Vay đáo hạn ngân hàng là gì? Pháp luật quy định thế nào về vay đáo hạn? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Đáo hạn là một thuật ngữ để chỉ ngày đến hạn, sắp hết thời hạn theo hợp đồng, thanh toán hợp đồng hay trả nợ khi vay vốn ngân hàng. Ngày đáo hạn là ngày cuối cùng phải trả hoàn tất số tiền đã vay. Ngày đáo hạn sẽ được quy định theo hợp đồng đã ký kết với ngân hàng.
Hiện nay pháp luật không có quy định về vay đáo hạn nhưng có thể hiểu vay đáo hạn là hình thức mà ngân hàng tiếp tục cho vay khoản vay mới khi đã hết hạn vay của khoản vay cũ dù khách hàng vẫn chưa trả hết nợ của khoản vay cũ tại tổ chức này.
Hiện hành, tại các khoản 5 Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN) quy định cấm về vay đáo hạn ngân hàng như sau:
Tổ chức tín dụng không được cho vay đối với nhu cầu vốn: Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, khi đáo hạn ngân hàng có thể lựa chọn thực hiện hình thức cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Theo đó, tại khoản 10 Điều 2 và Điều 19 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ là việc tổ chức tín dụng chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ như sau:
- Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc tổ chức tín dụng chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay của kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận (bao gồm cả trường hợp không thay đổi về số kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận), thời hạn cho vay không thay đổi;
- Gia hạn nợ là việc tổ chức tín dụng chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, vượt quá thời hạn cho vay đã thoả thuận.
Tổ chức tín dụng xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, như sau:
- Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi.
- Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.
- Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận.
Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/vay-dao-han-ngan-hang-la-gi-phap-luat-quy-dinh-the-nao-ve-vay-dao-han-a13307.html