Bao giờ hệ thống KRX “go-live”?

Thanh khoản sẽ đạt 4 tỷ USD/phiên khi hệ thống KRX đi vào vận hành Ủy ban Chứng khoán: Chưa đủ cơ sở chấp thuận hệ thống KRX vận hành ngày 2/5

KRX là hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, được HoSE ký kết hợp đồng với KRX vào năm 2012 nhằm mục đích nâng cấp công nghệ, cơ sở hạ tầng của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Với lần dời lịch gần đây nhất, từ cuối tháng 4/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã có công văn không chấp thuận đề xuất vận hệ thống KRX từ ngày 2/5 của HoSE. Ngay sau công văn này, phía HoSE cũng có văn bản đề nghị các CTCK dừng việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi hệ thống giao dịch KRX.

Bao giờ hệ thống KRX “go-live”?

Cho đến hiện tại, một vấn đề đáng lưu tâm là ngay cả chính các CTCK, nhà đầu tư vẫn chưa có những tài liệu cụ thể, cũng như văn bản chính thức mô tả về hệ thống mới. Nói với các cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ông Nguyễn Chí Thành - Tổng Giám đốc SHS nhận định: “Nhà đầu tư, cổ đông công ty trả tiền để hệ thống KRX có thể vận hành. Điều này có nghĩa là họ nên có quyền được hiểu biết và tìm hiểu về hệ thống. Không thể vận hành một hệ thống mới, rồi vừa vận hành, vừa tìm hiểu, như vậy không đảm bảo quyền lợi cũng như có thể gây ra những thiệt hại tiềm tàng với khách hàng, nhà đầu tư”.

Ông Thành lấy ví dụ về một khác biệt giữa hệ thống mới và hệ thống cũ, đó là hiện tại các lệnh ATC được ưu tiên hơn, nhưng ở hệ thống KRX thì lại ưu tiên các lệnh đặt từ phiên liên tục với giá và khối lượng tốt hơn. “Việc có văn bản hướng dẫn, triển khai đào tạo sẽ giúp các CTCK có thể đào tạo đội ngũ chuyên môn và truyền thông đầy đủ đến các nhà đầu tư. Ngoài ra, tôi nghĩ việc triển khai hệ thống KRX còn cần sự đồng bộ giữa nhiều bộ phận”, vị CEO này khẳng định.

Sự chậm trễ và những vấn đề của hệ thống KRX rõ ràng khiến giới đầu tư chứng khoán lo ngại về khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam. Mặt khác, việc liên tục “delay” hệ thống mới cũng khiến TTCK Việt Nam mất điểm trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ ngoại lớn.

Trên thị trường, đã xuất hiện nhiều thông tin nhìn nhận việc chuyển đổi hệ thống giao dịch chứng khoán không phải là một tiêu chí để các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE Russell và MSCI đưa vào bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng một TTCK.

Tuy nhiên Giám đốc cấp cao một CTCK cho biết, dù FTSE Russell và MSCI không yêu cầu trong bộ tiêu chí, song hệ thống KRX là “bước đệm” quan trọng để TTCK Việt Nam có thể nâng hạng theo các tiêu chí của 2 tổ chức này.

Đơn cử, hệ thống KRX sẽ là cơ sở về mặt kỹ thuật cho việc không cần yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi mua chứng khoán. Về lâu dài, việc triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), trong đó ngân hàng lưu ký được là thành viên thanh toán bù trừ, sẽ giải quyết được vấn đề

pre-funding. Đây là một điều kiện trong việc đánh giá nâng hạng TTCK Việt Nam theo chuẩn FTSE Russell và thị trường trong nước đang bị coi là có hạn chế vấn đề này.

Trong kỳ “review” gần nhất của FTSE Russell (tháng 3/2024), Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí để được nâng hạng. Tiêu chí không đạt là Chuyển giao đối ứng thanh toán (DvP) hiện được đánh giá là "Hạn chế" (Restricted), do nhà đầu tư cần có tiền trong tài khoản trước khi đặt lệnh giao dịch (khác với thông lệ là cần có tiền khi thực hiện giao dịch) và tiêu chí chi phí xử lý giao dịch thất bại không được chấm điểm, do nhà đầu tư cần có tiền trước khi đặt lệnh nên không xảy ra giao dịch thất bại.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng cần phải cải tiến quy trình đăng ký tài khoản mới vì quy trình hiện tại khiến các nhà đầu tư nước ngoài mất nhiều thời gian để mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Việt Nam cũng được đánh giá là chưa có một cơ chế hiệu quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài đối với những chứng khoán đã hoặc sắp đạt đến giới hạn sở hữu nước ngoài.

Dù vậy, FTSE Russell đã ghi nhận những nỗ lực của cơ quan quản lý - cụ thể là quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ - trong việc giải quyết các nút thắt còn vướng mắc.

Đơn cử, đó là Thông báo số 122/TB-VPCP của Thủ tướng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK 2024: theo đó, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN phải có các biện pháp, hành động khẩn trương nhằm tháo gỡ các nút thắt để sớm nâng hạng thị trường.

Trong khi đó, báo cáo của MSCI chỉ ra TTCK Việt Nam còn 9 tiêu chí chưa đáp ứng gồm: Giới hạn sở hữu nước ngoài; "room" khối ngoại còn lại; Quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài; Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; Luồng thông tin; Thanh toán bù trừ; Khả năng chuyển nhượng không qua sàn; Cho vay chứng khoán; và Bán khống.

Báo cáo của MSCI cũng chỉ ra hai điểm cần cải thiện là: Đăng ký tài khoản: hiện nay, các nhà đầu tư bắt buộc phải đăng ký giao dịch và việc thiết lập tài khoản cần có sự chấp thuận của Trung tâm Lưu ký chứng khoán và Quy định thị trường: có nhiều văn bản pháp luật liên quan đến TTCK chưa có bản tiếng Anh để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận.

Theo đánh giá của BSC Research, TTCK Việt Nam trong tháng 6/2025 có thể được MSCI xem xét đưa vào danh sách theo dõi được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/bao-gio-he-thong-krx-go-live-a13988.html