(KTSG Online) - Làn sóng người dân muốn mua vàng miếng với giá rẻ đến tập trung tại các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng điều này không cần thiết. Lý do là số lượng vàng miếng nhà điều hành cung ứng ra thị trường sẽ ngày một tăng để dần ổn định nhu cầu mua của người dân. Do đó đà giảm giá của vàng có thể vẫn chưa dừng lại.
Thông báo từ Ngân hàng Nhà nước ngày 5-6 cho biết giá bán vàng miếng là 76,98 triệu đồng/lượng. “Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp”, văn bản của NHNN có đoạn.
Các nhà băng từ sáng đã công bố giá bán vàng ở mức 77,98 triệu đồng/lượng. Tương tự, giá vàng niêm yết tại Công ty SJC là 77,98 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và 76,48 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào. Như vậy, giá vàng tiếp tục giảm thêm 1 triệu đồng so với mức giá bán hôm qua.
Vietcombank thông báo sáng nay là lần đầu tiên thực hiện giao vàng miếng SJC trong buổi sáng, cho những khách hàng đã đặt trước. Thời gian thực hiện trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ 30 phút và từ 13 giờ 30 đến 16 giờ.
Còn Vietinbank thông báo số lượng bán tối thiểu là 1 lượng vàng SJC cho mỗi lượt mua, khách hàng có thể mua nhiều lượt tại một hoặc nhiều điểm bán vàng trong thời gian giao dịch.
Trong khi đó, Agribank vừa có thông báo cho biết, sau hai ngày (3-6 và 4-6) triển khai bán vàng miếng SJC trực tiếp tới khách hàng, ngân hàng đã bán hết toàn bộ số lượng vàng đã mua trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, Agribank cho biết từ 13h30 ngày 5-6, sau khi hoàn tất các thủ tục mua, giao nhận vàng miếng SJC từ Ngân hàng Nhà nước và vận chuyển về kho của ngân hàng, Agribank sẽ tiếp tục phục vụ khách hàng đến mua vàng.
Thực tế, đà xuống giá của vàng miếng đã kéo dài trong hơn hai tuần qua đã giá kim loại này ‘bốc hơi’ hơn 14 triệu đồng/lượng kể từ đỉnh. Dẫu vậy lượng người xếp hàng mua vàng ở các điểm bán bán ngày một kéo dài. Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia nhìn nhận, việc xếp hàng mua vàng theo tâm lý như vậy vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Chia sẻ với KTSG Online, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng mức chênh lệch với vàng thế giới đã rút ngắn nhưng vẫn còn cao. Theo ông, khoảng cách khoảng 3-4 triệu đồng là hợp lý, điều này đồng nghĩa, giá vàng trong nước có thể sẽ tiếp tục giảm.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, chỉ cách đây vài tuần, giá vàng SJC vượt mốc hơn 92 triệu đồng/lượng, hiện nay vàng chỉ còn khoảng 78 triệu đồng, thì việc người mua đổ xô “gom vàng” là điều hiển nhiên.
Ông Hiếu cho rằng mục đích của Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện giải pháp này là kéo giảm giá vàng và thu hẹp khoảng cách với vàng thế giới. Để làm được điều này, phải hội đủ 2 yếu tổ là giá phải giảm và nguồn cung phải đủ đáp ứng thị trường. Tuy nhiên, chuyên gia Hiếu cho rằng, mới chỉ có yếu tố giá được thõa mãn, trong khi lượng cung ứng vàng dường như đang thiếu hụt.
“Quan sát của tôi là nguồn cung chưa đáp ứng so với cầu, đang rất “nhỏ giọt”. Rất nhiều người xếp hàng vẫn không mua được vàng”, ông Hiếu nói đồng thời cho rằng không loại trừ giá vàng có thể bật tăng nếu nguồn cung vẫn chưa thõa mãn thị trường.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng giá vàng trong nước có thể sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. “NHNN có thể giao xuống mức giá thấp hơn, khoảng 75-76 triệu đồng/lượng. Nếu người dân ồ ạt mua sớm thì chỉ có mất tiền, do đó, nên bình tĩnh chứ không nên vội vàng ‘ôm’ vàng lúc này”, ông Thịnh khuyến cáo.
Theo ông Đinh Trọng Thịnh, Ngân hàng Nhà nước cho rằng đủ lượng vàng bán cho người dân là điều dễ hiểu vì việc nhập khẩu vàng hiện nay cũng không quá lo ngại vấn đề giá cả. Tuy nhiên, việc nhập khẩu vàng sẽ phải xem xét cân đối với tỷ giá ngoại tệ, cần được tính toán để có thể hỗ trợ tăng trưởng xuất nhập khẩu, từ đó phát triển sản xuất kinh doanh.
“Do đó, khi thị trường có nhu cầu thì NHNN sẽ có phương án nhập khẩu, vấn đề là cần thời gian và người mua không nên vội vàng lúc này”, ông Thịnh chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu của việc bán vàng miếng trực tiếp tới người dân theo phương án mới của Ngân hàng Nhà nước là để thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế ở mức phù hợp. Với định hướng này, giá bán vàng của các ngân hàng thương mại vốn Nhà nước và Công ty SJC có thể còn giảm trong thời gian tới.
Theo ghi nhận của KTSG Online vào lúc 11h ngày 5-6, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 76,48 - 77,98 triệu đồng/lượng theo hai chiều mua vào - bán ra, giảm 1 triệu đồng/lượng so với sáng qua. Chênh lệch mua - bán được doanh nghiệp ở mức 1,5 triệu đồng.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác như Doji, PNJ, Bảo Minh Châu cũng niêm yết giá vàng miếng SJC bán ra 77,98 triệu đồng/lượng. Đây cũng là giá bán của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank) niêm yết bán cho người dân.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 2.329 đô la/ounce, giảm 21 đô la/ounce so với sáng qua. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank, hiện giá vàng thế giới tương đương 72 triệu đồng/lượng.
Như vậy, sau 2 ngày Ngân hàng Nhà nước bán vàng cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn để bán trực tiếp cho dân, giá vàng SJC giảm hơn 5 triệu đồng/lượng và rút ngắn khoảng cách với vàng thế giới còn khoảng 7 triệu đồng/lượng, trước đó, giá vàng miếng có thời điểm cao hơn thế giới 18 - 20 triệu đồng/lượng.
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, người dân có tài sản đầu tư nên chọn các lĩnh vực khác để sinh lời, như sản xuất kinh doanh, bất động sản…thay vì “đổ hết” vào vàng. “Giữ vàng chỉ là giữ giá trị, còn thực tế khả năng sinh lời không cao. Tôi cho rằng chỉ nên giữ ở mức khoảng 30% là hợp lý, vừa đầu tư vừa giữ gìn tài sản”, ông Thịnh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyến nghị tỷ lệ dành 1/3 giá trị tài sản cho kim loại quý. Người dân cần cân nhắc tới giá trị vàng trong danh mục tài sản để hạn chế tối đa rủi ro có thể phát sinh trước những biến động bất ngờ của thị trường.
Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/co-nen-do-xo-di-mua-vang-luc-nay-hay-khong-a13362.html