Có nhiều lý do khiến bạn bị chảy máu chân răng, đây cũng là hiện tượng phổ biến nhất của bệnh viêm nướu, viêm nha chu. Nhưng chảy máu chân răng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường, thay đổi nội tiết tố và thiếu hụt vitamin. Bài viết sau đây của BSCKI Nguyễn Thị Châu Bản, khoa Răng Hàm Mặt, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ về nguyên nhân, cách chữa trị và phòng ngừa chảy máu chân răng hiệu quả để bảo vệ sức khỏe chính mình.
Chảy máu chân răng là tình trạng chảy máu từ nướu, hốc răng. Chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm nướu và các dạng bệnh nướu răng khác. Đôi khi, đây cũng là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường, thiếu dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch,….
Nướu bị chảy máu là dấu hiệu của viêm nướu. Đây là bệnh nướu răng phổ biến, thể nhẹ, gây ra bởi sự tích tụ mảng bám ở đường viền nướu. Nếu bị viêm, nướu của bạn có thể bị kích ứng, đỏ và sưng lên, gây chảy máu chân răng. (1)
Viêm nha chu có thể được chữa khỏi bằng cách chăm sóc răng miệng thật tốt, đánh răng ngày 2 lần, dùng thêm nước súc miệng kháng khuẩn và thăm khám, cạo vôi răng định kỳ, thường xuyên.
Viêm nướu không được can thiệp và điều trị kịp thời, đúng cách sẽ dẫn đến viêm nha chu. Viêm nha chu gây chảy máu chân răng do mô nướu tổn thương, cấu trúc xương nâng đỡ chân răng bị phá hủy, gây nhiễm trùng và tụt nướu, răng lung lay hoặc mất răng. Viêm nha chu cũng dẫn đến các vấn đề hôi miệng, có vị khó chịu trong miệng, thay đổi khớp cắn, nướu đỏ, sưng, mềm.
Áp xe răng là một túi mủ nhỏ do vi khuẩn gây ra. Áp xe có thể xảy ra ở các khu vực khác nhau gần răng vì những lý do khác nhau. Áp xe quanh chóp (periapical) xảy ra ở đầu chân răng. Áp xe nha chu (periodontal) xảy ra ở nướu và mô ở quanh răng.
Áp xe nha chu gây đau và có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Khi bị áp xe chân răng, áp xe nướu người bệnh có những biểu hiện như đau nhức vùng bị áp xe, sốt cao, sưng vùng mặt.
Ung thư khoang miệng là một bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc khoang miệng. Biểu hiện sớm của ung thư khoang miệng khá giống với các bệnh về lợi, khiến nhiều người chủ quan như: chảy máu chân răng, lở miệng, hôi miệng, ăn uống khó khăn, nướu răng bị sưng, khoang miệng nổi hạch,…
Những khối u ác tính do ung thư khoang miệng phát triển, gây chèn ép các cơ quan lân cận, xâm lấn mô nướu, niêm mạc miệng, ảnh hưởng đến mạch máu nướu và gây chảy máu chân răng.
Chảy máu nướu răng không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu sớm của bệnh ung thư khoang miệng. Khi bị chảy máu nướu răng bất thường hoặc quá nhiều, bạn cần đến nha sĩ để kiểm tra và điều trị đúng mức.
Lượng đường trong máu cao do bệnh tiểu đường khiến hàm lượng đường trong nước bọt quanh răng và dưới nướu tăng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng có hại và mảng bám phát triển. Mảng bám gây kích ứng nướu và dẫn đến bệnh nướu răng, sâu răng và mất răng.
Bệnh nướu răng làm nướu có màu đỏ, sưng lên và chảy máu. Lượng đường trong máu cao làm các bệnh về lợi trở nặng nhanh hơn. Nếu kiểm soát tốt lượng đường trong máu, bạn sẽ ít gặp vấn đề này.
Các nghiên cứu cho thấy người kiểm soát tốt bệnh tiểu đường ít có khả năng mắc bệnh nướu răng hơn những người không kiểm soát tốt bệnh. Họ cũng có xu hướng ít mất răng hơn do bệnh nha chu.
Chảy máu nướu răng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư máu. Triệu chứng rõ ràng này cũng có thể đi kèm với các triệu chứng khác ảnh hưởng đến miệng như: bầm tím nướu và lưỡi, tổn thương hoặc vết loét trong khoang miệng, sưng nướu.
Giảm tiểu cầu tự phát là một rối loạn máu, đặc trưng bởi sự giảm bất thường số lượng tiểu cầu trong máu. Giảm tiểu cầu có thể dẫn đến dễ bị bầm tím, chảy máu nướu và chảy máu trong.
Chảy máu chân răng, chảy máu do một vết cắt hoặc vết xước nhỏ,…. thường là dấu hiệu của các bệnh rối loạn chảy máu Hemophilia hoặc von Willebrand. Khi bị các bệnh này, máu của bạn không thể đông lại như bình thường nên có thể tăng khả năng chảy máu nướu.
Vitamin C rất cần thiết cho việc phát triển và sửa chữa các mô, chữa lành vết thương, củng cố xương và răng. Bạn cũng có thể bị sưng và chảy máu nướu răng nếu thiếu vitamin C.
Nướu bị chảy máu, có thể do cơ thể thiếu vitamin K. Nguyên nhân thiếu vitamin K có thể do chế độ ăn uống không đảm bảo dinh dưỡng hoặc cơ thể không hấp thụ tốt, có thể gây ra các vấn đề về chảy máu, trong đó có chảy máu chân răng.
Nhiều người lầm tưởng đánh răng mạnh sẽ làm sạch răng tốt hơn. Nhưng đây là suy nghĩ sai lầm, vì nướu là các mô mỏng, đánh răng không đúng cách, đánh răng mạnh làm nướu bị tổn thương và chảy máu. (2)
Khi chọn bàn chải đánh răng bằng tay hay bằng điện, hãy chọn loại có lông bằng nylon mềm có đầu cùn. Các loại bàn chải có lông cứng có thể làm hỏng men răng hoặc khiến nướu sưng đỏ. Khi đánh răng, hãy sử dụng các chuyển động tròn, nhẹ nhàng để làm sạch răng và nướu. Dù nhiều người sử dụng chuyển động tới lui nhưng chuyển động này có thể gây kích ứng và làm hỏng nướu, khiến chúng bị đau và dễ chảy máu hoặc tụt lợi.
Dùng chỉ nha khoa mỗi ngày để giúp loại bỏ mảng bám ở những nơi mà bàn chải đánh răng không thể với tới. Nhưng khi dùng chỉ nha khoa cũng khiến chân răng chảy máu, gây sưng hoặc chảy máu nướu do kỹ thuật chưa đúng. Thao tác nhẹ nhàng khi dùng chỉ nha khoa, thay vì buộc chỉ giữa các răng, hãy cẩn thận trượt nó lên và xuống theo đường cong của từng chiếc răng.
Hóa trị ung thư có một số tác dụng phụ khó chịu cho răng miệng như nướu bị đau, sưng và chảy máu. Nhiều người đang điều trị ung thư phải đối mặt với chứng viêm miệng, gây ra các vết lở miệng và vết loét đau đớn trên nướu.
Sử dụng thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá khác gây hại nhiều cho nướu. Những người hút thuốc có nhiều khả năng phát triển bệnh nướu răng. Thói quen hút thuốc gây ra một số vấn đề về nướu như: nướu nhạy cảm, chảy máu, lở nướu. (3)
Ở phụ nữ, thường xuất hiện các vấn đề về nướu trong tuổi dậy thì, kinh nguyệt, mang thai và mãn kinh. Sự gia tăng nội tiết tố trong tuổi dậy thì có thể làm tăng lưu lượng máu đến nướu, khiến chúng đỏ, sưng và nhạy cảm. Đối với phụ nữ bị viêm nướu do kinh nguyệt, nướu trở nên đỏ, sưng tấy và dễ bị chảy máu ngay trước mỗi kỳ kinh nguyệt.
Viêm nướu khi mang thai thường bắt đầu vào tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ và kéo dài đến tháng thứ 8 khiến nướu bị đau, sưng và chảy máu. Sử dụng thuốc ngừa thai đường uống có thể gây ra các vấn đề về nướu tương tự. Dù không phổ biến nhưng một số phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh có thể bị khô nướu, đau và chảy máu.
Các dấu hiệu cảnh báo về bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng, trường hợp khẩn cấp đe dọa đến tính mạng, có thể phát triển nhanh chóng bao gồm: đau bụng dữ dội, nôn mửa dai dẳng, chảy máu nướu răng hoặc mũi,… Các dấu hiệu này thường bắt đầu vào 1 hoặc 2 ngày đầu sau khi phát sốt.
Để cầm máu bạn nên sử dụng một miếng gạc hoặc túi trà đã được làm ẩm để tạo áp lực lên vị trí chảy máu.
Một vết cắt trong mô nướu khi phẫu thuật nha khoa có thể dẫn đến chảy máu. Cần có thời gian để vị trí phẫu thuật phục hồi, tình trạng chảy máu nướu răng cũng dần dần giảm và khỏi hẳn khi vết thương lành. Bạn có thể gặp tình trạng này sau khi nhổ răng, phẫu thuật cấy ghép nha khoa, lấy tủy răng,….
Chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề khác nhau về sức khỏe, từ những tình trạng nhẹ cho đến những vấn đề nghiêm trọng hơn. Ở mức độ nhẹ, hiện tượng này có thể liên quan đến sự phản ứng viêm nhiễm hoặc tổn thương răng lợi bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị kịp thời, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
Để tránh những biến chứng không mong muốn và nguy cơ tiềm ẩn, khi thường xuyên bị chảy máu chân răng kéo dài, hãy khám răng định kỳ để bác sĩ tư vấn và lên kế hoạch điều trị thích hợp cho tình trạng răng của bạn.
Dùng một miếng gạc sạch, ẩm và áp vào vùng bị ảnh hưởng. Ấn nhẹ miếng gạc tại chỗ cho đến khi máu ngừng chảy. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc mắc các tình trạng y tế khác có thể mất nhiều thời gian để cầm máu bằng cách này.
Chườm một miếng gạc mát, một túi nước đá nhỏ hoặc một viên đá lên vùng nướu bị sưng, chảy máu. Chườm đá đặc biệt hữu ích để làm dịu vết thương nhỏ ở miệng gây sưng tấy như vết cắt và vết trầy xước. Chúng cũng có thể giúp giảm đau và sưng do viêm nướu. Chườm đá trong 10 phút mỗi lần và nghỉ 10 phút. Nếu máu không ngừng chảy, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Nước súc miệng kháng khuẩn có thể điều trị và ngăn ngừa chảy máu nướu răng. Chúng tiêu diệt vi khuẩn và giảm viêm, làm dịu phần nướu bị đau, sưng và chảy máu. Nước súc miệng cũng có thể điều trị và ngăn ngừa viêm nướu - nguyên nhân phổ biến gây chảy máu nướu. Nhờ vào các hoạt chất như: chlorhexidine, hydrogen, peroxide,… nước súc miệng giúp hỗ trợ điều trị chảy máu chân răng khi chúng xảy ra.
Súc miệng bằng nước muối có thể giúp giảm vi khuẩn và đẩy nhanh thời gian lành vết thương. Bạn nên thêm nửa muỗng cà phê muối vào 250ml nước ấm để súc nước muối quanh miệng, giúp làm sạch răng và sau đó nhổ ra. Lặp lại điều này nhiều lần trong ngày hoặc theo hướng dẫn của nha sĩ giúp giảm viêm nướu và ngăn ngừa chảy máu chân răng hiệu quả.
Nếu nướu nhạy cảm, bạn nên chọn bàn chải đánh răng được dán nhãn là siêu mềm hoặc dùng cho răng nhạy cảm. Bàn chải đánh răng cứng hoặc quá thô sẽ gây chảy máu nướu. Bạn nên sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm trong 2 phút, lặp lại 2 lần 1 ngày. Thay bàn chải đánh răng 3 - 4 tháng một lần hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải bị sờn.
Dùng chỉ nha khoa một cách nhẹ nhàng, thường xuyên và đúng cách giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của nướu, giảm chảy máu nướu theo thời gian. Hoặc bạn có thể thay thế chỉ nha khoa bằng tăm nước để làm sạch kẽ răng trước khi đánh răng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo hút thuốc là nguyên nhân chính gây ra bệnh nướu răng. Hút thuốc gây hại cho hệ thống miễn dịch của cơ thể, suy giảm khả năng chống lại vi khuẩn bám vào nướu một cách tự nhiên. Một khi nướu bị tổn thương, hút thuốc sẽ khiến cơ thể khó chữa lành các mô hơn. Bỏ hút thuốc có lợi cho toàn bộ cơ thể, cải thiện đáng kể sức khỏe răng, miệng và nướu.
Ăn thực phẩm giàu tinh bột, chế biến sẵn thường xuyên có thể gây viêm nướu và chảy máu nướu. Thực phẩm giàu tinh bột có thể dính vào răng và nướu, sau đó phân hủy thành đường. Chúng có thể dẫn đến viêm nướu, chảy máu và gia tăng sâu răng do vi khuẩn tích tụ. Thực phẩm chế biến, giàu tinh bột bao gồm bánh mì tinh chế, bánh ngọt, bánh quy và khoai tây chiên.
Các loại rau giòn như cần tây và cà rốt, có thể giúp làm sạch răng giữa các bữa ăn. Độ giòn của chúng có thể giúp loại bỏ cặn thức ăn khỏi răng. Ngoài ra, trong các loại rau giòn chứa lượng đường và carbs thấp, vì vậy chúng không gây sâu răng hoặc các vấn đề về nướu.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học, bổ sung các loại rau lá xanh như: cải xoăn, rau diếp và rau bina,… Là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tuyệt vời, bao gồm vitamin K. Sự thiếu hụt vitamin K có thể ảnh hưởng đến thời gian đông máu, vì vậy những người thiếu vitamin K có thể bị chảy máu nhiều hơn hơn bình thường.
Nghệ có tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm tự nhiên. Đắp bột nghệ lên nướu có thể cải thiện các triệu chứng viêm nướu và chảy máu nướu. Curcumin trong nghệ có tác dụng chống viêm hiệu quả. Nghệ có màu vàng nhưng nó không làm ố răng miễn bạn súc miệng kỹ sau khi sử dụng.
Sử dụng một túi trà đen hơi ẩm, áp vào vùng nướu răng bị chảy máu, ấn và tạo áp lực lên nướu cho đến khi máu ngưng chảy. Axit tannic trong trà sẽ hỗ trợ hình thành cục máu đông, hỗ trợ khắc phục nhanh tình trạng chảy máu chân răng.
Thường xuyên uống trà hoa cúc mang lại lợi ích cho sức khỏe răng miệng, tăng khả năng đối phó với sự phát triển của sâu răng, hỗ trợ kiểm soát viêm lợi và viêm nướu. Hoa cúc chứa một lượng lớn vitamin C, giúp củng cố và làm cho các mạch máu trở nên bền vững hơn, từ đó giảm thiểu tình trạng chảy máu chân răng.
Chữa dứt điểm tình trạng chảy máu chân răng tại nhà bằng cách sử dụng mật ong và trà tươi. Cách thực hiện như sau: đun sôi lá trà xanh, sau đó lấy nước trà hòa cùng mật ong. Súc miệng với hỗn hợp này và ngậm khoảng 3 - 4 phút trước khi nuốt xuống. Không cần súc miệng lại bằng nước sau khi thực hiện.
Để chữa trị chảy máu nướu răng, bạn có thể sử dụng thuốc điều trị mà bác sĩ kê đơn như: Amoxicillin, Metronidazol,… Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc điều trị, cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng khi không có bất kỳ chỉ định nào từ phía chuyên gia.
Cách tốt nhất để tránh chảy máu nướu răng là áp dụng lối sống lành mạnh để ngăn ngừa các bệnh gây chảy máu chân răng, như:
Nên đến nha sĩ để kiểm tra khi thấy những thay đổi ở nướu, răng hoặc miệng. Đau, đỏ hoặc chảy máu nướu răng không nên xảy ra hàng ngày. Nếu bạn bị chảy máu chân răng thường xuyên hoặc không biến mất khi thực hành vệ sinh răng miệng tốt, nha sĩ có thể kiểm tra bệnh nướu răng giai đoạn đầu và các vấn đề khác. Đến gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu nhiễm trùng, sốt hoặc sưng tấy ở nướu răng, sưng mặt.
Sự thiếu hụt vitamin C hoặc K, mang thai và một số tình trạng bệnh cũng có thể góp phần gây chảy máu nướu răng. Nên đi khám bác sĩ hoặc nha sĩ nếu tình trạng chảy máu không biến mất sau khi cố gắng điều trị triệu chứng này tại nhà.
Thăm khám nha khoa thường xuyên có thể ngăn chặn bệnh nướu răng giai đoạn đầu trở nên nghiêm trọng hơn. Bệnh nướu răng không được điều trị cuối cùng có thể dẫn đến nhiễm trùng và mất răng. Đến nha sĩ thường xuyên để được chăm sóc sức khỏe tổng thể cho răng miệng và phát hiện các vấn đề lớn hơn, chẳng hạn như giai đoạn đầu của bệnh ung thư miệng.
Khoa Răng Hàm Mặt của BVĐK Tâm Anh là địa chỉ đáng tin cậy để thăm khám, chẩn đoán và điều trị các vấn đề liên quan đến sức khỏe răng miệng. Bệnh viện là nơi quy tụ những y bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuẩn 5 sao, mang đến cho bạn những trải nghiệm khám chữa bệnh tận tình, chu đáo nhất.
Chảy máu nướu răng có thể chỉ ra bệnh nướu răng hoặc các tình trạng sức khỏe tổng quát khác. Nếu bị chảy máu chân răng không rõ nguyên nhân hoặc chảy máu ngẫu nhiên khi đánh răng, hãy đến gặp nha sĩ hay bác sĩ Răng Hàm Mặt để tìm ra nguyên nhân gây ra triệu chứng này và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp.
Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/chay-mau-chan-rang-nguyen-nhan-cach-chua-tri-va-phong-ngua-a15754.html