Những “độc chiêu” lừa vay tiền làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng

“Là nhân viên giao dịch ngân hàng nên họ thường có mối quan hệ xã hội rộng, trong đó họ quản lý được những khách hàng đang có tiền gửi hoặc đang vay tiền tại ngân hàng. Từ đó, một số nhân viên tìm cách làm quen, tiếp cận với những khách hàng này để đặt vấn đề về việc vay tiền của họ để làm dịch vụ đáo hạn cho những khách đến kỳ trả nợ”, môt điều tra viên cho biết.

Cơ quan điều tra đọc quyết định khởi tố Nguyễn Thị Lệ Hoa.

Mới đây, giữa tháng 9/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Thị Lê Na (trú tại phường Xuân Phú, TP Huế) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cơ quan Công an, Na nguyên là nhân viên giao dịch của một ngân hàng đóng tại TP Huế. Do có mối quan hệ thường xuyên giao dịch và quản lý nợ của anh V.N.H.P và chị H.T.H.P (trú tại TP Huế) nên Na đưa ra thông tin gian dối với 2 người này để vay tiền nhằm mục đích đáo hạn ngân hàng và trả lãi đúng thời hạn.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế xác định, vào đầu tháng 2/2023, anh V.N.H.P có nhu cầu vay thêm tiền tại ngân hàng nên đặt vấn đề với Na nâng hạng mục gói vay đang thế chấp nhà đất từ 3 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng. Sau đó, Na đồng ý thẩm định, giải ngân và làm hồ sơ trình cấp trên duyệt cho anh P vay thêm số tiền 1,8 tỷ đồng.

Trong thời gian này, Na nợ chị N.T.T (trú tại phường Phước Vĩnh, TP Huế) số tiền hơn 2 tỷ đồng nên đề nghị anh V.N.H.P cho vay số tiền 1,8 tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng, thời hạn vay từ 4 đến 10 ngày, lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày. Na hứa với anh P, trong khoảng thời gian 4 đến10 ngày, N sẽ trả cả vốn cùng tiền lãi của khoản vay 1 tỷ đồng đã vay anh P trước đó nên anh P đồng ý. Sau khi vay được số tiền này, Na trả nợ cho chị N.T.T.

Trước đó, từ giữa tháng 8/2022 đến tháng 2/2023, do tin tưởng Na, anh V.N.H.P và chị H.T.H.P đã nhiều lần cho Na vay tiền với tổng số tiền là 7 tỷ đồng. Khi vay tiền, Na cho rằng, sử dụng để làm dịch vụ đáo hạn cho khách hàng. Tuy nhiên, thực tế, Na đã sử dụng số tiền này để trả nợ cho người khác và sử dụng vào mục đích cá nhân. Hiện, số tiền 7 tỷ đồng mà anh V.N.H.P và chị H.T.H.P cho Na vay rất khó thu hồi được. Trong khi đó, số tiền này anh V.N.H.P và H.T.H.P cũng phải cắm nhà đất để vay ngân hàng…

Mới đây, Công an Thừa Thiên Huế bắt giam Trần Đức Biểu (trú tại phường Trường An, TP Huế) là nhân viên phòng giao dịch của một ngân hàng chi nhánh tại TP Huế. Kết quả điều tra ban đầu cho biết, do thường xuyên giao dịch tại ngân hàng, chị N.T.H. (trú ở đường Điện Biên Phủ, TP Huế) có quen biết Biểu.

Lợi dụng mối quan hệ này, Biểu đã nhiều lần vay tiền chị H. nhằm mục đích đáo hạn ngân hàng cho khách và trả lãi cho chị H. Sau nhiều lần trao đổi, lợi dụng sự tin tưởng của chị H., từ tháng 3/2021 đến cuối năm 2022, Biểu đã vay của chị H. 4 lần với tổng số tiền là 5,4 tỷ đồng. Sau khi vay tiền từ chị H., Biểu không đáo hạn ngân hàng mà chiếm đoạt số tiền này để trả nợ và sử dụng vào mục đích cá nhân. Sau khi phát hiện sự việc, chị H. làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng.

Theo cơ quan Công an, thời gian qua, ngoài những người dân nảy sinh ý định “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng hình thức vay tiền đáo hạn cho khách, thì một số đối tượng cũng đã lợi dụng “mác” cán bộ để tạo niềm tin cho các bị hại.

Mới đây, ngày 19/9, Cơ quan CSĐT Công an Thừa Thiên Huế khởi tố Trần Thị Lệ Hoa (SN 1977, trú tại phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế), nguyên cán bộ công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Hương Trà về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo hồ sơ, từ năm 2017, mặc dù đang làm việc trong cơ quan nhà nước, Hoa còn làm nghề cho người khác vay tiền để lấy lãi kinh doanh cho thuê xe ôtô tự lái. Tuy nhiên, đến năm 2019, Hoa mất khả nặng trả nợ.

Sợ ảnh hưởng đến uy tín công việc, tình cảm trong gia đình, Hoa không báo cho các chủ nợ biết mà có ý che giấu và tiếp tục vay tiền của người này để trả lãi cho người khác, mỗi lần vay để trả nợ thì phát sinh thêm nợ mới và tiền lãi dẫn đến các khoản nợ ngày một nhiều. Sau đó, thông qua chị Đ.T.M.K (SN 1976, trú tại phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà), Hoa biết vợ chồng anh N.V.V và chị L.H.T.U (con của chị K.) có tiền cho vay nên nảy ý định vay mượn để trả các khoản nợ trước đó.

Hoa liên lạc và nhắn tin zalo trên điện thoại cho anh N.V.V đưa ra thông tin gian dối cần vay tiền cho khách hàng vay đáo hạn trong vài ngày sẽ trả. Do tin tưởng, anh N.V.V đã nhiều lần giao tiền cho Hoa, trong đó có 4 lần với số tiền 2,6 tỷ đồng. Số tiền này Hoa chiếm đoạt để trả nợ và tiêu xài cá nhân, đến nay không có khả năng trả lại.

Qua làm việc với một số bị hại trong các vụ án nói trên, Công an xác định, để có được số tiền cho các đối tượng lừa đảo vay, phần lớn bị hại phải cắm nhà đất hoặc đi vay mượn, huy động từ người thân, bạn bè để cho các đối tượng vay nhằm hưởng chênh lệch. Vì vậy, khi các đối tượng bị bắt giữa và kể cả sau khi thi hành án xong thì cơ hội thu lại số vốn cho các đối tượng vay là rất mong manh.

Qua các vụ án nói trên, cơ quan chức năng cảnh báo đến người dân, cần thận trọng và cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn cho vay tiền để làm “dịch vụ đáo hạn ngân hàng”. Đặc biệt, khi những cán bộ, nhân viên làm ngân hàng nói riêng và cán bộ nói chung đặt vấn đề vay mượn tiền để làm đáo hạn ngân hàng cho khách thì người cho vay phải thẩm định kỹ, xác minh bằng nhiều kênh thông tin khác nhau.

Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/nhung-doc-chieu-lua-vay-tien-lam-dich-vu-dao-han-ngan-hang-a13717.html