Biển – Thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước với chiều dài 1.800km (chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước, bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "mặt tiền" của quốc gia, "khúc ruột" của Tổ quốc là "cửa ngõ" ra biển cả, "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế, nhiều cảng biển và cảng hàng không lớn.

Theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, mục tiêu đến năm 2045, vùng có hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Biển - Thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
Một góc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung

Với tinh thần đó, chương trình hành động của Chính phủ xác định tập trung phát triển các ngành kinh tế biển. Trong đó, về chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, Chương trình nêu việc thúc đẩy phát triển kinh tế biển, xây dựng kế hoạch cụ thể và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành để tập trung phát triển các ngành kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển. Nhất là với các ngành như du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió ven bờ và năng lượng gió ngoài khơi; các ngành kinh tế biển mới...

Tại Hội thảo Quy hoạch và phát triển bền vững đô thị bền vững Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho hay, vùng có hệ thống các đô thị trung tâm và hạt nhân cấp vùng được liên kết thuận lợi với nhau và liên kết với cả các đô thị khác trong nước và quốc tế thông qua hệ thống hạ tầng giao thông.

Trong số đó, tuyến Quốc lộ 1A đi qua hơn 70 đô thị hầu hết là các đô thị trung tâm và hạt nhân cấp vùng, hình thành mạng lưới đô thị theo chuỗi bám dọc tuyến.

Mặt khác, 11/14 tỉnh có cảng biển là điều kiện thuận lợi phát triển các đô thị ven biển. Ngoài ra, vùng có nhiều đô thị được thiên nhiên ưu đãi về du lịch khi có đường bờ biển với nhiều cảnh quan, bãi biển đẹp, hoang sơ, hấp dẫn… ( như Khánh Hòa, Phan Thiết...) cùng các giá trị văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc khác nhau. Đây chính là tiền đề để phát triển hình thành các đô thị du lịch ven biển (phát triển ngành du lịch, kinh doanh bất động sản, các khu nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp ven biển...).

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế nêu trên, việc phát triển hệ thống đô thị trong vùng cũng gặp phải những khó khăn, thách thức với khí hậu khắc nghiệt. Đặc biệt là dưới tác động của biến đổi khí hậu thì cường độ, tần suất của loại hình thiên tai ngày càng khốc liệt, khó dự đoán hơn, đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống người dân và quá trình phát triển đô thị.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đề xuất các địa phương ưu tiên chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; tập trung xây dựng các chương trình phát triển đô thị để tích hợp nguồn lực thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, các tỉnh cần đẩy mạnh kết nối hệ thống các đô thị hạt nhân và đô thị trung tâm cấp vùng trong vùng nói riêng và với hệ thống đô thị toàn quốc Bắc-Trung-Nam nói chung đồng thời hỗ trợ liên kết phát triển trục đô thị Đông-Tây.

Mặt khác, các đô thị lớn (có hạ tầng hiện đại như Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vinh...) cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới kết cấu hạ tầng để nâng cao hơn nữa khả năng kết nối trong vùng cũng như trên cả nước.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, các đô thị lớn cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể là hình thành nhiều các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng gắn liền đô thị tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế đô thị.

Để làm được những điều này, các địa phương cần chú trọng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội.

Hơn nữa, các địa phương nên lựa chọn, khai thác và phát huy sự khác biệt của từng đô thị, để tạo sự đa dạng và hỗ trợ phát triển lẫn nhau. Cụ thể, các đô thị như Huế, Hội An với yếu tố di sản hay Nha Trang, Phan Thiết… có đường bờ biển dài và đẹp, cần được xây dựng thành những điểm đến, những đô thị di sản, du lịch tầm cỡ khu vực quốc tế.

Mặt khác, các đô thị ven biển các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận... cần được thúc đẩy để trở thành điểm đến thu hút nguồn đầu tư lớn cho các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), đi kèm với đó là dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Sự đa dạng này chính là ưu điểm của hệ thống các đô thị khu vực Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.

“Đô thị hóa là xu thế tất yếu trên thế giới và có mối liên hệ tương hỗ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các đô thị chính là nơi bắt nguồn của những đổi mới trong quá trình phát triển. Đây cũng là nơi mà các giải pháp sẽ được nghiên cứu, đưa ra để giải quyết những vấn đề không chỉ của đô thị và cho cả các lĩnh vực khác,” Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.

Hải Đông

Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/bien-the-manh-cua-vung-bac-trung-bo-va-duyen-hai-trung-bo-a16290.html