Kinh tế Việt Nam năm 2023 xếp hạng bao nhiêu trên thế giới?

Kinh tế Việt Nam năm 2023 xếp hạng bao nhiêu trên thế giới?

Số liệu kinh tế Việt Nam năm 2023 (Hình từ internet)

Kinh tế Việt Nam năm 2023 tăng trưởng thế nào?

>>Xem thêm: GDP là gì? Cách tính tăng trưởng GDP

GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023 . Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38% (Cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 11,96%; 38,17%; 41,32%; 8,55%).

GDP bình quân đầu người năm 2023 (theo giá hiện hành) ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022).

Xuất khẩu hàng hóa: Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỷ USD, giảm 0,3%, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 259,95 tỷ USD, giảm 5,8%, chiếm 73,1%.

Nhập khẩu hàng hóa: Tính chung cả năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 117,29 tỷ USD, giảm 7,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 210,21 tỷ USD, giảm 9,8%.

Tính chung cả năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 28 tỷ USD (năm trước xuất siêu 12,1 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 49,74 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam năm 2023 xếp hạng bao nhiêu trên thế giới?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD.

Với kết quả này, quy mô kinh tế Việt Nam năm 2023 xếp thứ 34 theo bảng xếp hạng của CEBR.

Theo dự báo, nếu tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng thì đến năm 2038, với quy mô GDP dự kiến đạt 1.559 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan (1.313 tỷ USD), Singapore (896 tỷ USD), Philippines (1.536 tỷ USD) để lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Còn xét về GDP (theo PPP - sức mua tương đương), theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2022, Indonesia là quốc gia có quy mô GDP (PPP) lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 4.036 tỷ USD, Thái Lan khoảng 1.482 tỷ USD và Việt Nam xếp thứ 3 với quy mô GDP (PPP) - đạt khoảng 1.321 tỷ USD.

Theo sau là Philippines với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.170 tỷ USD. Malaysia xếp thứ 5 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.134 tỷ USD. GDP (PPP) Singapore đạt khoảng 719,08 tỷ USD, xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á.

Chỉ tiêu kinh tế Việt Nam năm 2024

Theo Nghị quyết 103/2023/QH15, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2024 được đặt ra như sau:

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 - 6,5%.

- GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 đô la Mỹ (USD).

- Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%.

- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0 - 4,5%.

- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%.

- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%

- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%.

- Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ.

- Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh.

- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số.

- Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%.

- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.

- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.

Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/kinh-te-viet-nam-nam-2023-xep-hang-bao-nhieu-tren-the-gioi-a13354.html