Cách tính xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học

Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo từng năm và độc lập theo từng trình độ đào tạo. Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp (đối với đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, đại học), kết quả tuyển sinh của năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của cơ sở đào tạo.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo theo từng trình độ và theo từng lĩnh vực (đối với chỉ tiêu đại học) hoặc theo từng ngành (đối với chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ) không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của cơ sở đào tạo nếu cơ sở đào tạo đủ điều kiện về thời gian để thực hiện kiểm định cơ sở đào tạo nhưng chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành của pháp luật.

Cách tính xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của lĩnh vực đó nếu tỷ lệ số sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của lĩnh vực đó đạt dưới 80% hoặc tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực đó ở năm tuyển sinh liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80% (áp dụng đối với xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, trừ trường hợp ngành đào tạo ở trình độ đại học có chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định của pháp luật).

Căn cứ chỉ tiêu đã xác định theo từng trình độ, cơ sở đào tạo phải công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định theo ngành/nhóm ngành trong đề án và kế hoạch tuyển sinh, chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan quản lý trực tiếp. Cơ sở đào tạo vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34 của Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018) không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vi phạm của cơ sở đào tạo.

Theo quy định mới, các trường được tăng tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng từ 5% lên 10% tổng số giảng viên toàn thời gian quy đổi của cơ sở đào tạo theo lĩnh vực trình độ đại học/theo ngành trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (trừ đối với các ngành đào tạo đặc thù thuộc lĩnh vực: Nghệ thuật và các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học); cho phép xác định giảng viên thỉnh giảng tham gia trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Bên cạnh đó, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đối với các ngành đào tạo ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, giảng viên là người dân tộc thiểu số hoặc người có hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số phù hợp với ngôn ngữ văn hóa dân tộc thiểu số của ngành tham gia đào tạo có được ưu tiên trong xác định chỉ tiêu:

Có bằng tốt nghiệp trình độ đại học, cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ thạc sĩ (đối với giảng viên trợ giảng trong xác định chỉ tiêu đại học); có bằng tốt nghiệp trình độ thạc sĩ cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ tiến sĩ (trong xác định chỉ tiêu đại học), được tính để xác định chỉ tiêu tương ứng với giảng viên có trình độ tiến sĩ (trong xác định chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ).

Về cách tính xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học (trừ các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên) được xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo 23 lĩnh vực đào tạo thay thế, quy định việc xác định chỉ tiêu theo 7 khối ngành trước đây để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo, gắn với năng lực đào tạo chuyên môn trong phạm hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ, đồng thời bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99 của Chính phủ.

Chỉ tiêu tuyển sinh đại học vừa làm vừa học đối với lĩnh vực Nghệ thuật và nhóm ngành Đào tạo giáo viên của cơ sở đào tạo được xác định tối đa không vượt quá 50% chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy theo từng lĩnh vực đào tạo (theo từng ngành đào tạo đối với nhóm ngành Đào tạo giáo viên) trình độ đại học của cơ sở đào tạo (quy định trước là 30%).

Để nâng cao chất lượng tuyển sinh đào tạo từ xa, Thông tư đã có quy định cụ thể trong xác định chỉ tiêu đào tạo từ xa trình độ đại học. Trong đó, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo từ xa trình độ đại học hàng năm của cơ sở đào tạo được xác định theo từng lĩnh vực đào tạo từ xa và tính tối đa bằng tổng quy mô đào tạo từ xa xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của từng lĩnh vực, đáp ứng đồng thời các tiêu chí số sinh viên đào tạo từ xa trình độ đại học trên một giảng viên quy đổi theo lĩnh vực đào tạo và tiêu chí số sinh viên đào tạo từ xa trình độ đại học trên một cán bộ quản lý, nhân viên hỗ trợ chuyên trách về đào tạo từ xa theo quy định tại Thông tư, trừ đi tổng quy mô sinh viên đào tạo từ xa trình độ đại học thực tế đang đào tạo tại cơ sở đào tạo và các trạm đào tạo từ xa của lĩnh vực đào tạo tương ứng, cộng thêm số sinh viên đào tạo từ xa trình độ đại học dự kiến sẽ tốt nghiệp trong năm tuyển sinh của lĩnh vực đào tạo đó. Thông tư cũng hướng dẫn về cách tính và xác định chỉ tiêu trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Mời bạn đọc xem chi tiết thông tư tại đây.

Tin, ảnh: KHÁNH HÀ

Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/cach-tinh-xac-dinh-chi-tieu-tuyen-sinh-dai-hoc-a14036.html