Thông tin trên được ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain (VBA) đưa ra tại Hội thảo “Khung pháp lý tài sản ảo (VA) - Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) nhìn từ góc độ bảo vệ người dùng”, được tổ chức vào chiều ngày 5/6, tại TP.HCM.
Theo ông Phan Đức Trung, tại Việt Nam hiện nay, có nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tài sản ảo không rõ thông tin như CrossFi, Mineplex, ALEO… tổ chức những hội thảo kín, lợi dụng hình ảnh của chính ông và Hiệp hội Blockchain, cùng nhiều nguyên lãnh đạo Nhà nước nhằm tạo uy tín để huy động tiền từ người tham gia. Chẳng hạn như CrossFi tổ chức các hội thảo lên đến hàng nghìn người và huy động số tiền lên đến 3.000 tỷ đồng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều sàn giao dịch tiền ảo như Binance, Mexc, BingX, Gate.io… tổ chức tiếp thị quảng bá dịch vụ tài sản ảo tràn lan không phép. Ngoài ra, một số sàn khi có người dùng bị lừa đảo liên hệ với Hiệp hội Blockchain nhờ hỗ trợ, lại không tiến hành hợp tác để giải quyết.
Trường hợp điển hình là một người dùng tại Việt Nam bị lừa đảo 100.000 USDT (đơn vị tiền mã hoá đại diện cho USD). Mặc dù người dùng có giấy biên nhận tiếp nhận thông tin trình báo vụ việc từ cơ quan công an về việc họ bị lừa đảo tiền mã hoá và đưa lên sàn MEXC, nhưng sàn không phối hợp xử lý. Trong khi đó, sàn yêu cầu người dùng phải ký NDA (điều khoản bảo mật) mới tiếp tục được hỗ trợ xử lý. Đến nay, người dùng này vẫn chưa thu hồi được tài sản.
Trường hợp thứ hai xảy ra giữa người dùng và sàn tiền ảo Gate.io. Theo đó, một người dùng tại Việt Nam đã bị lừa đảo 800.000 USDT, dự án truy vết giao dịch ChainTracer của Hiệp hội Blockchain đã tìm ra các dòng tiền chảy về sàn Gate.io, tuy nhiên, đại diện sàn này đã từ chối hợp tác. Sàn này cũng đã từng được Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cảnh báo trong thời gian qua.
Một số sàn tiền ảo còn tổ chức các sự kiện cho sinh viên, sử dụng những chiêu bài như “phổ cập kiến thức, giới thiệu việc làm” cho sinh viên, nhằm dễ dàng tiếp cận các đối tượng này để quảng bá dịch vụ và thu hút người dùng mới, thu thập trái phép dữ liệu người dùng, có thể kể đến như Bingx.
Về việc này, theo ghi nhận của PV VietNamNet, vừa qua còn có thêm sàn Bybit cũng kết hợp với một câu lạc bộ thuộc trường đại học ở Hà Nội tổ chức chương trình về khởi nghiệp, nhưng trong tài liệu sự kiện lại quảng bá các dịch vụ đầu tư tiền mã hoá trên sàn này, trong đó có nhiều dịch vụ bất hợp pháp tại Việt Nam.
Trong bài trình bày của mình về khung pháp lý VA-VASP nhìn từ góc độ bảo vệ người dùng tại hội thảo, ông Phan Đức Trung cho biết, khi tham gia vào giao dịch tài sản ảo, người dùng hiện đang gặp các rủi ro như rủi ro về công bố thông tin; rủi ro về tài chính; rủi ro về dữ liệu cá nhân.
Các nước trên thế giới như Mỹ, châu Âu hay Hong Kong (Trung Quốc)… đều đã có các đạo luật, dự luật để bảo vệ người dùng khi tham gia vào giao dịch tài sản ảo. Các quy định này rất chặt chẽ, rõ ràng, yêu cầu người dùng lẫn các tổ chức VASP phải tuân thủ khi tham gia hoạt động trong lĩnh vực về tài sản ảo.
Theo ông Phan Đức Trung, việc Việt Nam cần có các khung pháp lý để bảo vệ người dùng là điều cần thiết. Giải pháp để quản lý vấn đề này là kết hợp các bài học từ tài chính truyền thống và quản lý rủi ro truyền thống với chuyên sâu về các công nghệ mới.
Ông Trần Việt Hùng, nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, đại diện Hiệp hội Blockchain cũng chia sẻ, hiện nay, tại Việt Nam đã có 18 văn bản liên quan đến vấn đề tài sản ảo nhưng chưa có khung pháp lý cụ thể về lĩnh vực này. Trong khi đó, theo thống kê đến cuối tháng 7/2023, dòng tiền đổ vào tài sản ảo tại Việt Nam khoảng 120 tỷ USD, gấp 5 lần vốn FDI; Tuy nhiên, việc chưa có khung pháp lý và quy định cụ thể về các loại tài sản ảo, mã hoá khiến hoạt động này vẫn đang nằm trong khu vực kinh tế ngầm.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, năm 2022 tổng dòng tiền đổ vào tài sản ảo tại Việt Nam là 100 tỷ USD và đến năm 2023 là 120 tỷ USD. Điều này cho thấy tài sản ảo đã và đang tồn tại trong nền kinh tế. Chính vì thế, việc ban hành khung pháp lý cho tài sản ảo là vô cùng cần thiết, đem lại lợi ích cho Nhà nước. Nếu vẫn để như hiện nay sẽ tạo ra nhiều bất cập và bị động trong công tác quản lý.
Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/nhieu-san-tien-ao-to-chuc-su-kien-khong-phep-tu-choi-hop-tac-khi-nguoi-dung-bi-lua-dao-a14585.html