Ông Đoàn Văn Hiểu Em.
Tại cuộc họp nhà đầu tư mới đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MWG chia sẻ năm 2024, MWG chủ trương không dẫn đầu về cuộc chiến giá.
Trong bối cảnh ngành ICT gặp nhiều khó khăn năm 2023, MWG đã thông qua chiến lược giảm giá để giữ chân khách hàng, đồng nghĩa với việc đánh đổi biên lợi nhuận. Theo đó, biên lãi gộp giảm đến 4 điểm phần trăm còn 19%, kéo theo lãi gộp giảm 27% còn hơn 22.5 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lãi ròng giảm 96%, chỉ còn gần 168 tỷ đồng. Kể từ thời điểm niêm yết năm 2014, đây là mức lãi ròng thấp nhất mà MWG từng có.
"Năm 2024, MWG sẽ không chủ trương dẫn đầu về cuộc chiến giá" - ông Hiểu Em cho biết. Ông cũng nhận định năm qua, thị trường đã bắt đầu hiểu được những thông điệp về giá mà MWG triển khai và việc không còn căng thẳng về cạnh tranh giá sẽ giúp MWG giữ được lãi gộp.
Trước câu hỏi về triển vọng ngành công nghệ thông tin và điện tử gia dụng năm 2024, vị Tổng Giám đốc chia sẻ nếu không có những biến động lớn tầm vĩ mô của thế giới, sức mua có thể hồi phục trong nửa cuối năm nay nhưng sẽ không nhanh và mạnh như thời điểm sau COVID-19.
Thị phần điện thoại của MWG hiện chiếm khoảng 50% thị trường, tùy thuộc vào từng hãng, có những hãng lên đến 60-70%. Đối với mảng điện máy, các mặt hàng lắp đặt có giá trị lớn cũng đang chiếm khoảng 50% tùy theo hãng. Riêng nhóm hàng gia dụng có nhiều dư địa để tăng trưởng trong năm 2024.
Hai chuỗi Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện máy Xanh (ĐMX) sẽ nỗ lực duy trì và tăng trưởng doanh thu nhờ hiệu ứng “nước chảy về chỗ trũng”, tức là nguồn lực bán hàng làm sao để phục vụ khách hàng tốt nhất sẽ được tập trung tại chuỗi TGDĐ và ĐMX. Một số công việc quan trọng như nguồn hàng hóa phong phú, đa dạng, chuẩn bị thật tốt các chương trình khuyến mãi, dịch vụ sau bán hàng, lắp đặt là lợi thế của Công ty.
Ngoài ra, một yếu tố khác cũng được ông Hiểu Em nhắc tới là sự hỗ trợ của hoạt động bán hàng trả góp, trong bối cảnh tín dụng đã dễ thở hơn và thu nhập người dân bị ảnh hưởng, dẫn đến nhu cầu mua hàng trả góp tăng lên.
Ông Hiểu Em cũng tự tin lợi nhuận TGDĐ và ĐMX sẽ cải thiện trong năm 2024, đến từ sự hạ nhiệt về cạnh tranh giá, bên cạnh việc MWG đã trải qua đợt tái cấu trúc toàn diện giúp kết quả kinh doanh Công ty không phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường. Bên cạnh đó, MWG cũng không loại trừ cân nhắc đóng cửa một số lượng shop nhất định không hiệu quả trong năm 2024, nhằm mang lại lợi ích lâu dài.
Cũng theo ông Tài, mục tiêu lợi nhuận 2,400 tỷ đồng năm 2024 hoàn toàn trong tầm tay. Chuỗi TGDĐ và ĐMX sẽ đóng góp lớn vào lợi nhuận Tập đoàn, kể cả trong bối cảnh thị trường không thuận lợi.
Về tình hình kinh doanh gần đây của 2 chuỗi trên, bà Lê Thị Thu Trang - Giám đốc Đầu tư và quan hệ cổ đông MWG cho biết theo tính toán sơ bộ, chuỗi TGDĐ và ĐMX vẫn duy trì doanh thu so với Tết năm trước, trong bối cảnh số lượng cửa hàng giảm.
Mới đây, vào ngày 31/01, HĐQT MWG đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2024 để trình ĐHĐCĐ thường niên. Kế hoạch được cho là kỳ vọng về sự hồi phục, với doanh thu thuần 125 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.4 ngàn tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và gấp 14 lần thực hiện năm 2023.
Trong đó, chuỗi TGDĐ (bao gồm Topzone) và ĐMX dự kiến vẫn là trụ cột khi đóng góp khoảng 65% doanh thu và mang lại lợi nhuận chính. Trong khi đó, Bách hóa Xanh đóng góp khoảng 30% doanh thu, tăng trưởng 2 chữ số, gia tăng thị phần và bắt đầu mang lại lợi nhuận từ 2024.
Trong buổi họp nhà đầu tư vừa được tổ chức, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) cho biết sự tăng trưởng trong 5 năm tới của Tập đoàn sẽ nằm trên vai của Bách hóa xanh, trong khi chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh vẫn sẽ đóng góp chủ đạo vào lợi nhuận.
Gần đây, thông tin từ Reuters vào ngày 28/02 liên quan đến việc công ty quản lý tài sản CDH Investments từ Trung Quốc đang đàm phán để mua lại cổ phần thiểu số của chuỗi BHX gây nhiều chú ý dư luận. Nếu đạt được thỏa thuận, định giá của chuỗi có thể lên tới 1.7 tỷ USD.
Được biết, CDH là một trong những đơn vị đầu tư tài sản thay thế (alternative investment) lớn nhất Trung Quốc, đồng thời cũng là đối tác không mấy xa lạ của MWG khi từng nắm giữ cổ phần tại đây. Nguồn tin giấu tên của Reuters cho rằng CDH đang là ứng cử viên hàng đầu trong việc mua lại tới 10% cổ phần tại Bách Hoá Xanh, sau khi vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh khác.
“CDH đang nhắm đến 5 - 10% cổ phần” - trích một nguồn tin của Reuters. Tuy nhiên, nguồn tin này lưu ý rằng câu chuyện vẫn đang trên bàn đàm phán, và chưa có gì đảm bảo thương vụ sẽ thực sự diễn ra. Nguồn tin khác thì tiết lộ thương vụ “có thể hoàn thành sớm nhất trong tháng tới nếu việc đàm phán diễn ra suôn sẻ”.
Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/su-khac-biet-cua-mwg-trong-nam-2023-va-2024-la-gi-a14466.html