế sức người, giúp cho năng suất công việc cao hơn, nhưng cùng với đó là việc con người ít vận động suy nghĩ hơn, lâu dần hình thành thói quen thụ động và lệ thuộc cao vào công nghệ.
2.2. Môi trường giáo dục bảo bọc
Cha mẹ Á Đông có thói quen bảo bọc con cái nhiều hơn cha mẹ phương Tây. Mọi vấn đề phát sinh ngay từ tấm bé đều được cha mẹ suy nghĩ cách giải quyết thay con trẻ, thay vì gợi ý để trẻ tự tư duy. Chính môi trường giáo dục bảo bọc này đã hình thành ở trẻ tính ỷ lại với niềm tin “cứ thụ động rồi mọi chuyện sẽ tự được giải quyết”.
2.3. Nỗ lực không được ghi nhận
Đã từng nỗ lực, đã từng cố gắng, đã từng dành nhiều thời gian để nâng cao chất lượng công việc… nhưng kết quả nhận về toàn là sự thất vọng, không được công nhận đã đành, có khi còn bị chê trách khi lỡ thất bại trong tiến trình cải tiến… trong khi những người ít cố gắng hơn lại bình an, ổn định và vui vẻ phát triển. Sự nỗ lực không được đền đáp xứng đáng khiến bản thân cảm thấy không đáng để nỗ lực nữa, tâm lý thụ động bắt đầu hình thành.
2.4. Tự ti về bản thân
Nhìn vào chức vụ bản thân, thành tích gặt hái, ưu điểm năng lực… tất cả đều thua những đồng nghiệp, bạn bè xung quanh. Cảm giác tự ti khiến cho bản thân không dám nêu lên chính kiến của mình vì sợ sai, sợ bị quê trước đám đông. Và rồi họ chọn cách nghe theo sự thống nhất ý kiến của tập thể nơi mà những đóng góp của những nhân tố nhiều kinh nghiệm hơn, thành công hơn được ghi nhận và đánh giá cao.
2.5. Tính cách lười biếng
Lười suy nghĩ, lười năng nổ làm việc cũng là nguyên nhân dẫn lối con người đến với sự thụ động trong cuộc sống và cả trong công việc. Người lười biếng không có hoài bão lớn, họ chỉ cần an phận qua ngày, tới tháng lãnh lương là được nên họ chọn cách tuân thủ sự sắp đặt của người chủ quản hơn là phản biện, góp ý hay cải tiến.
2.6. Tình trạng sức khỏe
Sự trầm cảm và tính thụ động có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu bên cạnh cảm giác uể oải của thụ động còn là những cảm xúc bi lụy, mất phương hướng, khó lấy lại trạng thái cân bằng… Bạn nên tìm đến chuyên khoa tâm lý để kiểm tra sức khỏe thần kinh càng sớm càng tốt.
3. Thụ động trong công việc nguy hại ra sao?
Thụ động trong mọi khía cạnh cuộc sống đều gây ra hệ lụy tiêu cực nhưng trong công việc, hành vi này đặc biệt nguy hại hơn:
3.1. Kiến thức nông cạn
Người thụ động khá thờ ơ với những cái mới, nhất là những nội dung mà họ không hào hứng, chẳng hạn như họ có thể xem một bộ phim một cách hời hợt vì dù sao họ cũng thích phim ảnh, nhưng khi thấy tin tức chuyên ngành thì vội vàng bỏ qua vì dù là tin ngắn thì đây cũng không phải lĩnh vực cuốn hút họ.
Kết quả là lượng kiến thức mới có khả năng hỗ trợ tốt cho công việc được nhân viên thụ động ghi nhận khá ít. Và họ chọn cách tiếp nhận, lưu trữ một cách cứng nhắc, nghe là tin ngay chứ không dành thời gian phân tích, sàng lọc nên kiến thức khá nông cạn. Khi áp dụng vào công việc sẽ thiếu sự linh hoạt, đôi khi còn xảy ra sai sót.
3.2. Thu hẹp cơ hội phát triển
Tâm lý thụ động hướng nhân viên đến những nhiệm vụ dễ dàng, tránh né những yêu cầu cải tiến hoặc những dự án có tính đột phá. Do đó, hành trình công việc của họ chỉ giậm chân tại chỗ, không tạo được thành tích vượt trội. Đây cũng là lý do mà những đợt đề bạt thăng chức, tăng lương rất ít có tên nhân viên thụ động trong danh sách, còn khi giảm biên chế, sa thải thì họ lại là đối tượng được chú ý đầu tiên.
3.3. Đánh mất sự tự tin
Không dám bày tỏ ý kiến, không dám phản biện dù thấy không hợp lý, thường xuyên đồng thuận với ý kiến người khác. Lâu dần, bản thân nhân viên thụ động sẽ đánh mất sự tự tin, dù có gặp việc không hợp ý thì cũng không dám phản bác vì sợ sai hoặc sợ bản thân không đủ lập luận để bảo vệ chính kiến của mình. Hệ quả là phải thực hiện công việc theo cách mà người khác quy định, hiệu quả không cao mà nguồn lực lại hao tốn khá nhiều.
>>> Bạn có thể quan tâm: Tụt mood là gì? Biện pháp khắc phục tình trạng tụt mood hiệu quả
3.4. Tâm lý làm việc bất ổn
Việc giữ im lặng và không quen phản biện để bảo vệ bản thân dù là điều quen thuộc của tính cách thụ động nhưng rất nhiều tình huống sự im lặng luôn đi kèm với sự bực tức, bất mãn, không hài lòng với cuộc sống hiện tại. Tình trạng này rất dễ dẫn đến tâm lý căng thẳng, lo lắng, ảnh hưởng chất lượng công việc và chất lượng cuộc sống.
4. Cách khắc phục sự thụ động nơi công sở
4.1. Sự thụ động của bản thân
Nhận thấy bản thân mình đang quá thụ động trong công việc, cách khắc phục hiệu quả nhất chính là:
4.1.1. Khơi dậy sự năng động
Tích cực hành động trong mọi tình huống cuộc sống chính là cách lánh xa dần hành vi thụ động. Không cần phải đợi đến khi vào công sở mới tìm cơ hội năng động, cơ hội hiện hữu liên tục trong cuộc sống của bạn, chẳng hạn như:
Chủ động dọn dẹp nhà cửa thay vì đợi đến khi quá bẩn, hoặc có ai đó phàn nàn rồi mới thực hiện
Sắp xếp góc làm việc ngăn nắp, định kỳ lau chùi mỗi tuần
Càng triển khai nhiều công việc theo chủ ý và lợi ích của bản thân, không cần ai phải nhắc nhở. Dần dần ngọn lửa năng động trong bạn sẽ được thắp sáng rực rỡ trở lại.
4.1.2. Thiết lập kế hoạch cá nhân
Nội dung kế hoạch bao gồm những việc cần thực hiện trong ngày, tháng, năm sẽ giúp nhân viên thụ động biết cách sử dụng thời gian một cách khoa học, không lãng phí. Lượng việc cần giải quyết cũng dần được tăng lên, để hoàn thành, nhân viên buộc phải chủ động hành động theo phương cách mà mình nghĩ ra, không còn lề mề ỷ lại vào phương cách người khác chỉ dẫn nữa.
4.1.3. Tin tưởng trực giác bản thân
Không ai sinh ra đã giỏi ngay, tất cả đều phải trải qua nhiều vấp ngã. Vì vậy, bạn đừng vì lo sợ mà không cho trực giác của bản thân cơ hội thể hiện. Những lần đầu có thể chưa hoàn hảo nhưng theo thời gian mọi thứ sẽ ngày càng tốt lên, trực giác càng lúc càng chất lượng, quyết định càng lúc càng chuẩn xác.
4.1.4. Dũng cảm đối mặt vấn đề
Né tránh chỉ khiến vấn đề cứ mãi âm ỷ trong tâm trí, khiến bản thân càng lúc càng dồn nén nhiều vấn đề hơn, cảm giác lo lắng, hoài nghi lớn dần nên thụ động mới có cơ hội phát triển. Dũng cảm đối mặt vấn đề của bản thân, tìm cách giải quyết ngay khi phát sinh thay vì ngó lơ với hy vọng vấn đề sẽ tự tan biến. Quá trình này sẽ giúp bạn tích lũy kinh nghiệm chuyên môn hữu ích, lượng kinh nghiệm tăng dần, khả năng giải quyết công việc cũng nâng cao chất lượng, sự tự tin quay về, tâm lý thụ động tự khắc bị đẩy lùi.
4.2. Sự thụ động của đồng nghiệp
Nếu bạn là người năng động hoặc chỉ thỉnh thoảng thụ động, nhưng đồng nghiệp của bạn lại quá thụ động khiến cho hiệu quả công việc của bạn bị kéo xuống. Gặp trường hợp này thì đây là giải pháp cho bạn:
4.2.1. Đề cập đến quyền lợi chung
Trong nhiều tình huống chúng ta không có quyền chọn đồng nghiệp mà phải theo sự sắp đặt của tổ chức. Vì vậy, tránh né đồng nghiệp thụ động không phải là giải pháp khi làm việc nhóm, thay vào đó, bạn nên chủ động trò chuyện xoay quanh lợi ích chung mà cả hai nhận được khi cùng nỗ lực hoàn thành công việc. Cách nói chuyện nên hướng đến công việc, đến lợi ích, đừng phán xét, chê trách thái độ làm việc của đối phương.
4.2.2. Tránh hành động tương tự
“Bạn thụ động thì tôi cũng thụ động, thiệt hại chung cả nhóm chứ đâu riêng ai” - đừng để tư tưởng này len lỏi vào suy nghĩ và hành đông của bạn vì như vậy là bạn đang hủy hoại tương lai chỉ vì một cảm xúc nhất thời, hoàn toàn không đáng. Cách tốt nhất là đề nghị quản lý phân rõ nhiệm vụ từng cá nhân, chú tâm hoàn thành phần việc của mình cùng những đồng nghiệp tích cực khác.
4.2.3. Đề xuất thay đổi nhân sự
Nếu tình trạng thụ động vẫn không cải thiện, bạn có thể hẹn gặp riêng quản lý để trao đổi về vấn đề phân bổ nhân sự, về những sụt giảm hiệu suất của nhóm. Trường hợp có những bằng chứng về sự cố tình thụ động, cố tình không hợp tác để làm khó bạn, bạn hoàn toàn có quyền đề xuất chuyển nhóm hoặc thay cộng sự.
Thụ động là trạng thái vô tư lự, chỉ nghe theo sự chỉ đạo, sắp đặt của người khác, không có chính kiến, không có phản biện, mọi thứ đối với người thụ động chỉ dừng lại ở mức vừa đủ để an toàn. Trong khi thực tế, không ai có thể theo hỗ trợ và thay bạn xử lý vấn đề mãi được, nhất là trong công việc. Vì vậy, nếu không muốn trở thành sự loại trừ của nhà tuyển dụng, khắc phục sự thụ động là điều quân sư TalentBold đặc biệt khuyến khích.
-
Chi tiết liên hệ: Talentbold - We bold your talents Hotline: 077 259 1080 Mail: [email protected] Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet