Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của một loạt thành viên nội bộ.
Ông Phạm Nhật Quân Anh, con trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã mua thành công 150.000 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) trong ngày 21/12, với giá trị giao dịch 1,5 tỷ đồng.
Trước giao dịch, ông Quân Anh (1993) chưa nắm bất kỳ cổ phiếu và chức vụ nào tại Vingroup.
Ngày 18/12, con trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu xuất hiện trên truyền thông sau một thông báo của VinFast. Con trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng có mặt trên truyền thông với vai trò là Phó tổng giám đốc Khối sản xuất trong buổi lễ VinFast và Tập đoàn Marubeni công bố Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác tái sử dụng pin xe điện hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Anh Quân, VinFast hợp tác cùng Marubeni để cùng nghiên cứu triển khai các giải pháp năng lượng sạch và lưu trữ năng lượng thông minh.
Ông Quân Anh trước đó chưa từng xuất hiện trên truyền thông và chỉ được biết đến qua lời kể của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên một tờ báo hồi năm 2019.
Tại Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ hơn 691 triệu cổ phiếu, tương đương gần 17,9% vốn điều lệ tập đoàn.
Bà Phạm Thu Hương, Phó chủ tịch HĐQT (vợ ông Vượng) nắm gần 170 triệu cổ phiếu, tương đương 4,39% vốn. Bà Phạm Thu Hương mua 672.000 cổ phiếu theo chương trình ESOP.
Theo báo cáo quản trị của Vingroup, 3 người con của ông Vượng là Phạm Nhật Quân Anh, Phạm Nhật Minh Hoàng và Phạm Nhật Minh Anh cũng như con dâu Bùi Lan Anh đều không nắm giữ cổ phiếu VIC nào.
Ngoài ra, một số lãnh đạo cao cấp khác của Vingroup cũng mua cổ phiếu ESOP trong đợt này như CEO Phạm Việt Quang đăng ký mua 672.000 cổ phiếu; bà Dương Thị Hoàn, Phó TGĐ Vingroup mua 672.000 cổ phiếu:, bà Mai Hương Nội, Phó TGĐ mua 150.000 cổ phiếu,…
Trước đó, Vingroup công bố phát hành 9,88 triệu cổ phiếu ESOP với mức giá 10.000 đồng/cp cho các cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý chủ chốt của tập đoàn và các công ty con nhằm ghi nhận đóng góp, cống hiến của cán bộ lãnh đạo cho sự phát triển của tập đoàn; khuyến khích, tạo động lực; nâng cao vai trò, trách nhiệm và gắn kết, giữ chân nhân sự chủ chốt, chất lượng cao.
Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày kết thúc việc phát hành. Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu trong vòng 10 ngày, từ ngày 11/12-21/12.
Cổ phiếu VinFast ổn định quanh ngưỡng 8 USD
Sau một thời gian biến động mạnh, cổ phiếu VinFast (VFS) gần đây ổn định quanh ngưỡng 8 USD/cp trên sàn Chứng khoán Nasdaq của Mỹ.
Với mức giá này, VinFast có vốn hóa đạt 18,9 tỷ USD, xếp thứ 24 trong số các hãng xe hơi trên thế giới và xếp thứ 5 trong số các hãng xe điện, sau Tesla (809 tỷ USD tính tới tối 25/12), BYD (77,4 tỷ USD), Li Auto (33,3 tỷ USD), Rivian (22,6 tỷ USD).
Trong quý III/2023, VinFast ghi nhận tổng doanh thu đạt 342,7 triệu USD, tăng 159,3% so với cùng kỳ và tăng 3,8% so với quý II/2023. Trong đó, tiền từ bán xe đạt 319,5 triệu USD, tăng 185,2% so với cùng kỳ và tăng 2,8% so với quý liền trước.
Trong quý III/2023, VinFast bàn giao 10.027 xe ô tô điện, so với mức 9.535 xe trong quý II/2023 và 153 xe trong quý III/2022. VinFast cũng bàn giao 28.220 xe máy điện, so với mức 10.182 xe trong quý II/2023 và 13.253 xe trong quý III/2022.
Về định hướng phát triển thời gian tới, VinFast dự kiến phát triển kinh doanh tại ít nhất 50 thị trường mới trên toàn cầu vào cuối năm 2024.
VinFast cũng thông tin về kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp tại Ấn Độ với tổng vốn đầu tư khoảng 150-200 triệu USD, công suất giai đoạn 1 là 50.000 xe/năm.
Trước đó, ngày 28/7, VinFast đã khởi công nhà máy sản xuất xe điện tại khu công nghiệp Triangle Innovation Point, hạt Chatham, bang Bắc Carolina (Mỹ) với công suất dự kiến 150.000 xe/năm trong giai đoạn 1.
Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/con-trai-ty-phu-pham-nhat-vuong-tro-thanh-co-dong-vingroup-a14349.html