Thị giác - một trong 5 giác quan quan trọng nhất của con người, là cầu nối giữa chúng ta và thế giới màu sắc xung quanh. Nhưng thị giác hoạt động như thế nào, có chức năng gì? Tất cả sẽ được ThS.BS Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt, BVĐK Tâm Anh TP.HCM giải đáp trong bài viết này.
Thị giác mắt là gì?
Thị giác là quá trình mắt và não hoạt động cùng nhau, sử dụng ánh sáng phản chiếu từ các vật xung quanh để tạo ra khả năng nhìn.
Đa số con người có thị giác tốt hơn so với các giác quan khác. Trong một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy 88% số người tham gia đánh giá thị giác là giác quan quan trọng nhất đối với họ. [1]
Cấu tạo cơ quan thị giác gồm có gì?
Hệ thống thị giác bao gồm: mắt, dây thần kinh thị giác và vùng thị giác ở não.
- Mắt: cơ quan chủ yếu trong hệ thống thị giác, có nhiệm vụ thu thập ánh sáng và hình ảnh từ môi trường xung quanh. Mắt có nhiều bộ phận khác nhau, bao gồm: màng cứng, màng mạch, võng mạc, giác mạc, thủy dịch, thể thủy tinh, đồng tử, mống mắt, dịch thủy tinh và dây thần kinh thị giác. Bên ngoài mắt có mí mắt, lông mi và cầu mắt, tất cả đều nằm trong hốc mắt.
- Dây thần kinh thị giác: cầu nối truyền tải tín hiệu từ mắt tới não.
- Vùng thị giác ở não: nơi tiếp nhận và xử lý thông tin từ mắt, giúp chúng ta nhận diện hình ảnh.
Hình dạng và màu sắc thị giác
1. Hình dạng của thị giác
Thị giác không phải là một thực thể hữu hình nên không có hình dạng cụ thể. Thông qua thị giác, chúng ta nhận biết và hiểu rõ về màu sắc, ánh sáng và chi tiết của các vật thể. Ngoài ra, thị giác không chỉ giúp “nhìn thấy” mà còn giúp chúng ta “hiểu” về thế giới xung quanh.
2. Màu sắc của thị giác
Khi ánh sáng chiếu vào vật thể, vật thể hấp thụ một phần và phản xạ phần còn lại. Ánh sáng phản xạ sau đó đi vào mắt qua giác mạc. Võng mạc có 2 loại tế bào phản ứng với ánh sáng: tế bào que và tế bào nón. Tế bào que hoạt động trong ánh sáng yếu, tế bào nón hoạt động trong ánh sáng mạnh hơn.
Tế bào nón chứa chất dẫn quang, phát hiện màu sắc có 3 loại: đỏ, xanh lá và xanh dương. Khi ánh sáng chiếu vào vật thể, ánh sáng phản xạ kích thích cả tế bào nón đỏ và xanh lá. Các tế bào nón sau đó gửi tín hiệu đến não và sau khi xử lý bạn nhìn thấy màu sắc.
Trong môi trường tối, chỉ có tế bào que được kích thích, nên chỉ nhìn thấy các sắc thái của màu xám. Theo khoa học nghiên cứu, con người có thể phân biệt lên đến 10 triệu màu sắc. [2]
Thị giác mắt hoạt động thế nào?
Thị giác hoạt động khi mắt nhận diện ánh sáng, chuyển nó thành các tín hiệu thần kinh đã được mã hóa, sau đó truyền qua dây thần kinh thị giác đến não của bạn. Não tiếp tục nhận và giải mã các tín hiệu này, tạo ra hình ảnh mà chúng ta thấy.
1. Mắt
Mắt tập trung ánh sáng qua thấu kính và hướng nó về võng mạc. Võng mạc chuyển ánh sáng thành tín hiệu thần kinh và gửi chúng đến não. Mắt cũng tự điều chỉnh để kiểm soát lượng ánh sáng và tiêu điểm.
2. Võng mạc
Võng mạc chứa các tế bào đặc biệt, rất nhạy cảm, được gọi là tế bào cảm quang, có chức năng “thu ánh sáng”. Khi ánh sáng chiếu vào, các phản ứng hóa học và điện xảy ra trong tế bào, biến đổi ánh sáng thành tín hiệu thần kinh.
Có 2 loại tế bào cảm quang chính:
- Tế bào que: giúp bạn nhìn rõ trong điều kiện ánh sáng yếu.
- Tế bào nón: nhận biết chi tiết và phát hiện các màu sắc khác nhau khi có đủ ánh sáng.
Sau khi mã hóa ánh sáng thành tín hiệu thần kinh, võng mạc sẽ truyền tín hiệu đến dây thần kinh thị giác.
3. Dây thần kinh thị giác
Dây thần kinh thị giác hoạt động như cáp dữ liệu, liên kết võng mạc với não. Các tín hiệu từ võng mạc di chuyển qua dây thần kinh này để được não giải mã và xử lý.
4. Não
Bộ não nhận và giải mã các tín hiệu từ dây thần kinh thị giác, tạo ra “hình ảnh” mà bạn nhìn thấy. Tùy vào hình ảnh, các khu vực khác nhau trong não cùng hợp tác để xử lý và hiểu hình ảnh đó.
Chức năng của thị giác là gì?
Thị giác có vai trò giúp chúng ta quan sát và nắm bắt hình ảnh, màu sắc từ thế giới xung quanh, cung cấp thông tin cho não để nhận diện và xử lý.
Rủi ro ảnh hưởng tới chức năng thị giác
1. Tuổi tác
Tuổi tác có thể gây ra các vấn đề thị giác như: cận thị, viễn thị, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng.
2. Bệnh tật
Các bệnh như: đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc các bệnh về mắt bao gồm tăng nhãn áp, viêm giác mạc cũng làm ảnh hưởng đến thị giác.
3. Vấn đề về thị lực
Các vấn đề thị lực như: cận thị, viễn thị, loạn thị làm giảm chất lượng thị giác, ảnh của vật sẽ không hiện trên màng lưới.
4. Chấn thương
Chấn thương ở mắt hoặc đầu gây tổn thương cho thị giác.
5. Di truyền
Một số vấn đề về thị giác có thể di truyền, bao gồm: mù màu, cận thị, viễn thị và một số bệnh về mắt khác.
Dấu hiệu tình trạng thị giác mắt cần gặp bác sĩ
- Tầm nhìn đôi (song thị): tình trạng thị giác nhìn thấy nhiều hình ảnh ảo của một vật thể, gây ra khó chịu và mệt mỏi cho mắt.
- Mù màu: người mắc phải gặp khó khăn khi phân biệt màu xanh lá và đỏ hoặc xanh dương và vàng. Bệnh thường do di truyền, xuất hiện ở người cao tuổi hoặc những người tiếp xúc với hóa chất độc hại.
- Mất thị lực tạm thời: một hoặc cả hai mắt bỗng dưng không thể nhìn thấy gì trong thời gian ngắn.
- Hội chứng thị giác màn hình: gặp ở người làm việc với máy tính hoặc thiết bị điện tử trong môi trường văn phòng. Các triệu chứng bao gồm: mỏi mắt, nhìn mờ, khô mắt, chảy nước mắt, chớp mắt thường xuyên,..
Biến chứng rủi ro khi thị giác bị ảnh hưởng
Thị giác bị ảnh hưởng gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho mắt nếu không được khắc phục kịp thời:
- Nhược thị.
- Đục thuỷ tinh thể.
- Thoái hóa điểm vàng.
- Viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào, tăng nhãn áp, đau mắt đỏ.
- Tổn thương não bộ.
- Mù lòa.
Bệnh lý thị giác phổ biến của mắt
Tật khúc xạ là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến thị giác của con người. Các loại tật khúc xạ thường gặp bao gồm:
1. Cận thị
Ánh sáng tập trung quá xa phía trước võng mạc, khiến các vật ở xa trông mờ. Điều này do hình dạng nhãn cầu quá dài.
2. Loạn thị
Trái với cận thị, loạn thị xảy ra do ánh sáng tập trung quá xa võng mạc, khiến các vật ở gần trông mờ. Nguyên nhân do hình dạng nhãn cầu quá ngắn.
3. Viễn thị
Ánh sáng không tập trung chính xác vào võng mạc do giác mạc hoặc thủy tinh thể bị biến dạng, dẫn đến cả vật ở gần và xa đều mờ.
4. Lão thị
Thấu kính kém linh hoạt và các cơ xung quanh yếu hơn, gây ra viễn thị. Bệnh xuất hiện khi bạn già đi.
Chẩn đoán và khám thị giác
Quá trình chẩn đoán và kiểm tra thị giác bao gồm nhiều bước sau:
1. Kiểm tra thị lực
- Bác sĩ ghi lại thị lực của bạn bằng cách đo không kính và có kính.
- Kiểm tra thị lực mỗi mắt: người bệnh nhìn vào bảng thử thị lực ở khoảng cách 6m. Nếu không thể, sẽ thử ở khoảng cách 3m hoặc sử dụng bảng cầm tay ở khoảng cách 36 cm.
- Kiểm tra thị lực nhìn gần: người bệnh đọc thẻ đọc tiêu chuẩn hoặc báo in cỡ chữ 14 in ở khoảng cách 36 cm.
- Đánh giá tật khúc xạ: tật khúc xạ được ước tính gần đúng bằng máy soi đáy mắt trực tiếp hoặc đo bằng phoropter tiêu chuẩn hay máy đo khúc xạ tự động.
2. Khám mí mắt và kết mạc
- Kiểm tra bờ mi và da quanh ổ mắt: sử dụng chùm sáng khu trú ở độ phóng đại lớn để kiểm tra.
- Kiểm tra túi lệ và lệ đạo: nếu nghi ngờ viêm, ấn vào vùng túi lệ để xem có dịch tiết trào qua điểm lệ và lệ đạo không.
- Kiểm tra kết mạc nhãn cầu, khe mi và túi cùng: lật mí để phát hiện dị vật, các biểu hiện của viêm hoặc các bất thường khác.
3. Khám giác mạc
- Đánh giá phản xạ giác mạc: nếu phản xạ mờ hoặc không sắc nét, có thể có bất thường ở bề mặt nhãn cầu.
- Nhuộm fluorescein: phát hiện loét trợt biệt mô giác mạc.
- Khám dưới độ phóng đại và ánh sáng xanh cobalt: người bệnh chớp nhiều lần để dàn đều thuốc nhuộm vào màng nước mắt, sau đó khám dưới độ phóng đại và ánh sáng xanh cobalt.
4. Khám đồng tử
Bác sĩ dùng đèn pin chiếu ánh sáng song song trước đồng tử để xem cách đồng tử phản ứng khi bị kích thích bởi ánh sáng.
5. Các cơ ngoài nhãn cầu
Bác sĩ chỉ dẫn người bệnh nhìn vào 1 vật di động theo 8 hướng khác nhau. Trong quá trình này, bác sĩ quan sát các biểu hiện bất thường của nhãn cầu và thần kinh sọ.
6. Khám đáy mắt
Soi đáy mắt là quá trình kiểm tra phần sau của mắt, được thực hiện bằng máy hoặc kính soi. Quá trình này giúp phát hiện các biến đổi của võng mạc và mạch máu.
7. Khám sinh hiển vi
Bác sĩ sử dụng đèn sinh hiển vi và máy soi cầm tay để quan sát các cấu trúc mắt ở 3 chiều, giúp xác định dị vật giác mạc, đo độ sâu tiền phòng, phát hiện tế bào và protein trong tiền phòng, xác định vị trí đục thủy tinh thể, phát hiện các bệnh võng mạc và đo nhãn áp.
8. Khám thị trường (trường thị giác)
Kiểm tra thị trường giúp đánh giá 2 khía cạnh:
- Khả năng nhìn thấy các vật ở phạm vi ngoại vi mà không cần di chuyển mắt.
- Mức độ nhạy cảm của thị giác ở các khu vực khác nhau trong trường nhìn.
9. Sắc giác
Đĩa màu Ishihara có 12 - 24 tấm, được sử dụng để kiểm tra sắc giác. Trên mỗi tấm có số hoặc biểu tượng ẩn trong các chấm màu. Người mù màu hoặc có tổn thương sắc giác không thể nhìn thấy các số ẩn này.
Điều trị các bệnh liên quan tới thị giác
Các bệnh về thị giác được điều trị theo nhiều cách, tùy thuộc vào loại bệnh và mức độ nghiêm trọng. [3]
- Bệnh thần kinh thị giác và dây thần kinh sọ: bệnh ảnh hưởng đến mắt, đồng tử, thần kinh thị giác hoặc cơ vận nhãn và dây thần kinh của chúng. Phương pháp điều trị sẽ dựa trên nguyên nhân gây ra bệnh.
- Viêm dây thần kinh thị giác: gây đau khi di chuyển mắt, giảm thị lực hoặc thậm chí mù vĩnh viễn. Bệnh được điều trị bằng các biện pháp như: truyền tĩnh mạch methylprednisolon, truyền tĩnh mạch immunoglobulin, tiêm interferon.
- Bệnh thị thần kinh di truyền: không có phương pháp điều trị hiệu quả. Chỉ có thể dùng các dụng cụ trợ thị (kính lúp, thiết bị in lớn) để hỗ trợ.
- Phòng ngừa rối loạn thị giác: điều chỉnh chế độ ăn uống, bổ sung các vitamin và dưỡng chất cần thiết cho mắt như omega 3, vitamin A, vitamin E, vitamin C.
Một số cách cải thiện thị giác mắt
1. Khám mắt định kỳ
Dù có thị lực bình thường (20/20), bạn vẫn nên thực hiện khám mắt định kỳ. Những bài kiểm tra mắt sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề về mắt như loạn thị hay cận thị, để có biện pháp xử lý kịp thời.
2. Chế độ dinh dưỡng cho mắt
Để mắt hoạt động tốt bạn cần bổ sung vitamin và các chất dinh dưỡng bao gồm: vitamin A, E, C, lutein, zeaxanthin, axit béo Omega-3, kẽm và beta-caroten. Những chất này có trong thực phẩm như: dầu đậu nành, bơ, sữa, lòng đỏ trứng, cà rốt, thịt bò, cà chua,… Tuy nhiên, bạn vẫn nên kiểm tra thị lực định kỳ và tuân theo lời khuyên của bác sĩ.
3. Hoạt động thể chất
Ngoài ra, một số bài tập như: chớp mắt liên tục, đảo mắt qua lại và nhắm chặt mắt cũng giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi cho mắt.
Bài viết này đã giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn về thị giác. Nên bảo vệ thị giác bằng cách bổ sung vitamin và chất dinh dưỡng, cho mắt nghỉ ngơi tránh làm việc liên tục. Đồng thời, dù thị lực có tốt, cũng cần khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.