Chính sách tài khóa (tên Tiếng Anh: Fiscal policy) là các biện pháp can thiệp của chính phủ đến hệ thống thuế và chi tiêu của chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu của nền kinh tế vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm hoặc ổn định giá cả và kiểm soát lạm phát.
Chỉ chính phủ mới có quyền và chức năng thực thi chính sách tài khóa.
Mục tiêu của chính sách tài khóa là điều tiết và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, kiểm soát lạm phát.
Chính sách tài khóa tác động tới tổng cầu, thông qua đó sẽ tác động đến các hoạt động kinh tế. Cụ thể:
Trong điều kiện hoạt động bình thường, chính sách tài khóa tác động điều chỉnh tổng cầu tăng, giúp tăng trưởng kinh tế.
Khi nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái hoặc phát triển quá mức (còn gọi là phát triển nóng) thì chính sách tài khóa sẽ can thiệp điều chỉnh tổng cầu giảm xuống, giúp đưa nền kinh tế về lại trạng thái cân bằng.
Chính sách tài khóa có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Chính phủ phân bổ hiệu quả các nguồn lực kinh tế thông qua hai công cụ: chi tiêu Chính phủ và thuế.
Việc giảm thuế, phí, đẩy mạnh đầu tư công, tạo vốn mồi góp phần thúc đẩy doanh nghiệp nắm bắt cơ hội sản xuất, kinh doanh. Từ đó có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao tỷ lệ có việc làm.
Ngoài ra, giảm thuế còn có thể kích thích chi tiêu của người dân, thúc đẩy nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ, cũng góp phần mở ra nhiều cơ hội việc làm mới.
Duy trì ổn định giá cả trên thị trường và kiểm soát lạm phát cũng là mục tiêu của chính sách tài khóa.
Bằng cách tăng thuế hoặc giảm chi tiêu chính phủ, chính phủ có thể hạn chế nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ để kiểm soát tình trạng lạm phát. Điều này đảm bảo sự ổn định giá trị trong nền kinh tế trong tầm kiểm soát, tạo lập nên môi trường an toàn cho tăng trưởng đầu tư và phát triển.
Các công cụ của chính sách tài khóa bao gồm thuế, chi tiêu Chính phủ và tài trợ cho thâm hụt ngân sách.
Thuế là một khoản phí bắt buộc hoặc một số loại thuế khác áp dụng cho người nộp thuế (một cá nhân hoặc pháp nhân) phải trả cho nhà nước khi đáp ứng đủ các điều kiện nhất định.
Thuế có rất nhiều loại như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế bất động sản, v.v...
Thuế là khoản thu vào nên thuế sẽ tác động lên tổng cầu theo chiều trái ngược nhau.
Khi thuế tăng thì thu nhập của người dân sẽ giảm, từ đó dẫn đến giảm chi tiêu tiêu dùng và kéo theo tổng cầu giảm, GDP cũng giảm theo.
Ngược lại, khi thuế giảm sẽ thúc đẩy người dân chi tiêu, mua hàng hoá sử dụng dịch vụ nhiều hơn, song song đó tổng cầu tăng kéo theo GDP tăng.
Các chính sách chi tiêu chính phủ cũng rất đa dạng. Dựa theo tính chất, chi tiêu của Chính phủ bao gồm hoạt động mua sắm hàng hóa dịch vụ và chuyển nhượng. Trong đó:
Chi mua hàng hoá và dịch vụ: là hoạt động Chính phủ sử dụng Ngân sách Nhà nước để chi cho y tế, giáo dục, quốc phòng. Các khoản chi này có tác động lớn đến trình độ, kỹ năng và năng suất lao động của một quốc gia.
Chi đầu tư công: bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng đường xá, cầu cống, trường học, bệnh viện. Khoản chi tiêu này cải thiện tiềm năng sản xuất của một nền kinh tế.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (2016) có thể coi đầu tư công là chi tiêu Chính phủ. Bởi lẽ, đầu tư công được Chính phủ đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước.
Sự gia tăng chi tiêu của Chính phủ đã làm tăng sức mua của người dân, từ đó đẩy nhanh sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự cắt giảm quy mô chi tiêu Chính phủ lại có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chi chuyển nhượng: là khoản trợ cấp của Chính phủ cho những đối tượng chính sách ( như người nghèo, người khuyết tật, thương binh, nhóm người dễ bị tổn thương khác trong xã hội… ).
Khác với chi mua sắm hàng hoá dịch vụ, chi chuyển nhượng tác động gián tiếp đến tổng cầu thông qua việc ảnh hưởng đến thu nhập và tiêu dùng cá nhân. Khi chi chuyển nhượng tăng sẽ làm tiêu dùng cá nhân tăng lên và từ đó gia tăng tổng cầu.
Tài trợ thâm hụt (Deficit financing) là việc tài trợ trong tình hình các khoản chi của ngân sách Nhà nước vượt quá các nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Một số biện pháp tài trợ thâm hụt ngân sách:
Vay nợ trong nước: Chính phủ có thể tiến hành vay nợ trong nước bằng cách huy động nguồn tiền dự trữ trong dân chúng thông qua phát hành trái phiếu, công trái của Chính phủ.
Vay nợ nước ngoài: Chính phủ có thể nhận viện trợ nước ngoài hoặc vay nợ nước ngoài từ các Chính phủ nước ngoài, các định chế tài chính thế giới ( như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB),...), các tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ,…
Sử dụng dự trữ ngoại tệ: Chính phủ có thể giảm dự trữ ngoại tệ để tài trợ thâm hụt ngân sách.
Tiền tệ hóa thâm hụt: Chính phủ có thể đi vay Ngân hàng Trung ương để bù đắp. Để đáp ứng yêu cầu này, Ngân hàng trung ương sẽ tăng việc in tiền. Việc này sẽ làm tăng cơ sở tiền tệ.
Nền kinh tế gồm có 3 trạng thái: thái nền kinh tế đang phát triển bình thường, nền kinh tế đang phát triển quá mức và trạng thái suy thoái kinh tế. Theo đó, việc điều hành chính sách tài khóa theo hướng nào tùy thuộc vào quan điểm của từng chính phủ gắn với các bối cảnh kinh tế vĩ mô cụ thể.
Các khuynh hướng của chính sách tài khóa gồm: chính sách tài khóa trung lập, chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tài khóa thu hẹp.
Chính sách tài khóa trung lập là chính sách cân bằng ngân sách, có nghĩa là chi tiêu Chính phủ bằng với nguồn thu từ thuế (G = T). Lúc này, chi tiêu của chính phủ hoàn toàn được tài trợ từ nguồn thu của chính phủ và nhìn chung là có tác động trung tính lên mức độ của các hoạt động kinh tế.
Chính sách tài khóa mở rộng là chính sách tăng cường chi tiêu của chính phủ (G > T) thông qua việc mở rộng chi tiêu hoặc giảm bớt nguồn thu thuế hoặc có thể kết hợp cả hai.
Trong điều kiện kinh tế suy thoái, chính phủ sẽ tăng chi tiêu và giảm thuế để tăng tổng cầu, từ đó tác động tăng tổng thu nhập quốc dân và tăng trưởng kinh tế. Trong quá trình triển khai Chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ, nếu không, có thể dẫn đến hình thành lạm phát.
Chính sách này thường được áp dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo cơ hội việc làm.
Chính sách tài khóa thu hẹp là chính sách thắt chặt chi tiêu của Chính phủ (G < T) thông qua việc giảm bớt chi tiêu hoặc/và tăng nguồn thu của chính phủ.
Chính sách tài khóa thắt chặt thường được sử dụng khi nền kinh tế phát triển quá mức để kìm hãm sự phát triển quá nóng của nền kinh tế và kiềm chế lạm phát.
Chính phủ sẽ giảm chi tiêu công và tăng thuế, lúc này tổng cầu sẽ giảm, dẫn đến thu nhập quốc dân giảm, giảm phát triển kinh tế và giảm lạm phát.
Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/chinh-sach-tai-khoa-la-gi-muc-tieu-cua-chinh-sach-tai-khoa-a13534.html