Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HOSE)

Sau thời gian dài đi ngang tích luỹ, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã bất ngờ giao dịch bùng nổ trong phiên cuối tuần qua. Cổ phiếu này tăng 3,55% qua đó leo lên mức 70.000 đồng/cp, cao nhất trong vòng 3 tháng. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt xấp xỉ 146.300 tỷ đồng (~6 tỷ USD).

Đáng chú ý, dòng tiền đổ vào cổ phiếu đầu ngành sữa rất mạnh đẩy khối lượng giao dịch tăng đột biến lên trên 11 triệu đơn vị, gấp hơn 4 lần bình quân phiên trong một năm trở lại đây. Đây cũng là khối lượng giao dịch lớn thứ 2 trong lịch sử của cổ phiếu VNM, chỉ sau phiên kỷ lục ngày 23/6/2023.

Bứt phá mạnh cùng thanh khoản cao khiến giới đầu tư kỳ vọng vào một con sóng mới của cổ phiếu VNM với những câu chuyện bên lề đáng chờ đợi như việc chuyển sàn từ UPCoM sang niêm yết trên HoSE của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk - mã MCM). Niêm yết trên HoSE sẽ góp phần nâng cao giá trị doanh nghiệp, tăng tính minh bạch về mọi mặt, cả về hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác quản trị qua đó đảm bảo lợi ích cho cổ đông.

Thực tế, cổ phiếu MCM cũng diễn biến khởi sắc khi thời điểm chính thức niêm yết đang gần kề. Hiện tại, Vinamilk đang chi phối hơn 86% cổ phần tại Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico - mã VLC), công ty mẹ nắm đến hơn 59% vốn tại Mộc Châu Milk. Cổ phiếu MCM tăng mạnh thời gian gần đây có thể tác động tích cực đến hoạt động định giá lại khoản đầu tư của Vinamilk.

Kinh doanh chuyển biến tích cực sau khi tái cấu trúc

Ngoài những câu chuyện bên lề, nền tảng cơ bản là tình hình kinh doanh của doanh nghiệp vẫn là bệ phóng vững chắc nhất cho một con sóng thực sự dài hơi. Trong năm 2023 vừa qua, Vinamilk đã có nhiều nỗ lực trong tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó nổi bật với chiến lược thay đổi bộ nhận diện thương hiệu.

Chiến lược nhằm đáp ứng sự phát triển của thế hệ người tiêu dùng mới, mở rộng đối tượng khách hàng không bị giới hạn độ tuổi và thúc đẩy hình ảnh ra các thị trường thế giới. Nhờ đó, thị phần của Vinamilk trong năm 2023 đã được cải thiện so với cùng kỳ 2022 và Chứng khoán Agriseco kỳ vọng chiến lược trên sẽ giúp công ty tiếp tục giành lại thị phần trong năm 2024-2025.

Sau khi thay đổi nhận diện thương hiệu, Vinamilk cũng đã nhanh chóng thu về một số kết quả khả quan. Trong quý 4/2023, biên lãi gộp của Vinamilk cải thiện đáng kể từ mức 38,8% cùng kỳ 2022 lên hơn 42,5%. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.351 tỷ đồng, tăng 24% so với quý 4/2022 qua đó ghi nhận quý thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng luỹ kế cả năm đạt 9.019 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022, kết thúc 2 năm đi lùi liên tiếp.

Trong năm 2023, nhu cầu tiêu thụ sữa Việt Nam suy giảm do kinh tế tư nhân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, bước sang 2024, Agriseco kỳ vọng nền kinh tế trong nước dần hồi phục nhờ việc đảo chiều chính sách tiền tệ ở Mỹ và Châu Âu sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, các mặt hàng tiêu dùng nhanh và thiết yếu như sữa sẽ có sự phục hồi đầu tiên.

Đồng quan điểm, Chứng khoán BSC cũng đánh giá cao khả năng tăng trưởng của Vinamilk trong năm 2024 dựa trên giả định biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu hạ nhiệt. CTCK này dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Vinamilk lần lượt đạt 63.501 tỷ đồng và 9.928 tỷ đồng, tương ứng tăng 5,6% và 14% so với thực hiện 2023.

Mặt khác, BSC cũng chỉ ra một số rủi ro đối với Vinamilk, như việc có thể đánh mất thị phần do áp lực cạnh tranh và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng làm thu hẹp biên lợi nhuận.

Hà Linh

Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/cong-ty-co-phan-sua-viet-nam-hose-a13444.html