Tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức

Áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng lớn

Chiều 23-10, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ sáu.

Tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 23-10 đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: TRỌNG HẢI

Thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau nửa nhiệm kỳ, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nền tảng phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong trung và dài hạn; vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu. Một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu giai đoạn 2021-2023 dự kiến có sự thay đổi tích cực hơn so với giai đoạn 2016-2018. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, dự báo kinh tế nước ta sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.

Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi. Tốc độ tăng GDP năm 2021 đạt 2,56%, được thế giới đánh giá là tích cực trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm; năm 2022 tăng 8,02%; năm 2023 ước đạt khoảng trên 5%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.

Bội chi ngân sách nhà nước 3 năm 2021-2023 ước ở mức 3,6% GDP (đã bao gồm bội chi cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội), trong phạm vi mục tiêu đề ra. Các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ Chính phủ 3 năm được kiểm soát thấp hơn giới hạn, ngưỡng cảnh báo, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ một số khó khăn, hạn chế. Theo đó, tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do chịu tác động của các yếu tố bên ngoài. Áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm (6,5-7%) rất lớn. Năm 2023, nhiều động lực tăng trưởng chính chậm lại, đối mặt với nhiều khó khăn; kim ngạch xuất khẩu ước giảm 3,5%, nhập khẩu giảm 4,2%; nợ xấu có xu hướng tăng; chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro.

Tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ. Ảnh: TRỌNG HẢI

Tình hình thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế

Căn cứ Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động để tổ chức thực hiện; trong đó, đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt 102 nhiệm vụ xây dựng chương trình, đề án cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, 37 nhiệm vụ đã hoàn thành và có kết quả rõ ràng; 28 nhiệm vụ đang chỉnh sửa, hoàn thiện để trình cấp thẩm quyền ban hành; 37 nhiệm vụ đang triển khai theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, Chính phủ nhìn nhận, tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể. Phát triển lực lượng doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, năng lực hấp thụ vốn giảm. Các ngành kinh tế chưa chuyển dịch mạnh về tăng năng suất, nhất là khu vực công nghiệp và dịch vụ; năng lực tự chủ và khả năng chống chịu còn nhiều hạn chế. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng kỳ vọng. Các loại thị trường hoạt động chưa hiệu quả, chưa đảm bảo điều kiện phát triển bền vững.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Chính phủ nêu rõ, cần kiên định, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô. Phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để hóa giải thách thức, tận dụng cơ hội, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ; tổ chức triển khai nhanh, hiệu quả các luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn, vật liệu mới; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp chiều 23-10. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình giao thông trọng điểm; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ. Đổi mới phương pháp, cách làm để thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao (như chip, bán dẫn); tập trung đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip điện tử đến năm 2025 và 2030; nghiên cứu, xây dựng cơ chế để phát huy vai trò chủ đạo, động lực của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị; phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế; triển khai nhanh, hiệu quả Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; phát huy mạnh mẽ hiệu quả các Hội đồng điều phối vùng.

Khả năng chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá rõ hơn về cơ cấu kinh tế chưa có nhiều thay đổi; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, năng suất lao động bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 4,36 - 4,69%, thấp hơn mức 6,26% của 3 năm 2016-2018; năng lực tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế. Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó, chỉ số IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân năm 2021-2023 là khoảng 5,3% thấp hơn nhiều so với mức 12,5-13% của kế hoạch 5 năm.

Tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: TRỌNG HẢI

Chất lượng thu ngân sách nhà nước còn yếu tố chưa bền vững, vượt thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, dầu thô; so với dự toán, thu từ dầu thô năm 2021 vượt 21,4 nghìn tỷ đồng, năm 2022 vượt 49,8 nghìn tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất năm 2021 và năm 2022 đều vượt khoảng 74 nghìn tỷ đồng. Thu hút FDI mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn. Giải ngân đầu tư công không đạt kế hoạch…

Nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế được triển khai chưa nhiều, chưa mang lại những thay đổi đáng kể, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển; trong đó còn 36,3% số nhiệm vụ chưa hoàn thành việc ban hành văn bản, chương trình, đề án triển khai thực hiện.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị bổ sung đánh giá làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan việc dự kiến khó hoàn thành 13/27 mục tiêu, chỉ tiêu (chiếm 48,1%) bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng…

THÙY LÂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/tang-truong-kinh-te-gap-nhieu-thach-thuc-a14764.html