[Podcast] Tác Động Của Đồng Tiền Kỹ Thuật Số Đến Tỷ Giá Hối Đoái

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiền kỹ thuật số đang ngày một tăng trưởng cả về thị phần lẫn giá trị giao dịch trên thị trường. Một số quốc gia trên thế giới chính thức công nhận tiền điện tử là đơn vị tiền tệ hợp pháp. Bên cạnh đó, tiền điện tử còn có tiềm năng thay thế tiền tệ lưu thông, là một phần của hệ thống tiền tệ từ bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương. Với những lợi ích tiềm năng trong giao dịch thanh toán, tiền kỹ thuật số sẽ tác động tỷ giá hối đoái như thế nào và đâu là chính sách phù hợp trong việc điều hành và vận dụng chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian tới? Hãy cùng tìm hiểu bài viết sau đây.

[Podcast] Tác Động Của Đồng Tiền Kỹ Thuật Số Đến Tỷ Giá Hối Đoái

Quy định sử dụng Tiền kỹ thuật số tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước coi tiền kỹ thuật số là một loại tài sản ảo (tiền ảo) và không coi tiền kỹ thuật số là tiền tệ hay phương tiện thanh toán, việc dùng tiền kỹ thuật số làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam là vi phạm quy định pháp luật theo quy định tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Mặc dù thế, với những tiện ích không thể chối bỏ mà tiền kỹ thuật số mang lại và quan trọng hơn là nhu cầu sử dụng của người dân thì rất có thể các loại tiền này sẽ dần được công nhận trong thời gian tới. Dựa trên quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo thì “xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo nhằm đảm bảo tương ứng với các rủi ro liên quan để kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro này nhưng không được ảnh hưởng đến sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo tính linh hoạt để phù hợp với sự thay đổi trong sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, thương mại điện tử”.

Một số loại tiền kỹ thuật số thông dụng trên thế giới

*Bitcoin (BTC)

Bitcoin là tiền kỹ thuật số vận hành trên nền tảng của công nghệ blockchain. Bitcoin chủ yếu được giao dịch trên các sàn giao dịch tiền số trực tuyến. Khác với việc các ngân hàng trung ương có thể tùy ý điều chỉnh nguồn cung của các đồng tiền pháp định, nguồn cung Bitcoin là cố định và không thể bị tác động bởi các quyết định chính trị. Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng. Nhiều người tin rằng tiền kỹ thuật số có thể được sử dụng để rửa tiền quốc tế. Ví dụ, các ngân hàng trung ương của thế giới đã hoài nghi về Bitcoin vì nó không thể được giám sát, dự đoán hoặc theo dõi. Tiền kỹ thuật số đã trở thành một sức mạnh tự thân, bởi vì nó giúp kiểm soát sức mạnh tài chính của các chính phủ và ngân hàng. Các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin đã tạo ra một thị trường mới, không giống như hệ thống tài chính hiện tại, không có thực thể nào có toàn quyền kiểm soát. Không gian mạng được thiết lập để trở thành người quản lý thị trường đầy gián đoạn này và chi phí giao dịch gần như bằng không khiến tiền kỹ thuật số vượt trội hơn so với các loại tiền truyền thống theo nhiều cách.

Giao dịch bitcoin là một khu vực chưa được khám phá đối với các ngân hàng trung ương toàn cầu. Từ quan điểm của nhà cung cấp tiền, giao dịch quốc tế làm giảm cung tiền từ một quốc gia và tăng cung tiền ở một quốc gia khác. Giao dịch này được thực hiện mà không cần sử dụng các ngân hàng trung ương và trung gian toàn cầu. Đầu tiên, nhiều người dùng tiền kỹ thuật số cảm thấy rằng các sàn giao dịch phi tập trung phù hợp hơn với cấu trúc phi tập trung của hầu hết các loại tiền kỹ thuật số; nhiều sàn giao dịch phi tập trung cũng yêu cầu ít thông tin cá nhân từ các thành viên hơn các loại sàn giao dịch khác. Thứ hai, nếu người dùng chuyển tài sản trực tiếp cho người dùng khác, điều đó loại bỏ nhu cầu chuyển tài sản sang sàn giao dịch, do đó giảm nguy cơ trộm cắp từ các vụ hack và gian lận khác.

*Ethereum (ETH)

Ethereum (ETH) được nhà sáng lập Vitalik Buterin giới thiệu vào cuối năm 2013 và hệ thống được khởi động năm 2015. Ra mắt vào tháng 7 năm 2015, Ethereum là nền tảng phần mềm phân quyền mở, lớn nhất và được thiết lập tốt nhất. Tính đến tháng 1/2021, Ethereum có vốn hóa thị trường là 138,3 tỷ USD, gần bằng 19% quy mô của bitcoin (TTXVN, 2021). Cũng trên nền tảng Blockchain, một chuỗi khối Ethereum tương tự như chuỗi khối Bitcoin. Công nghệ chuỗi khối đang được sử dụng để tạo ra các ứng dụng vượt xa chỉ cho phép một loại tiền kỹ thuật số. Sự khác biệt chính là các khối Ethereum không chỉ chứa số khối, độ khó,… mà còn chứa danh sách giao dịch và trạng thái gần đây nhất. Đối với mọi giao dịch trong danh sách giao dịch, trạng thái mới được tạo bằng cách áp dụng trạng thái trước.

Tác động của đồng tiền kỹ thuật số đến tỷ giá hối đoái

Với sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số, sự xuất hiện của một loại tiền tệ kỹ thuật số tư nhân mới đã thay thế một số chức năng của tiền tệ truyền thống. Tiền tệ kỹ thuật số dựa trên công nghệ blockchain, với hiệu quả giao dịch cao, chi phí giao dịch thấp, tránh lạm phát để duy trì giá trị tài sản và quyền riêng tư, đã kích thích sự phổ biến của việc phi quốc gia hóa tiền tệ. Một trong những nguyên nhân gây tác động đến tỷ giá hối đoái là sự biến động giá của đồng tiền kỹ thuật số, đơn cử là việc giá Bitcoin tăng lên sẽ dẫn đến việc các nhà đầu tư có xu hướng chuyển đầu tư sang tiền tệ thực, qua đó tỷ giá hối đoái sẽ được đánh giá cao hơn.

Mặt khác, nguồn cung tiền kỹ thuật số có khả năng tác động đến hệ thống tiền tệ. Trong đó, bốn chỉ số được sử dụng để định lượng tác động của tiền tệ kỹ thuật số đối với sự thay đổi của hệ thống tiền tệ bao gồm: tỷ lệ tiền mặt, mức tiền kỹ thuật số, mức điện tử tài chính và lãi suất. Các sản phẩm tiền kỹ thuật số có tiềm năng thay thế tiền tệ của ngân hàng trung ương, do đó ảnh hưởng đến nguồn cung tiền. Tiền tệ của ngân hàng trung ương là một thành phần trong tất cả các tổng hợp tiền tệ. Ở mỗi quốc gia, hệ thống tiền tệ có những đặc điểm khác nhau trong cơ chế vận hành tỷ giá hối đoái, đặc biệt là tỷ giá hối đoái. Đồng tiền kỹ thuật số khả năng gây ra ảnh hưởng đến cơ chế này. Hệ thống tiền tệ được xem là trọng tâm của nền kinh tế thị trường ở mỗi quốc gia, và ngân hàng trung ương là cơ quan chủ yếu để kiểm soát hệ thống tiền tệ. Nếu các loại tiền kỹ thuật số là cần thiết, các ngân hàng trung ương nên là người phát hành. Điều này đóng một vai trò xúc tác trong việc đổi mới, thúc đẩy cạnh tranh và hiệu quả trong hệ thống thanh toán tiền tệ. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra có thể dẫn đến sự rời xa hoàn toàn khỏi mô hình trao đổi tiền tệ truyền thống. Tiền kỹ thuật số có thể tách rời các vai trò riêng biệt của tiền tệ, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt hơn giữa các loại tiền tệ chuyên biệt, ảnh hưởng đến giá trị các đồng tiền của những quốc gia khác. Tuy nhiên nhiều báo cáo ghi nhận ảnh hưởng mức giảm rất thấp của tiền tệ trong lưu thông do sự gia tăng của tiền điện tử.

Ngoài ra, tiền kỹ thuật số mang lại tiềm năng tiếp cận tài chính dễ dàng hơn và rẻ hơn, nhưng làm xuất hiện bóng ma về việc giảm quyền riêng tư và các giao dịch tài chính tiềm ẩn không an toàn. Tuy vậy, cũng giống như công nghệ kỹ thuật số đã không tạo ra văn phòng không giấy tờ, tiền kỹ thuật số khó có thể thay thế hoàn toàn các hình thức tiền hiện có những có thể tác động đến tỷ giá hối đoái. Không thể phủ nhận rằng, khả năng chuyển đổi giữa các công cụ tiền tệ và khả năng tương tác giữa các nền tảng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hạ thấp các rào cản đối với thương mại và thúc đẩy cạnh tranh. Vì thế, nhiều quốc gia cũng đã đưa ra những hệ thống giám sát đối với đồng tiền kỹ thuật số như một sự đảm bảo cho hệ thống tiền tệ quốc gia nói chung và tỷ giá hối đoái nói riêng.

Hệ thống giám sát tiền tệ kỹ thuật số

(Nguồn: Li và cộng sự, 2019)

Gợi ý chính sách cho Việt Nam

Dựa vào các nguồn dữ liệu thu thập được và thông qua kiểm định tương quan Pearson, phương pháp hồi quy tuyến tính bội, tác giả đã đưa ra các gợi ý chính sách cho các nhà quản lý thị trường tài chính, đặc biệt là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc giám sát biến động của tiền kỹ thuật số và tỷ giá hối đoái như sau:

Một là, việc xác định vai trò của ngân hàng trung ương và các tổ chức trung gian tư nhân, sẽ đảm bảo duy trì hệ thống tài chính hai cấp và việc thực thi chính sách tiền tệ và sự ổn định tài chính sẽ ổn định hơn.

Hai là, trên cơ sở hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự phát triển của kỹ thuật số, các cơ quan ban ngành cần đưa ra được những cơ chế trong giao dịch nhằm ngăn chặn tội phạm điện tử, hiện tượng rửa tiền,… Để thực hiện được điều này, cần có sự kết nối giữa các quốc gia, thiết lập quy trình kiểm soát việc phát hành và lưu thông tiền điện tử để hạn chế rửa tiền, làm giả tiền, từ đó tạo nền tảng cho chính sách tiền tệ quốc gia hiệu quả hơn.

Ba là, phát triển hệ thống thanh toán quốc gia đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới liên quan đến tiền kỹ thuật số, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý tiền kỹ thuật số giữa các quốc gia. Ngoài ra, tuy chưa công nhận tiền kỹ thuật số là giao dịch, đầu tư hợp pháp tại Việt Nam nhưng theo xu hướng trên thế giới, Việt Nam trong tương lai sẽ có những tiếp cận với tiền kỹ thuật số, đến khi đó, để hỗ trợ sự đổi mới và nhu cầu của ngành công nghiệp tiền tệ kỹ thuật số đang phát triển, cần xây dựng hệ thống xác định các loại tiền kỹ thuật số và kiểm tra các khuôn khổ quy định về tác động có thể có đối với việc áp dụng và phổ biến công nghệ hơn nữa.

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Tác động của đồng tiền kỹ thuật số đến tỷ giá hối đoái TẠI ĐÂY. Tác giả: Nguyễn Hoàng Nam - Học viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Chuyên viên Công ty TNHH Chứng khoán ACB.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All - Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #67 tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Marketing - Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Quí

Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/podcast-tac-dong-cua-dong-tien-ky-thuat-so-den-ty-gia-hoi-doai-a14974.html