Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam nhấn mạnh: Với kim ngạch xuất khẩu đến nay đã đạt hơn 3,8 tỷ USD, theo nhận định của chúng tôi, năm nay, rau quả Việt Nam có thể phá vỡ kỷ lục của năm ngoái với kim ngạch đạt 6,5 - 7 tỷ USD. Công tác đàm phán, mở rộng thị trường xuất khẩu đang được đẩy mạnh, tới đây sau khi hoàn tất các thủ tục để sầu riêng đông lạnh và dừa tươi xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ là tiền đề kỳ vọng sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của ngành hàng.
- Ngoài thị trường truyền thống Trung Quốc, xuất khẩu rau quả đang tăng trưởng tốt tại 2 thị trường khác ở khu vực Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều gì đã tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ này, thưa ông?
Thời gian qua, căng thẳng địa chính trị đã tác động lớn, làm gia tăng thời gian và chi phí vận chuyển hàng hoá xuất khẩu. Trong khó khăn chung đó, doanh nghiệp Việt Nam đã linh hoạt nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường gần như Hàn Quốc, Nhật Bản có dân số đông, thu nhập cao, nhu cầu tiêu thụ nông sản lớn, nhất là các loại trái cây vừa để tránh rủi ro trong vận chuyển vừa tận dụng tốt hơn lợi thế từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà hai thị trường trên là thành viên. Ngược lại, với chủng loại trái cây đa dạng và chất lượng cao, Việt Nam đang trở thành nguồn cung được Nhật Bản, Hàn Quốc ưu tiên nhập khẩu.
Mở rộng xuất khẩu trái bưởi sang Hàn Quốc, chúng ta sẽ khai thác lợi thế cạnh tranh hơn về logistics trong bối cảnh nguồn cung trái bưởi tại xứ sở kim chi chủ yếu nhập khẩu từ khu vực Nam Mỹ xa xôi. Ngoài ra, qua nghiên cứu thị trường, Việt Nam có thể tiếp tục xuất khẩu thêm một số loại rau quả khác mà phía bạn có nhu cầu tiêu dùng lớn như ớt sạch, bơ, chanh…
- Như vậy, các thị trường ở khu vực Đông Bắc Á tiếp tục là trọng điểm xuất khẩu và xúc tiến thương mại của ngành trong thời gian tới, thưa ông?
Các thị trường trên đang chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam. Hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh đàm phán để ký kết các nghị định thư mở đường xuất khẩu chính thức cho thêm một số mặt hàng khác, trong đó tập trung gia tăng giá trị xuất khẩu. Trước mắt, sầu riêng đông lạnh và dừa tươi được chính thức xuất sang Trung Quốc sau khi hoàn tất các thủ tục. Theo đánh giá thị trường, năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh từ thị trường Thái Lan, Malaysia. Mở rộng xuất khẩu mặt hàng này, Việt Nam gia tăng thêm thị phần, giá trị xuất khẩu; chúng tôi tính toán, con số này có thể đạt khoảng 200 triệu USD.
Tuy nhiên, khi chuyển sang xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, lợi thế về logistics vốn có ở xuất khẩu sầu riêng tươi không còn. Lúc này, giá trị xuất khẩu sầu riêng đông lạnh phụ thuộc rất lớn vào việc đầu tư cho công nghệ cấp đông, cho bao bì mẫu mã; quảng bá thương hiệu…
- Cơ hội lớn mở ra nhưng thách thức và áp lực cho đầu tư cho công nghệ chế biến hiện đại cũng rất nhiều, thưa ông?
Một số nước trong khu vực thành công trong xuất khẩu sầu riêng đông lạnh là nhờ công nghệ hiện đại, thời gian cấp đông nhanh và cấp đông sâu vừa nâng cao năng suất cao vừa đảm bảo chất lượng trái cây tươi ngon với chi phí thấp. Công nghệ này mang lạị lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với cấp đông theo cách truyền thống mất nhiều thời gian làm tăng chi phí, khó cạnh tranh về chất lượng. Với công nghệ chế biến hiện đại như vậy, không chỉ sản phẩm sầu riêng mà nhiều loại rau quả được tiêu thụ tốt.
Ngoài phục vụ thị trường Trung Quốc, sản phẩm chế biến này còn được ưa chuộng tại nhiều thị trường xa như châu Âu, Mỹ… Ở những thị trường này, tuy thời gian vận chuyển lâu hơn, chi phí cao hơn nhưng bù lại, chất lượng sản phẩm đảm bảo nên vẫn có thể tiêu thụ với giá thành tốt. Do đó, nếu đầu tư tốt cho công nghệ, xuất khẩu sầu riêng hiện đang chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu hằng năm có thể tăng lên đến 50 - 60%.
Ngoài vấn đề công nghệ, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho rau quả luôn là nội dung rất quan trọng. Quá trình đàm phán để mở cửa thị trường không đơn giản, mất rất nhiều thời gian và công sức. Để duy trì, mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu chỉ có cách chúng ta tiếp tục tổ chức sản xuất tốt, tuân thủ tuyệt đối các tiêu chuẩn mà nước nhập khẩu đưa ra; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững và thực chất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật, xuất khẩu để tạo ra sản phẩm chất lượng; tránh chạy theo lợi nhuận, thu hoạch trái cây non hoặc phá vỡ hợp đồng, bể kèo gây mất uy tín, ảnh hưởng đến xuất khẩu chung của cả ngành hàng.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chú trọng tuyên truyền, tích cực hỗ trợ bà con nông dân trong chuỗi nâng cao nhận thức, thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn thị trường; đầu tư cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ tổ chức quảng bá nông sản, xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, thị trường ngách nhiều tiềm năng…
- Trân trọng cảm ơn ông!
Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/xuat-khau-rau-qua-but-pha-vuot-muc-tieu-a14615.html