Nhận diện 7 thủ đoạn “rửa tiền” được tội phạm sử dụng trong giai đoạn hiện nay

1. Thành lập các công ty “vỏ bọc” mua bán khống hàng hóa

Công ty “bình phong” hay còn gọi là công ty “vỏ bọc” là một thực thể được thành lập hợp pháp, nhưng hoạt động của công ty không nhằm thực hiện các chức năng vốn có mà nhằm mục đích rửa các nguồn tiền bất chính, thông qua các hợp đồng khống tạm nhập tái xuất hàng hóa; hoặc khai báo nhiều hoặc ít hơn số lượng hàng hóa thực tế được vận chuyển. Thậm chí, bên xuất khẩu có thể không chuyển bất kỳ hàng hóa nào lên tàu nhưng tội phạm thông đồng với các bên có liên quan (vận chuyển, hải quan, nhà nhập khẩu...), để có được bộ hồ sơ chứng từ khống đầy đủ thủ tục liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa…

Đây là thủ đoạn của vợ chồng Nguyễn Thị Nguyệt và Phạm Anh Tuấn cùng 11 đồng phạm sử dụng trong vụ vận chuyển trái phép hơn 30.000 tỷ đồng vừa bị Viện KSND thành phố Hà Nội truy tố. Theo đó vợ chồng Nguyệt mượn CMND của người thân để thành lập 8 công ty, với những ngành nghề kinh doanh khác nhau, song đều có chung ngành xuất nhập khẩu. Sau đó Nguyệt soạn và ký các hợp đồng kinh tế mua hàng hóa là IC điện thoại thông minh của các công ty tại Singapore xuất bán cho các công ty tại Trung Quốc theo hình thức tạm nhập tái xuất để có tờ khai hải quan. Tiếp đó Nguyệt liên hệ với các ngân hàng, lập các tài khoản rồi thực hiện việc chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài để hưởng lợi 0,1% trên mỗi giao dịch chuyển tiền. Số hàng linh kiện mua từ Trung Quốc được khai khống giá lên nhiều lần, đồng thời cũng được quay vòng nhiều lần để tạo các bộ tờ khai hải quan, sau đó chuyển cho ngân hàng để thực hiện các yêu cầu chuyển tiền.

Sau khi hợp thức được hồ sơ tạm nhập tái xuất, vợ chồng Nguyệt cùng các đồng phạm đã nhiều lần chuyển tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng trái phép ra nước ngoài. Cơ quan tố tụng cáo buộc bằng những thủ đoạn trên, Nguyễn Thị Nguyệt đã thu lời bất chính gần 30,5 tỉ đồng. Quá trình điều tra, bị can khai số tiền hưởng lợi đã được chi trả cho hoạt động của các công ty, mua hàng, vận chuyển hàng hóa và chi tiêu cá nhân hết. Tuy nhiên đến thời điểm này, CQĐT vẫn chưa xác định được chủ nhân của số tiền khủng kia là ai ?

Tang vật rửa tiền của một vụ án

2. Rút “tiền bẩn” qua nền tảng đánh bạc trực tuyến

Sau vụ đánh bạc trực tuyến hàng nghìn tỷ đồng do Phan Sào Nam cùng Nguyễn Văn Dương cầm đầu bị đánh sập gây chấn động dư luận hồi năm 2017, từ đó cho đến nay trên mạng internet vẫn tồn tại hàng loạt sòng bạc trực tuyến khác núp bóng các trò chơi điện tử. Người chơi tại tổ chức casino không dùng tiền thật để chơi mà dùng thẻ đánh bạc (thẻ đánh bạc có thể được gọi là phỉnh hoặc chíp hoặc sèng) ghi dấu hiệu giá trị (ví dụ $1, $2, $5, $10…) để chơi. Theo đó, người chơi sẽ đổi tiền thật lấy thẻ đánh bạc để chơi, khi kết thúc họ có thể đổi thẻ đánh bạc lấy tiền mặt hoặc séc.

Lợi dụng cơ chế này, tội phạm rửa tiền dùng tiền mặt có được từ hoạt động bất hợp pháp để mua một số lượng lớn thẻ đánh bạc, nhưng chỉ đánh bạc hoặc đặt cược một số tiền không đáng kể. Sau đó trả lại thẻ và đề nghị được nhận lại tiền dưới dạng séc và tuyên bố đó là tiền được bạc. Hoạt động của các đối tượng này rất tinh vi khi biết cách lợi dụng các công nghệ tin học tiên tiến “ẩn mình” trên mạng, rất khó phát hiện.

Mới đây, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ Trương Ngọc Tú (thường trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên) cùng 15 đối tượng trong đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng. Tổng số tiền các đối tượng đánh bạc nướng vào đường dây này “cực khủng”, lên tới 64.000 tỷ đồng. Gần đây nhất, những ngày đầu tháng 7/2022, Công an tỉnh Hưng Yên vừa triệt phá đường dây đánh bạc liên tỉnh trên mạng Internet với số tiền lên đến trên 20.000 tỷ đồng.

Với công nghệ điện toán đám mây, không gian mạng “không có biên giới” vậy nên hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến càng trở nên dễ dàng, thu hút cực nhiều người tham gia và có thể ở bất kỳ đâu dẫn tới việc xác minh, xử lý, điều tra từng cá nhân cũng không khả thi. Ngoài ra, việc đặt máy chủ ở nước ngoài còn khiến cho những kẻ cầm đầu đường dây tổ chức dễ dàng hơn trong việc rửa tiền. Ước tính hàng triệu USD đã chảy ra nước ngoài thông qua việc đánh bạc hay cá cược qua mạng.

Rửa tiền qua kênh các sòng bạc trực tuyến

3. Núp bóng các dự án gây quỹ, làm từ thiện, đi du lịch…

Kể từ năm 2015, khi Nghị định 70/2014/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ngoại hối được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực không còn quy định về giới hạn mức chuyển ngoại tệ của người cư trú là công dân Việt Nam cho thân nhân ở nước ngoài (thay vì chỉ cho phép một công dân Việt Nam có nhu cầu trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài chỉ được phép chuyển, mang ngoại tệ tối đa không quá 5.000 USD cho một người hưởng trợ cấp - theo quy định tại Quyết định 1437/2001/QĐ-NHNN về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam), thông qua nền tảng trực tuyến, bọn tội phạm che giấu mục đích rửa tiền bất hợp pháp với mạng lưới gây quỹ qua mạng “hợp pháp” hoặc đi du lịch.

Thủ đoạn của tội phạm thiết lập các dự án gây quỹ qua mạng giả trên nền tảng để gây quỹ từ cái gọi là “các nhà đầu tư”, theo đó các nhà đầu tư sẽ thu tiền thông qua thanh toán trực tuyến. Hoặc, tội phạm cũng sử dụng phương thức gây quỹ qua mạng xuyên biên giới như những kênh tài trợ khủng bố mới. Những kẻ khủng bố hoặc những người ủng hộ có thể sử dụng tên giả hoặc địa chỉ IP đăng ký giả mạo để dựng nên một dự án mạng lưới gây quỹ qua mạng. Bằng cách này, tội phạm có thể thu hút được những nguồn tiền xuyên biên giới. Các đại gia có thể chuyển được khoản tiền khủng vào quỹ từ thiện và rút ra một cách hợp pháp từ đầu kênh bên kia.

Quy định mở của Nghị định 70, cũng vô hình trung trở thành “vỏ bọc” để giới siêu giàu (không loại trừ trong đó có cả nguồn tiền hình thành từ nguồn gốc bất chính) lạm dụng chuyển tiền ra nước ngoài hợp pháp đầu tư vào bất động sản. Trường hợp của anh Thanh (cư ngụ tại Q7, TP.HCM) mà báo chí từng nhắc đến 8/2020 là một ví dụ. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, người nhà của anh trong nước đã chuyển thành công sang Bồ Đào Nha với số tiền lên hơn 200.000 euro (tương đương hơn 5,6 tỷ đồng), qua danh nghĩa chuyển tiền cho anh chi tiêu du lịch được pháp luật cho phép.

Cách làm của anh Thanh như sau: Thông qua chuyến du lịch, được luật sư nước sở tại hướng dẫn mở tài khoản cá nhân tại một ngân hàng Bồ Đào Nha. Sau đó anh liên lạc về Việt Nam để vợ anh, cha, mẹ anh, các con của anh… lần lượt chuyển tiền vào tài khoản của anh ở Bồ Đào Nha, từ các tài khoản cá nhân được mở tại các ngân hàng trong nước. Đi du lịch vẫn chuyển được tiền ra nước ngoài với số lượng lớn, vậy thì đi chữa bệnh, học tập, trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài… sẽ không có ngoại lệ. Có nghĩa đều có thể để tội phạm lạm dụng để rửa “tiền bẩn” (có nguồn gốc bất chính) chuyển ra nước ngoài một cách hợp pháp.

4. Chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài cho người hưởng thừa kế

Mặc dù thủ đoạn này chưa “lộ diện” nhưng hoàn toàn có thể nếu các đối tượng lựa chọn, đó là việc chuyển tiền qua danh nghĩa được pháp luật cho phép “chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài”.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế không phân biệt người thừa kế là người thân trong gia đình hay người ngoài, thậm chí kể cả người ngoài nước. Tuy nhiên, thừa kế chỉ phát sinh khi người để lại di sản thừa kế chết hoặc tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết. Như vậy muốn biến tài sản “sống” thành di sản thừa kế, để “lách” vào điều kiện chuyển tiền cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài, người có tiền cần phải trải qua công đoạn “trung chuyển” hay nói cách khác là chuyển dịch tài sản cho một người khác, mà người đó sắp qua đời.

Mặc dù có phần mạo hiểm nhưng việc chia tài sản theo di chúc sẽ rút ngắn được thời gian và đơn giản hơn về thủ tục so với lựa chọn giải pháp hợp thức hóa từ hình thức chia thừa kế theo pháp luật. Để giảm rủi ro, đối tượng để người có tiền gửi gắm chuyển dịch quyền sở hữu khối tài sản (thông qua hợp đồng tặng cho hoặc chuyển nhượng) sẽ là người thân, họ hàng mà họ tin tưởng; hoặc là người ngoài nhưng sẽ được ràng buộc chặt chẽ bỡi một thỏa thuận dân sự có liên quan đến quyền lợi người thân của người sắp chết.

Thực tế cho thấy, không hiếm những cán bộ, công chức vốn nghèo “rớt mồng tơi”, chỉ sau một hai nhiệm kỳ làm việc đã sở hữu khối tài sản trị giá lên tới hàng chục, hằng trăm tỷ, thậm chí cả ngàn tỷ… Rõ ràng những khối tài sản đó được hình thành từ nguồn tiền “không sạch”, nhưng không có cơ sở để quy kết là bất hợp pháp. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam cho đến thời điểm này vẫn còn lay hoay, chưa có chế định kiểm soát hữu hiệu nguồn gốc tài sản được hình thành của mỗi cá nhân.

Vậy nên việc chứng minh nguồn gốc di sản thừa kế hợp pháp để chuyển tiền thừa kế cho người thừa kế ở nước ngoài là chuyện không khó. Công việc còn lại không khác gì như anh Thanh đã làm khi đi du lịch ở Bồ Đào Nha.

5. Nhờ người thân mua, chuyển nhượng hoặc tặng cho bất động sản

Hoạt động rửa tiền thông qua bất động sản có thể là một trong những kênh đầu tư mà tội phạm rửa tiền dễ khai thác vì so với các thị trường khác thì đầu tư bất động sản tương đối thuận lợi và không có quá nhiều thủ tục ràng buộc khi tham gia thị trường. Bất động sản là lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản. Trong vụ án đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ, Phan Sào Nam đã chuyển cho dì ruột là Phan Thu Hương (ngụ quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) đứng ra giao dịch, mua bán nhiều căn hộ chung cư cao cấp, biệt thự tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, bà Hương đã mua 1 bất động sản tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh có giá tới 270 tỷ đồng. Ngoài ra, Nam còn sử dụng hàng chục tỷ đồng nhờ bạn bè đứng tên để mua bất động sản nhằm “rửa tiền”.

Việc kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản cũng gặp phải nhiều thách thức trong việc phòng, chống rửa tiền. Trong đó, việc thanh toán tiền mặt đối với các giao dịch bất động sản tại Việt Nam hiện nay khá phổ biến và giao dịch tự phát không qua sàn giao dịch; số lượng giao dịch lớn và giá trị giao dịch cao; chưa có quy định, ràng buộc pháp luật về giao dịch giá trị lớn phải thực hiện qua hệ thống ngân hàng… đang làm gia tăng nguy cơ rửa tiền qua lĩnh vực này.

Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản

6. Mua cổ phiếu, trái phiếu

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, tội phạm rửa tiền ở thị trường chứng khoán ngày càng gia tăng bởi hiện nay pháp luật chưa có những quy định chặt chẽ về kiểm soát nguồn gốc tài chính và chưa có pháp luật về rửa tiền. Vì vậy có thể nói thị trường chứng khoán là mảnh đất màu mỡ để các tội phạm có thể lợi dụng để thực hiện các hành vi rửa tiền của mình.

Để thực hiện hành vi rửa “tiền bẩn” thành “tiền sạch”, bọn tội phạm sẽ đưa tiền mặt bất hợp pháp đến các trung tâm giao dịch chứng khoán để mua cổ phiếu chứng khoán, trái phiếu. Thủ đoạn của tội phạm là chia nhỏ đồng tiền bằng cách mua nhiều cổ phiếu khác nhau, sau đó gom các cổ phiếu lại thành một khoản lớn, để tránh sự chú ý và nghi ngờ của cơ quan quản lý. Thậm chí, tội phạm còn mua cả cổ phần giả tạo do chính các công ty bình phong phát hành. Bởi chúng thường không quan tâm đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khi lựa chọn để đầu tư, do đó, chúng mua cổ phần chứng khoán bằng mọi giá. Đối với thị trường chứng khoán liên quốc gia, số cổ phiếu này sau đó có thể được tung ra ở các thị trường nước ngoài để biến chúng thành những đồng hiện hợp pháp.

Rửa tiền thông qua chứng khoán gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của quốc gia. Với những nước mới phát triển hoặc đang trên đà phát triển vấn nạn rửa tiền có thể làm ảnh hưởng đến ngân sách của Chính phủ, khiến nguồn ngân sách bị thất thoát từ nguồn thuế dẫn tới tình trạng Chính phủ mất kiểm soát các chính sách kinh tế.

Thị trường chứng khoán là mảnh đất màu mỡ để các tội phạm có thể lợi dụng để thực hiện các hành vi rửa tiền của mình

7. Cung cấp các dịch vụ tiền ảo, tài sản ảo

Ngân hàng Nhà nước nhận định, với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu nên tiền ảo là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng để rửa tiền, tài trợ khủng bố khi chúng có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động bất hợp pháp thành “tiền sạch” hoặc chuyển các khoản tài trợ cho khủng bố thông qua việc mua bán, trao đổi đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau. Việc chuyển tiền được thực hiện giữa người với người qua các hệ thống thanh toán công nghệ mới thay vì thông qua ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính truyền thống khác. Vì thế, các tài sản ảo có thể được chuyển giao ảo ở mọi nơi trên thế giới.

Cùng với việc gia tăng giá trị nhanh chóng trong thời gian qua, Bitcoin và nhiều đồng tiền ảo được giao dịch rộng rãi trên các sàn giao dịch tiền ảo như một loại “chứng khoán”, đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu nhà đầu tư trên khắp thế giới. Ngay tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh, giao dịch mua bán tiền ảo, tài sản ảo diễn ra hết sức sôi động và đang tạo ra các cơn sốt giao dịch trong thời gian qua và thật dễ dàng để tìm thấy và tham gia giao dịch trên các sàn giao dịch tiền ảo ở Việt Nam. Trong khi đó hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch tiền ảo, tài sản ảo. Theo đó các hoạt động trao đổi, mua bán tiền ảo trên các các sàn giao dịch tiền ảo hiện vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng nào.

Với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu nên tiền ảo là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng để rửa tiền

Phát biểu tại tọa đàm “Hoàn thiện pháp luật về phòng chống rửa tiền thông qua tài sản ảo” do NHNN phối hợp tổ chức mới đây (5/2022), Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền, trong đó tập trung xem xét đến vấn đề về đối tượng báo cáo, đặc biệt là đối tượng liên quan đến tài sản ảo. Ngoài ra, NHNN cũng tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và kinh nghiệm trên thế giới để có những nhìn nhận toàn diện hơn, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng như khắc phục được tình trạng tội phạm công nghệ cao sử dụng tài sản ảo như một công cụ để thực hiện việc rửa tiền.

Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/nhan-dien-7-thu-doan-rua-tien-duoc-toi-pham-su-dung-trong-giai-doan-hien-nay-a13563.html