Các quốc gia trên toàn cầu đang ngày càng lo ngại trước sức mạnh của đồng USD. Các nền kinh tế mới nổi như Indonesia đã bắt đầu hành động để bảo vệ đồng tiền nước mình trước khả năng lạm phát gia tăng trở lại và áp lực đối với tăng trưởng do giá hàng nhập khẩu tăng.
Tác động tiêu cực từ sự vượt trội của đồng USD đối với nền kinh tế toàn cầu có thể là một trong những chủ đề chính tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra vào ngày 17/4 ở Washington (Mỹ).
Đồng tiền của các nước G20 gần như đều đang giảm giá so với đồng USD. Mức giảm kể từ đầu năm nay đã lên đến 8% với đồng yen của Nhật Bản, 5,5% với đồng won của Hàn Quốc, và cao nhất là 8,8% với đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cả các nền kinh tế mới nổi và phát triển đều đang chứng kiến đồng tiền của họ ngày càng suy giảm, trong đó đồng AUD của Australia, đồng CAD của Canada, và đồng euro đã giảm lần lượt 4,4%, 3,3%, và 2,8%.
Nguyên nhân cho sức mạnh của đồng USD là khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm lãi suất ngày càng lùi xa. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba được Mỹ công bố tuần trước đã tăng vượt dự đoán.
Sau khi số liệu này được công bố, nhiều đồng tiền như đồng yen và euro đã giảm hơn nữa so với đồng USD.
Chính phủ các nước đang ngày càng lo ngại về sự mất giá của đồng tiền nước mình. Các nền kinh tế mới nổi đặc biệt nhạy cảm với việc này, vì gánh nặng từ các khoản nợ bằng đồng USD sẽ gia tăng cũng với chi phí lãi vay cao hơn do lãi suất tăng.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng USD cứ tăng 10% thì sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế ở các nền kinh tế mới nổi giảm 1,9% sau một năm, và các ảnh hưởng kinh tế tiêu cực sẽ kéo dài hơn hai năm.
Năm 2022, sức mạnh lên tương tự của đồng USD đã khiến Sri Lanka rơi vào vỡ nợ do đồng nội tệ mất giá.
Nhiều nước đã bắt đầu hành động. Ngày 1/4, Ngân hàng trung ương Brazil đã can thiệp vào thị trường ngoại hối lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva lên nắm quyền.
Dù chính phủ và ngân hàng trung ương nước này không giải thích rõ ý định của mình, nhưng nhiều ý kiến cho rằng động thái trên nhằm mục đích điều chỉnh sự mất giá của đồng real.
Nhiều tờ báo địa phương đưa tin Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) cũng đã quyết định sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ trong tháng này, với mục đích điều chỉnh giá trị của đồng rupiah, vốn đang ở mức thấp nhất bốn năm qua.
Nhưng đồng rupiah đang trên đà giảm giá sau các thông tin này, thủng mốc quan trọng 16.000 rupiah đổi 1 USD.
Các nước mới nổi lo ngại kịch bản nền kinh tế suy yếu do lãi suất tăng để kiềm chế lạm phát, như những gì diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều nền kinh tế mới nổi đã dừng nâng lãi suất vào năm ngoái. Và khi các nước này đã sẵn sàng để bắt đầu hạ lãi suất, thì việc Mỹ trì hoãn cắt giảm lãi suất đã khiến các nền kinh tế mới nổi có khả năng lại phải nâng lãi suất trở lại.
Các nền kinh tế mới nổi đã nỗ lực ngăn chặn đồng nội tệ mất giá bằng cách tăng lãi suất trước Fed vào năm 2021 và 2022. Vào đầu năm 2024, nhiều người tin rằng Mỹ sẽ hạ lãi suất trong năm nay và sức mạnh của đồng USD sẽ được điều chỉnh.
Tuy nhiên, thời điểm Fed hạ lãi suất đang ngày càng xa dần, làm gia tăng nguy cơ đồng USD càng mạnh hơn nữa, từ đó tác động tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi.
Đây không chỉ là nỗi lo của các nền kinh tế đang phát triển, mà cả Nhật Bản và các nước phát triển khác cũng đang lo ngại về sự trượt giá không ngừng của đồng nội tệ.
Chuyên gia Kota Hirayama of SMBC của công ty chứng khoán Nikko Securities nhận định bên cạnh sự gia tăng của giá dầu, nguy cơ lạm phát quay trở lại đang ngày càng cao ở các nền kinh tế mới nổi do tình hình tỷ giá.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết các nước này lại không thể nâng lãi suất. Vì thế, thay vì ứng phó bằng chính sách tiền tệ, thì họ có thể sẽ phản ứng tạm thời với sự suy yếu của đồng nội tệ bằng cách can thiệp để “câu giờ”./.