Hằng năm, bạn có để ý rằng mặt bằng lãi suất của các ngân hàng luôn luôn thay đổi không. Có năm lãi suất rất thấp, chúng ta có thể dễ dàng vay tiền ở ngân hàng mà không gặp quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên lại có những năm lãi suất rất cao, chúng ta lại đem tiền gửi vào ngân hàng để hưởng mức lãi suất cao đó.
Nếu như bạn đang thắc mắc về điều này, hoặc là bạn đang tìm hiểu về nó thì đây chính là nơi bạn nên dành ra 5 phút để đọc bài biết này. Đằng sau câu chuyện về lãi suất là cả một khái niệm rất quan trọng trong tổng thể nền kinh tế. Có thể nói nó chính là cán cân để điều tiết nền kinh tế của cả thế giới này. Và bởi vì vậy tôi chắc chắn rằng, trong tương lai, những kiến thức này sẽ giúp bạn một phần nào đấy trong chiến lược đầu tư của chính bạn.
Để hiểu rõ hơn tại sao hằng năm, lãi suất lại có sự thay đổi như vậy. Hãy cùng tôi đi tìm hiểu về một khái niệm sâu hơn “Chính sách tiền tệ”.
Chính sách tiền tệ là gì?
Chính sách là những chủ trương, chiến lược của ngân hàng trung ương để điều tiết nền kinh tế đi theo đúng hướng họ mong muốn. Tiền tệ chính là lượng tiền đang lưu thông trong nền kinh tế. Vậy nên, chính sách tiền tệ chính là chính sách điều tiết lượng tiền tệ lưu thông trong nền kinh tế, từ đó có thể ổn định giá cả, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, kích thích GDP tăng trưởng.
Do ngân hàng Trung Ương ( NHTW ) có thể chủ động được khả năng tác động vào thị trường tiền tệ nên đây là một công cụ rất hữu hiệu của NHTW để lái con thuyền kinh tế theo hướng chính phủ mong muốn.
Vậy nhưng, NHTW đã làm những gì để có thể điều tiết được nền kinh tế theo hướng họ mong muốn?
Công cụ của chính sách tiền tệ
Ở đây chúng ta hãy cùng nói đến FED, tổ chức tài chính lớn nhất thế giới. Ở đây, gã khổng lồ FED có 3 chiếc vòi nước để có thể chủ động bơm hút tiền vào bể nước kinh tế khổng lồ: họ mua và bán chứng khoán trên các thị trường mở ( OMO ), họ thiết lập các mức chuẩn về dự trữ với các ngân hàng và cuối cùng là cung cấp lãi chiết khấu khi mà một ngân hàng khác vay từ FED. Hãy cùng đi vào chi tiết nhé!
Công cụ tái cấp vốn
Bạn hãy tưởng tượng bạn đang rất khát nhưng chỉ có một cốc nước nhỏ. Trong vòng một giây, bạn đã uống hết cốc nước đó nhưng vẫn chưa thể giải tỏa cơn khát. Thì lúc này FED sẽ dùng công cụ tái cấp vốn để giúp bạn (là doanh nghiệp hay cá nhân trong nền kinh tế) giải thoát cơn khát cần tiền.
Họ sẽ cấp thêm các khoản tín dụng với các Ngân Hàng thương mại. Từ đó các ngân hàng có thể cho vay nhiều hơn từ đó tăng lượng tiền cung ứng ra bên ngoài nền kinh tế.
Công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Bạn có bao giờ tự hỏi, hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng là lấy tiền của người này để cho vay người khác. Nhưng giả sử nếu một ngày tất cả những người gửi tiền ở ngân hàng đồng loạt rút tiền thì chuyện gì sẽ xảy ra chưa. Bởi vì, ngân hàng đã cầm tiền của những người gửi đem cho người khác vay nên chắc chắn họ sẽ không đủ tiền để trả cho những người gửi.
Vậy nên để hạn chế tối đa điều này, mỗi ngân hàng luôn có một tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Và khi có quá nhiều người rút tiền cùng một lúc thì họ sẽ lấy tiền từ tỷ lệ dự trữ bắt buộc này ra.
Rõ ràng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc này là một điều cần thiết nhưng đó lại là số “tiền chết” của một ngân hàng. Nên NHTW có thể thay đổi tỷ lệ này để điều tiết lượng tiền cung ra thị trường. Tỷ lệ “tiền chết” càng ít thì lượng tiền ngân hàng có thể cung cấp tín dụng sẽ càng nhiều và ngược lại.
Công cụ nghiệp vụ thị trường mở (OMO)
Lưu thông trên thị trường không phải chỉ có mỗi tiền tệ không mà còn rất nhiều sản phẩm tài chính khác nữa: trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu, thương phiếu,… Công cụ nghiệp vụ thị trường mở là NHTW sẽ mua bán các giấy từ này trên thị trường tiền tệ, từ đó có thể tác động lên khả năng cung cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Công cụ lãi suất tín dụng
Đây chính là ví dụ ban đầu mà tôi đã kể với các bạn. Và bởi vì nó khá hiệu quả nhưng lại không trực tiếp làm tăng lên hay giảm đi lượng tiền trong lưu thông nên đây là một công cụ rất lợi hại.
Đơn giản là khi lãi suất cao thì bạn sẽ gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn và khi lãi suất giảm, bạn sẽ có xu hướng vay ngân hàng nhiều hơn; nên một cách rất tự nhiên, lượng tiền trong lưu thông sẽ được điều tiết.
Công cụ hạn mức tín dụng
Giống như cổ phiếu có mức giá trần và giá sàn thì số lượng tín dụng một ngân hàng có thể cung cấp ra ngoài cũng vậy, nó cũng có chặn trên và người ta gọi đó là hạn mức tín dụng.
Khi một ngân hàng đã cho vay quá nhiều, đến mức mà mặc dù chưa hết năm họ đã chạm hạn mức tín dụng cho phép thì trong thời gian còn lại , họ sẽ không thể cho khách hàng vay thêm được nữa.
Đây cũng là một cách kiểm soát khá tốt lượng tín dụng cung cấp ra bên ngoài từ đó có thể điều tiết được lượng tiền lưu thông,
Tỷ giá ngoại hối
Đây là tương quan giá trị của 2 đồng nội tệ trong nước với đồng ngoại tệ. Đây là chất xúc tác cho hoạt động xuất nhập khẩu của một quốc gia.
Thực tế thì nó không làm thay đổi lượng tiền trong nước nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, thu hút vốn đầu tư. Tuy vậy nó lại được coi là một công cụ quan trọng hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.
Mục tiêu của chính sách tiền tệ
Ổn định đồng tiền, kiểm soát lạm phát
Tùy đặc điểm của từng quốc gia mà họ sẽ muốn neo tỷ giá đồng tiền của mình ở một vùng nhất định nào đó. Bên cạnh đó, bằng việc kiểm soát giá trị đồng tiền cũng có thể ổn định lạm phát ở mức mong muốn.
Tạo ra nhiều công việc, giảm tỷ lệ thất nghiệp
Như đã chia sẻ phía trên, bằng việc nới lỏng hay thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ làm cho doanh nghiệp dễ dàng hoặc khó khăn tiếp cận với nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó sẽ gián tiếp tạo ra hoặc giảm bớt công ăn việc làm của người lao động
Phát triển kinh tế
Chính sách tiền tệ là một trong những công cụ đắc lực của chính phủ và ngân hàng Trung Ương để điều tiết kinh tế đi theo hướng ổn định. Để đạt được điều đó thì NHTW sẽ phải phối hợp với nhiều công cụ khác để đạt được kết quả tốt nhất.
Phân loại chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ mở rộng (Chính sách tiền tệ nới lỏng)
Đây là khi NHTW muốn bơm tiền vào để kích thích nền kinh tế mở rộng. Bằng hành động này, thị trường sẽ sôi động hơn, người dân có nhu cầu chi tiêu nhiều hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Các cách chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng:
Hạ mức dự trữ bắt buộc ở NHTM
Mua các trái phiếu, chứng khoán,…
Kích thích các hoạt động tín dụng
Dựa vào tình hình kinh tế của một quốc gia đang tăng trưởng quá mức hay chậm chạp; lạm phát cao hay trong tầm kiểm soát; tỷ lệ thất nghiệp; tín dụng tốt hay xấu; tính thanh khoản của thị trường thế nào…thì chính phủ sẽ lựa chọn sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt hay thu hẹp.
Chính sách tiền tệ thắt chặt
Khi nền kinh tế quá nóng, lạm phát gia tăng ở mức đáng báo động. Một ly nước thì sẽ không thể nào chứa được lượng nước của cả một dòng sông. Do đó những lúc mà nền kinh tế quá nóng sẽ phải cần một chính sách để điều chỉnh nền kinh tế hạ nhiệt, hút bớt tiền ra khỏi thị trường. Đó chính là lúc chính sách tiền tệ thắt chặt được đưa ra.
Khi này chính phủ sẽ dùng một số cách để thực hiện chính sách tiền tệ hút bớt tiền ra khỏi nền kinh tế:
Nâng mức dự trữ bắt buộc ở các NHTM
Bán các trái phiếu, chứng khoán,…
Hạn chế các hoạt động tín dụng.
Ví dụ thực hiện chính sách tiền tệ bởi NHNN Việt Nam
Theo Luật NHNN năm 2010, Thống đốc NHNN quyết định việc sử dụng công cụ thực hiện CSTT quốc gia, bao gồm tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ, biện pháp khác theo quy định của Chính phủ.
- Tái cấp vốn: Tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng của NHNN nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho TCTD. NHNN quy định và thực hiện việc tái cấp vốn cho TCTD theo các hình thức như cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá; chiết khấu giấy tờ có giá; các hình thức tái cấp vốn khác.
- Lãi suất: NHNN công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành CSTT, chống cho vay nặng lãi. Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các TCTD với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.
- Tỷ giá hối đoái: Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. NHNN công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá.
- Dự trữ bắt buộc: Dự trữ bắt buộc là số tiền mà TCTD phải gửi tại NHNN để thực hiện CSTT quốc gia. NHNN quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình TCTD và từng loại tiền gửi tại TCTD nhằm thực hiện CSTT quốc gia. NHNN quy định việc trả lãi đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của từng loại hình TCTD đối với từng loại tiền gửi.
"Các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 4% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác là 3% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 5-2011 và thay thế Quyết định số 74/QÐ-NHNN ngày 18-1-2010 của Thống đốc NHNN. Như vậy, mức tăng các tỷ lệ dự trữ bắt buộc mới so các tỷ lệ theo quy định cũ là 2%." Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Nghiệp vụ thị trường mở: NHNN thực hiện nghiệp vụ thị trường mở thông qua việc mua, bán giấy tờ có giá đối với TCTD; quy định loại giấy tờ có giá được phép giao dịch thông qua nghiệp vụ thị trường mở.