Tổng quan về phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam

Thời kỳ trước năm 1975

Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than đầu tiên của Việt Nam là Nhà đèn Vườn hoa, được người Pháp xây dựng tháng 2/1894 tại Hải Phòng. Tiếp đó, tại khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, các nhà máy nhỏ, quy mô không quá 10 MW, thông số hơi thấp lần lượt được xây dựng.

Tới tháng 10/1954, tổng công suất nguồn điện miền Bắc chỉ khoảng 31,5 MW với sản lượng điện khoảng 53 triệu kWh/năm. Để đáp ứng nhu cầu điện năng, cùng với việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các nhà máy điện do Pháp để lại, trong các năm 1955 - 1960, Việt Nam đã khởi công xây dựng và đưa vào vận hành một số NMNĐ than mới có công suất nhỏ và vừa, thông số hơi trung áp (áp suất/nhiệt độ đến 3,43 MPa (35 bar)/435 độ C), công nghệ lò ghi xích và lò than phun.

Năm 1961, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Việt Nam khởi công xây dựng NMNĐ Uông Bí - nguồn điện chủ lực của miền Bắc. Bên cạnh đó, Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình công suất 100 MW do Trung Quốc giúp đỡ cũng được đưa vào vận hành từ 1974. Đây là những nhà máy điện than có công suất lên tới hàng trăm MW đầu tiên do Việt Nam đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, các nhà máy điện luôn là trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ. Mặc dù CBCNV ngành Điện đã không ngại hy sinh, bám lò, bám máy, duy trì sản xuất, nhưng do hầu hết các cơ sở phát điện ở miền Bắc đều bị bắn phá ác liệt, nhiều nhà máy bị hư hỏng nặng, có những nhà máy bị phá hoại hoàn toàn, nên sản lượng nhiệt điện than liên tục giảm. Ở miền Nam, đến cuối năm 1974, có một số NMNĐ than được vận hành với tổng công suất hơn 250 MW, trong đó, quy mô lớn nhất là Nhiệt điện Thủ Đức (165 MW).

Tổng quan về phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam

Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí

Thời kỳ 1976 - 1990

Sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam bắt đầu thực hiện Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn I từ năm 1981 - 1985. Để khắc phục tình trạng mất cân đối trầm trọng về cung cầu điện, miền Bắc tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng NMNĐ than Phả Lại 1 gồm 4 tổ máy (4x110 MW) và thực hiện sửa chữa, nâng cấp các nhà máy khác. Nhờ được bổ sung, củng cố nguồn phát điện, trong giai đoạn 1980 - 1990, sản lượng điện sản xuất của các nhà máy nhiệt điện than luôn chiếm khoảng 40% tổng sản lượng toàn hệ thống điện.

Thời kỳ 1991 - 2010

Thời kỳ này, Việt Nam tập trung khai thác mạnh mẽ nguồn thủy điện. Trong suốt 20 năm, Việt Nam chỉ có thêm 5 NMNĐ quy mô vừa và lớn được đưa vào vận hành thương mại. Do vậy, sản lượng từ nguồn nhiệt điện than trong giai đoạn này chỉ chiếm 10-16% tổng sản lượng điện toàn quốc.

Thời kỳ từ 2011 đến nay

Theo điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than khoảng 26.000 MW (chiếm 42,7% công suất nguồn toàn hệ thống), sản xuất khoảng 131 tỷ kWh (chiếm 49,3% sản lượng điện). Theo đó, từ 2011, hàng loạt NMNĐ than công suất lớn (600 - 1.200 MW) trên cả nước liên tục được đưa vào vận hành. Nhiệt điện than ngày càng khẳng định vai trò là nguồn điện chủ lực, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Cùng với sự phát triển cả về số lượng nhà máy và quy mô công suất, công nghệ nhiệt điện than cũng ngày càng hiện đại, cho phép vận hành các tổ máy với hiệu suất, độ an toàn và tính kinh tế cao. Nhiều NMNĐ than được đầu tư công nghệ đốt than phun với thông số hơi cận tới hạn, siêu tới hạn... Việt Nam cũng đã ứng dụng thành công hệ thống điều khiển và tự động hóa các NMNĐ than.

Đặc biệt, các NMNĐ than được đầu tư công nghệ xử lý môi trường hiện đại, đạt hiệu quả cao như: Hệ thống ESP lọc bụi tĩnh điện, khử SOx, NOx…, đáp ứng các quy định theo tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam. Vấn đề đảm bảo môi trường trong quá trình vận hành NMNĐ than ở Việt Nam ngày càng được quan tâm và thực hiện rất hiệu quả.

Các nhà máy nhiệt điện than được đưa vào vận hành từ năm 1981 đến nay:

Tên nhà máy

Công suất đặt (MW)

Năm vận hành thương mại

Phả Lại 1

440

1983- 1986

Phả Lại 2

600

2002- 2003

Na Dương

110

2005

Cao Ngạn

110

2007

Cẩm Phả 1

330

2010

Sơn Động

220

2010

Uông Bí mở rộng

300

2011

Quảng Ninh 1

600

2011

Hải Phòng 1

600

2011

Cẩm Phả 2

330

2011

Mạo Khê

440

2012

Uông Bí mở rộng 2

330

2013

Nghi Sơn 1

600

2013

Quảng Ninh 2

600

2014

Hải Phòng 2

600

2014

Vũng Áng 1

1200

2014- 2015

Vĩnh Tân 2

1244

2015

Duyên Hải 1

1245

2015

An Khánh

120

2015

Mông Dương 2 (BOT)

1242

2015

Duyên Hải 3

1245

2016

Mông Dương 1

1080

2016

Vĩnh Tân 4

1200

2017

Thái Bình 1

600

2017

Thăng Long

620

2018

Vĩnh Tân 1 (BOT)

1200

2018

Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập

Share

Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/tong-quan-ve-phat-trien-nhiet-dien-than-o-viet-nam-a16282.html