Giá mủ cao su tăng cao trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung thắt chặt. Nông dân phấn khởi vì tăng lợi nhuận sau thời gian dài vật lộn với giá mủ thấp.
Giá mủ cao su tăng cao
Hơn nửa tháng qua, giá mủ cao su bật tăng khiến người trồng cao su phấn khởi vì suốt thời gian dài trước đó, giá mủ luôn ở mức thấp.
Bà Đinh Thị Huyền, nông dân trồng cao su ở xã Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) cho biết, giá mủ cao su đã tăng vọt từ 330 đồng/độ lên 410 đồng/độ.
Mức giá này đã tăng 80 đồng/độ so với giá thu mua cách đây nửa tháng, và tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Nông dân rất mừng và mong giá mủ còn tiếp tục ổn định ở mức cao.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, thương lái thu mua mủ ở xã Thanh Tuyền thì kể, cùng thời điểm năm ngoái, giá mủ xuống thấp, dưới 200 đồng/độ, nhiều người thậm chí không cạo mủ. Vì sau khi trừ chi phí, công cạo thì tiền bán mủ không đủ bù chi.
Hiện tại, giá mủ tăng cao. Mỗi ha cao su, nông dân có thể thu từ 700.000-1 triệu đồng mỗi ngày cạo mủ, bà Loan nói.
Ông Nguyễn Thuận ở xã La Ngâu (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) có hơn 30ha cao su cho biết, năm 2023, giá mủ cao su cao nhất chỉ ở mức 32-33 triệu đồng/tấn.
Hiện nay, giá 37-38 triệu đồng/tấn. Giá mủ cao không chỉ giúp nhà vườn có thu nhập mà còn tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn. Vì giá công cạo mủ hiện nay là 350-500 đồng/cây.
Nếu chịu khó đi cạo mỗi ngày 1.000-1.500/cây, tiền công cũng được từ 400.000-600.000 đồng. Đây là nguồn đáng kể ở vùng nông thôn như Tánh Linh.
Giá mủ cao su tăng do nguồn cung thiếu hụt
Thái Lan, Indonesia và Việt Nam là 3 quốc gia đóng góp đến 57,5% tổng sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới.
Theo thống kê, sản lượng cao su trong quý I/2024 giảm 18,3% đối với Thái Lan; giảm 15,2% đối với Indonesia; và giảm 2,7% đối với Việt Nam so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cao su toàn cầu cũng giảm 8,5% trong quý đầu tiên năm nay.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu tháng 6/2024 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á tăng mạnh so với cuối tháng trước.
Giá tăng trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung thắt chặt. Bởi vì nguồn cung cao su ra thị trường tiếp tục giảm thấp là điều bất thường vào thời điểm này.
Thông thường, lượng mủ chén và mủ tươi tăng trở lại vào nửa cuối tháng 5. Đây là thời điểm nông dân bắt đầu thu hoạch lại sau thời gian ngừng cạo mủ trong mùa thay lá.
Thế nhưng, lượng cao su đưa ra thị trường giảm mạnh vào thời điểm mà phần lớn những người tham gia thị trường đều kỳ vọng nguồn cung sẽ tăng.
Lượng hàng đến thị trường thấp bất ngờ làm dấy lên lo ngại về nguồn sẵn có của nguyên liệu thô, nhất là nguyên liệu cho các công ty chế biến.
Tình trạng này đã khiến giá mủ chén và mủ tươi tăng mạnh ở nhiều thị trường địa phương.
Thêm vào đó, nguồn cung cao su có thể tiếp tục thiếu hụt trong năm 2024-2025. Dự kiến, thị trường toàn cầu có thể sẽ thiếu hụt khoảng 600.000-800.000 tấn mỗi năm.
Sự chênh lệch cung cầu này đến từ tiêu thụ cao su thiên nhiên trên toàn cầu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 4-6% mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn cung cao su tự nhiên dự kiến chỉ tăng bình quân khoảng 1-3%/năm.
Hiệu suất thu hoạch cao su cũng đã giảm xuống trong những năm gần đây do dịch bệnh và thời tiết cực đoan. Diện tích trồng cao su tại Thái Lan và Indonesia liên tiếp giảm do dịch bệnh trên cây cao su, và xu hướng chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.502 USD/tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá mủ cao su và giá cao su xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, mở ra triển vọng khả quan cho ngành cao su Việt Nam.
Link gốc
Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/gia-mu-cao-su-tang-cao-nong-dan-phan-khoi-sau-thoi-gian-dai-chat-vat-a14654.html