Nền kinh tế đang ở 'ranh giới' suy thoái?

Nền kinh tế đang ở 'ranh giới' suy thoái?
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I-2024 tăng 5,7% so với mức âm 2,3% của quý I-2023.

Những rủi ro tích tụ đang tăng dần

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, nhìn trên một vài con số, nhất là con số tăng trưởng GDP thấy có vẻ khả quan, nhưng phía sau nó cũng thể hiện không ít vấn đề, với hàng loạt rủi ro trong nền kinh tế đã tích tụ từ nhiều năm nay vẫn đang tăng dần.

TS. Cung đặt ra những câu hỏi: Nhiều người lạc quan với GDP quý I tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng GDP cao nhất của các quý I trong 5 năm nay (từ năm 2020 đến nay). Vậy liệu đây có phải là sự khởi đầu thuận lợi hay không, và cần nhìn kỹ tăng trưởng này xuất phát từ đâu, cũng như tăng trưởng có tính bền vững như thế nào? Đi vào chi tiết số liệu thống kê, thấy sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tăng lên, nhưng liệu đây có phải là thực sự phục hồi không, và tốc độ tăng liệu có bền vững?

TS. Cung phân tích chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I-2024 tăng 5,7% so với mức âm 2,3% của quý I-2023. Giá trị tăng thêm (VA) toàn ngành công nghiệp quý I-2024 ước tính tăng 6,18% so với mức 0,82% của quý I-2023. Tương tự, xuất khẩu hàng hóa tăng 17% so với mức âm 11% của quý I-2023.

Còn chỉ số PMI (chỉ số kinh tế được sử dụng để đo lường hoạt động trong ngành sản xuất và dịch vụ) trong năm 2023 chỉ có tháng 8 trên 50%, các tháng khác dưới 50%. Sang năm 2024, tháng 1 và 2 trên 50%, nhưng tháng 3 đã giảm thấp hơn 50%. Như vậy báo hiệu sự thu hẹp của sản xuất.

“Lĩnh vực dịch vụ được coi là động lực hy vọng nhất hiện nay, nhưng đang có xu hướng giảm một cách rõ nét và liên tục, vậy liệu còn là động lực chính của tăng trưởng trong thời gian tới? Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu tăng. Nợ xấu cuối năm 2022 là 2,03%, năm 2023 là 4,55%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 1 là 4,79%. Thị trường chưa được khai thông mà nợ xấu tăng lên, rõ ràng tiềm ẩn rủi ro trong nền kinh tế rất lớn”- TS. Cung nói.

“Lo ngại hơn nữa đó là đầu tư toàn xã hội rất thấp. Trong đó đầu tư tư nhân - vốn chiếm tới gần 60% trong tổng đầu tư toàn xã hội, đang chững lại. Hiện tượng này đã xuất hiện trong mấy năm gần đây, và cho đến nay vẫn không nhìn thấy động lực nào để tăng lên trong thời gian tới.

Đầu tư tư nhân thường có tốc độ tăng hơn 10-15%, nhưng năm 2023 chỉ tăng 2,4% và quý I tăng 4,2%. Đầu tư nước ngoài có cải thiện nhưng quy mô dự án đang nhỏ đi. Số doanh nghiệp phá sản, đóng cửa vẫn tăng lên. Trong quý I-2024, 36.200 doanh nghiệp ra đời, nhưng gần 74.000 doanh nghiệp rời thị trường (tăng 22,8% so với quý I-2023). Chưa bao giờ Việt Nam có tình trạng số doanh nghiệp rời thị trường lại lớn hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường như bây giờ” - TS. Cung nhấn mạnh.

Nền kinh tế muốn đi lên phải có bước ngoặt

TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: “Cần phải nhìn rõ và đánh giá đúng thực trạng của nền kinh tế để thấy rõ nguyên nhân, từ đó mới có giải pháp đúng và trúng. Thực trạng kinh tế Việt Nam đang đòi hỏi có những giải pháp đột phá mạnh mẽ để phấn đấu đạt mục tiêu chiến lược”.

Trong bản báo cáo thường niên về tình hình kinh tế Việt Nam, do Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân (NEU) vừa công bố hôm 17-4, cũng đưa ra nhận định: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu, với cả 3 thành phần này đều suy yếu cho thấy sự sụt giảm mạnh tổng cầu của nền kinh tế.

Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân…

“Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu, từ đó phục hồi tổng cầu, tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới. Trong bối cảnh mô hình kinh tế chưa có cải thiện về chiều sâu, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao ngay trong năm 2024, sẽ phải dựa chủ yếu vào các chính sách tổng cầu. Do vậy các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) cần được hồi phục nhanh chóng và đẩy mạnh hơn nữa” - báo cáo nêu.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%, thì phục hồi tổng cầu là nhiệm vụ quan trọng. Ông cũng chỉ ra thực trạng kinh tế đang có những điểm cần lưu ý: Tăng trưởng kinh tế chủ yếu do đầu tư công tăng mạnh, song đầu tư công không phát huy vai trò dẫn dắt đầu tư tư nhân, chưa mang tính lan tỏa như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, tuy xuất siêu nhưng chủ yếu do khu vực FDI, và do nhập khẩu giảm nhiều hơn xuất khẩu. Từ những yếu tố xuất siêu đó đặt câu hỏi, phải chăng khu vực FDI đang lấn lướt khu vực kinh tế trong nước, nhưng hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế không tương xứng, và xuất siêu như thế có phải là tín hiệu tốt của nền kinh tế?

Lo ngại nền kinh tế đang đi xuống, các chuyên gia khuyến nghị, phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, phải có thông điệp rõ ràng về môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, củng cố niềm tin để đầu tư tư nhân trở lại. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thực chất những điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chính phủ nên tiếp tục đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, nhằm thúc đẩy tổng cầu và đối phó với những vấn đề của suy giảm tăng trưởng. Chính phủ nên tiếp tục giảm một số loại thuế và phí để hỗ trợ doanh nghiệp để kích cầu. Tiêu dùng cuối cùng đóng vai trò lớn nhất trong tổng cầu vì thế cần có chính sách kích cầu tiêu dùng.

Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/nen-kinh-te-dang-o-aposranh-gioiapos-suy-thoai-a14498.html