Top / Bot / Công / Thụ / Seme / Uke

Top / Bot / Công / Thụ / Seme / Uke

Vì bị ảnh hưởng bởi những đặc điểm thông thường của những cặp đôi dị tính về vai trò, tính cách… trong mối quan hệ nên xã hội áp đặt những khuôn phép tương tự cho những mối quan hệ đồng tính đặc biệt là với những cặp đôi đồng tính nam. Họ tự cho rằng một cặp đôi đồng tính sẽ có một người chủ động và một người bị động cả khi quan hệ tình dục hoặc ứng xử ngày thường.

Đầu tiên là cặp từ “top - bottom”. Ở phương Tây, “top” và “bottom” chỉ đơn giản mang hàm ý về vị trí trong tình dục giữa hai người đàn ông. Tuy nhiên, khi được du nhập vào Việt Nam, hàm ý của cặp từ này đã bao gồm thêm cả vị thế trong mối quan hệ, mang đậm nét chuẩn hoá dị tính (“heteronormativity”).

Người giữ vai trò chủ động trong mối quan hệ sẽ giống người “chồng” - người đàn ông trong mối quan hệ dị tính. Người này được gọi là Top, việt hoá thân thiện hơn là “tóp”, hoặc “tóp mỡ”. Chi tiết hơn thì top là người đóng vai trò thâm nhập trong quan hệ tình dục. Bottom, việt hoá một cách hài hước là “bột tôm”, được coi là người tiếp nhận trên giường, mà đôi khi là người “vợ”- người phụ nữ trong mối quan hệ.

Những người có khả năng thực hiện cả hai vai trò “thâm nhập” và “tiếp nhận” được gọi là “vers” (viết tắt của “versatile”). Áp dụng cách hiểu đó, chúng ta có “vers/top”, tức là linh hoạt với xu hướng top nhiều hơn, và ngược lại ta có “vers/bottom”. Tuy nhiên, trước đây người Việt lại sử dụng từ “cent” (viết tắt của “center”) để chỉ việc này. Tuy nhiên, “center” chỉ được áp dụng trong trường hợp quan hệ với nhiều hơn người, tức người “center” sẽ ở vị trí vừa “nhận” vừa “cho” cùng một lúc.

Tương tự, bộ đôi “công-thụ” bắt nguồn từ tiểu thuyết Đam mỹ Trung Quốc (tiểu thuyết tình yêu đồng tính nam) vào khoảng năm 2007. Công tương đương với Top Thụbottom trong tiếng Trung Quốc, “công” có nghĩa là cho đi, “thụ” mang nghĩa nhận lấy. Ngoài ra còn có “hỗ công“, vừa đóng vai trò là công và thụ trong mối quan hệ.

Nhờ sức ảnh hưởng mạnh mẽ của dòng tiểu thuyết này, bên cạnh “công - thụ” nhiều năm trở lại giới trẻ tận dụng luôn từ “đam mỹ” để chỉ mối quan hệ đồng tính nam. Tương tự dùng từ “bách hợp” để chỉ mối quan hệ đồng tính nữ và “ngôn tình” cho mối quan hệ dị tính.

Giống như tiếng Anh có “top-bot”, tiếng Trung có “công-thụ” thì truyện Manga của Nhật sử dụng cặp từ “seme-uke” để chỉ vị trí mối quan hệ của cặp đồng tính nam. Seme ở đây thường có thể ví như nam trong mối quan hệ nam nữ thông thường, còn uke là nữ. Nói cụ thể hơn thì seme là người chủ động dẫn dắt các mối quan hệ còn uke là người ở thế bị động.

Theo những truyền thống cũ thì thường công/seme có vẻ bề ngoài khá nam tính, và độ tuổi lớn hơn uke. Nhưng dần dần, theo sự phát triển và các ý tưởng mới cứ lần lượt ra đời thì điều này có vẻ không còn hợp lý nữa. Trong nhiều bộ truyện Manga đồng tính nam hiện nay, tác giả cởi mở hơn trong việc miêu tả thụ/uke hay công/seme bằng cách xây dựng nhân vật công/seme ít tuổi hơn thụ/uke.

Các fan đam mỹ thích những cụm từ này thậm chí họ sử dụng những cụm từ này để đánh giá về nhân vật và lựa chọn bộ truyện mình đọc. Đôi khi đây còn được coi là tiêu chí bình phẩm và chủ đề bàn tán yêu thích của các hủ nữ đối với các cặp công thụ trong nhữnng tiểu thuyết đam mỹ hay truyện tranh yaoi. Trái ngược với các hủ nữ, những người trong cộng đồng LGBT đặc biệt là những người đồng tính nam không thích các cụm như “công - thụ” hay “seme - uke”. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, khi nhận thức của cộng đồng LGBT được trau dồi hơn, có nhiều người cảm thấy bức bối vì những định kiến của người dị tính về việc phân chia vai vế trong mối quan hệ giữa hai người đồng giới. Họ cho rằng đây chính là ranh giới ràng buộc họ trong những khuôn phép, không cho họ thể hiện con người thật của mình trong mối quan hệ tình cảm. Riêng cặp từ “top - bot” hiện vẫn được sử dụng rộng rãi bởi tính tiện dụng và đơn giản của nó, đồng thời một phần cũng nhờ vào văn hoá hẹn hò trên mạng đang càng ngày càng lan rộng.

Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/top-bot-cong-thu-seme-uke-a15007.html