Hiện tượng “thiên nga đen” là gì?
Thiên nga đen “Black Swan” dựa trên câu chuyện về việc nhà thám hiểm người Hà Lan Willem de Vlamingh tìm thấy loài thiên nga đen trong chuyến hành trình đến Úc vào năm 1697. Phát hiện này đã làm thay đổi quan điểm về việc chỉ tồn tại loài thiên nga trắng trên Trái Đất.
Đối với thị trường chứng khoán, thuật ngữ "Thiên nga đen" được đặt ra bởi một giáo sư tài chính, cựu thương nhân phố Wall, Nassim Nicholas Taleb. Khái niệm này dùng để chỉ những hiện tượng khó lường và không thể dự đoán trước được, gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, thị trường tài chính và thị trường chứng khoán toàn cầu.
Thông thường, nhà đầu tư sẽ sử dụng lịch sử giá trong quá khứ kết hợp các phương pháp phân tích kỹ thuật, phân tích thông tin thị trường để đưa ra dự báo xu hướng giá cổ phiếu. Tuy nhiên, một sự kiện bất thường, có xác suất rất thấp xảy ra như gần đây nhất đại dịch COVID-19 đã làm “chao đảo” thị trường tài chính toàn cầu, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, đây chính là hiện tượng “thiên nga đen”.
Trước đại dịch COVID-19, thế giới đã chứng kiến nhiều hiện tượng thiên nga đen như: khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, bong bóng Dotcom năm 2001, vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/09, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và sau đại dịch là xung đột giữa Nga và Ukraine.
Bình tĩnh trước hiện tượng “thiên nga đen”
Mặc dù phải đối mặt với những thiệt hại và thách thức không nhỏ từ những sự kiện trên, nhưng chúng ta có thể thấy sau mỗi lần như vậy, các quốc gia đều rút ra bài học, thay đổi mình để kháng lại các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Nikkei Asia nhận định rằng, sau 25 năm từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, các quốc gia châu Á một lần nữa đối mặt với hàng loạt thách thức mới. Bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế thế giới vật lộn để tìm chỗ đứng hậu đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, đòi hỏi các quốc gia châu Á phải kiên cường hơn (*).
Sau khủng hoảng năm 1997, Nikkei Asia đánh giá nền kinh tế các quốc gia châu Á đã thay đổi, hầu hết đã chuyển mình nhờ vào công nghiệp hóa. Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á không còn gắn đồng tiền của họ với đồng bạc xanh và nhiều nền kinh tế có thặng dư tài khoản vãng lai, nhiều nền kinh tế có dự trữ ngoại hối tốt. Nhờ vào đó, lịch sử không lặp lại một lần nữa.
Như vậy có thể thấy rằng, dù trường hợp thiên nga đen mới nào đó xảy ra trong tương lai, nhà đầu tư vẫn nên giữ bình tĩnh và tin tưởng vào phương án xử lý ổn định kinh tế của quốc gia.
Chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán VPS (VPS) chia sẻ rằng, nhà đầu tư nên chấp nhận rằng sự kiện thiên nga đen tiếp theo sẽ có lúc xảy ra và chúng ta cần phải trong tâm thế sẵn sàng, chủ động thường xuyên cập nhật thông tin sớm nhất.
Theo chuyên gia VPS, việc bình tĩnh giúp nhà đầu tư có thời gian để phân tích tình hình, tránh bán tháo gây hệ lụy sụp đổ thị trường. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý nên đa dạng hóa danh mục đầu tư để phòng ngừa rủi ro. Thêm vào đó, nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận trong giai đoạn thị trường đi xuống đó là sử dụng công cụ chứng khoán phái sinh. Đây là một cách tận dụng cơ hội đầu tư mà sự kiện thiên nga đen mang lại.