15 năm sau khởi đầu rất khiêm tốn vào tháng 1/2009, Bitcoin - đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên của thế giới - đã làm thay đổi hoàn toàn các thị trường tài chính toàn cầu và đạt được giá trị vốn hóa thị trường hơn 2.000 tỷ USD.
Bitcoin cũng đang trở thành một sự thay thế phổ biến cho các đồng tiền pháp định vốn thường mất giá theo thời gian do lạm phát.
Trong diễn biến mới nhất, lần đầu tiên trong hơn hai năm qua, đồng Bitcoin chạm ngưỡng 60.000 USD/BTC và đang dần tiến đến mức kỷ lục từ trước đến nay.
Hoạt động giao dịch Bitcoin trực tuyến diễn ra đầu tiên vào năm 2010. Giá đồng tiền này đã tăng từ mức 1 USD/BTC vào năm 2011. Từ đó, giá Bitcoin tiếp tục lên dốc, chạm mức 1.000 USD/BTC vào cuối năm 2013. Bốn năm sau đó, độ phủ sóng và khối lượng giao dịch của đồng tiền này tăng vọt.
Vào tháng 11/2017, Bitcoin leo lên mức 10.000 USD/BTC và chạm đỉnh hơn 20.000 USD/BTC chỉ một tháng sau đó. Đợt tăng này một phần là do công ty dịch vụ tài chính CME Group công bố sẽ đưa ra hình thức hợp đồng tương lai đầu tiên trong giao dịch Bitcoin vào tháng 12/2017.
Sau đó, sức nóng của đồng tiền số lớn nhất thế giới đã hạ nhiệt vào năm 2018, khi Bitcoin rơi tự do và để thủng mốc 4.000 USD/BTC.
Đợt bùng nổ đáng chú ý tiếp theo của đồng Bitcoin diễn ra trong thời kỳ đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Lần này, sự gia tăng của Bitcoin một phần là nhờ việc chính phủ các nước đóng cửa các cơ sở thể thao, sòng bạc và nhiều tụ điểm giải trí khác, đồng thời tăng cường các chính sách kích thích và hỗ trợ trong thời đại dịch. Điều này đã giúp nhiều người Mỹ có thêm một khoản thu nhập khả dụng.
Bitcoin đã ghi nhận mức cao nhất trong một phiên là 68.997,76 USD/BTC vào ngày 10/11/2021. Nhưng lãi suất tăng đã dội một gáo nước lạnh vào sự hưng phấn của giới đầu tư vào năm 2022, khi các dòng vốn dần thoái lui khỏi các loại tài sản có độ rủi ro cao như tiền số.
Giá tiền số giảm mạnh trong năm 2022 đã khiến thị trường lao đao. Làn sóng sa thải và phá sản trong ngành tiền số đã gây áp lực lên giá Bitcoin, đỉnh điểm là sự sụp đổ của sản giao dịch tiền số hàng đầu FTX vào cuối năm 2022.
Nhưng đồng tiền này không mất quá lâu để bắt đầu lấy lại phong độ. Bitcoin đã nối lại đà khởi sắc vào năm 2023, khi giới đầu tư lạc quan hơn về triển vọng của nền kinh tế Mỹ và khả năng quỹ hoán đổi danh mục (ETF) bitcoin giao ngay được phê duyệt.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 28/2, Bitcoin đã tăng 8% lên 61.272 USD/BTC, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021, thời điểm đồng tiền này chạm mức cao kỷ lục gần 70.000 USD/BTC.
Bitcoin cũng đang tiến đến mức tăng theo tuần lớn nhất trong một năm qua, với mức tăng 18,5% kể từ ngày 21/2.
Tổng giá trị Bitcoin đang lưu thông đã lần đầu tiên trong hai năm qua vượt mức 2.000 tỷ USD trong tháng này, theo nền tảng tiền số CoinGecko, trong khi giá đồng tiền này đã tăng gấp đôi chỉ trong bốn tháng.
Sự phục hồi này chủ yếu là nhờ giới chức Mỹ “bật đèn xanh” cho việc thành lập các ETF bitcoin giao ngay và cho phép đầu tư vào đồng tiền số này mà không cần trực tiếp mua nó.
Ban đầu, khi việc này được phê duyệt, giá Bitcoin đã giảm xuống do hoạt động chốt lời, nhưng sau đó, dòng tiền lại đổ vào, đẩy Bitcoin khởi sắc thêm một lần nữa.
Sự gia tăng mạnh lượng vốn đổ vào các ETF bitcoin giao ngay đã tiếp sức cho đà tăng giá lên đến 42% của Bitcoin trong tháng này, giúp bitcoin hướng đến mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ tháng 12/2020.
Ba quỹ ETF Bitcoin giao ngay nổi bật nhất là các quỹ do Grayscale, Fidelity và BlackRock vận hành đã ghi nhận khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Trong hai phiên đầu tuần này, khoảng 110 triệu cổ phiếu trong ba quỹ này đã được sang tay, tương đương khoảng 51% trong số 215 triệu cổ phiếu được giao dịch của các công ty có giá trị cao nhất thị trường là Apple, Microsoft và Nvidia, theo số liệu của LSEG. Ba tháng trước, tỷ lệ này mới chỉ gần 15%.
Số liệu của LSEG còn cho thấy lượng vốn chảy vào 10 quỹ ETF Bitcoin giao ngay lớn nhất đã đạt 420 triệu USD chỉ trong phiên 27/2, mức cao nhất trong gần hai tuần qua.
Ông Charlie Morris, chuyên gia của công ty phân tích tiền số ByteTree, nhận định yếu tố thứ hai thúc đẩy sự gia tăng của bitcoin là sự kiện bitcoin halving (giảm một nửa bitcoin).
Bitcoin Halving hay còn gọi là chia đôi khối là quá trình giảm tốc độ tạo ra tiền mã hóa mới. Thuật ngữ này còn có thể hiểu là quá trình giảm phân nửa số tiền thưởng cho miner (thợ đào) khi khai thác một khối Bitcoin mới. Mục đích của việc chia đôi khối nhằm tránh nguy cơ lạm phát cho đồng coin lớn nhất thế giới này. Việc này khiến cho nguồn cung Bitcoin bị hạn chế, và cuối cùng sẽ chỉ có không quá 21 triệu đồng Bitcoin trên thế giới. Đó thường là yếu tố đằng sau một đợt tăng giá mới.
Lần halving sắp tới của đồng bitcoin dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Tư. Không khó để thấy sự mong chờ của thị trường vì mỗi lần halving trước đây thường đẩy giá trị Bitcoin lên cao hơn và báo trước những thay đổi lớn trong nền kinh tế tiền điện tử.
Ông Walid Koudmani, chuyên gia phân tích của công ty tài chính XTB, lưu ý rằng bên cạnh các yếu tố cơ bản thúc đẩy thị trường tiền số, thì tâm lý FOMO (Hội chứng sợ bỏ lỡ) cũng là yếu tố chi phối diễn biến của đồng Bitcoin.
Ông cho biết tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội gia tăng lợi nhuận đã từng thúc đẩy các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức gia nhập thị trường tiền số trong các khoảng thời gian giá cao.
Sức hấp dẫn của đồng Bitcoin còn được củng cố bởi triển vọng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn, nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vào khoảng nửa cuối năm nay. Lãi suất giảm sẽ làm gia tăng nhu cầu của giới đầu tư đối với những loại tài sản rủi ro hơn nhưng sinh lời cao hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia Koudmani cảnh báo khi thị trường đang hưng phấn, các nhà đầu tư cần tỉnh táo để nhận thấy khả năng biến động và những bất ổn về mặt quy định đi kèm với lĩnh vực tiền số./.
Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/nhin-lai-hanh-trinh-len-dinh-cua-dong-tien-ky-thuat-so-bitcoin-a14106.html