Cập nhập: 1/2/2024 9:14:18 AM - Công ty luật Dragon
“Em chào luật sư, em đi vay ở ngân hàng nhưng bị thông báo lại là từ chối do bị nợ chú ý từ khoản nợ trả góp ngày xưa. Vậy luật sư cho em hỏi nợ chú ý là gì và nợ này khi nào được xoá? Em cảm ơn luật sư”.
Nợ chú ý là một trong 5 nhóm nợ quá hạn và có số lượng người mắc phải tương đối cao. Theo điểm b khoản 1, khoản 2 và khoản 3 điều 10 thông tư 02/2013/TT-NHNN, nợ chú ý là nợ nhóm 2 với những đặc điểm sau:
Điều 10. Phân loại nợ và cam kết ngoại bảng theo phương pháp định lượng
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ (trừ các khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng) theo 05 nhóm như sau:
…
b) Nhóm 2 (Nợ cần chú ý) bao gồm:
(i) Nợ quá hạn từ 10 ngày đến 90 ngày;
(ii) Nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu;
(iii) Nợ được phân loại vào nhóm 2 theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn trong các trường hợp sau đây:
a) Đối với nợ quá hạn, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại lại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn (kể cả nhóm 1) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
(i) Khách hàng đã trả đầy đủ phần nợ gốc và lãi bị quá hạn kể cả lãi áp dụng đối với nợ gốc quá hạn) và nợ gốc và lãi của các kỳ hạn trả nợ tiếp theo trong thời gian tối thiểu 03 (ba) tháng đối với nợ trung và dài hạn, 01 (một) tháng đối với nợ ngắn hạn, kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn;
(ii) Có tài liệu, hồ sơ chứng minh việc khách hàng đã trả nợ;
(iii) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có đủ cơ sở thông tin, tài liệu đánh giá khách hàng có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn.
b) Đối với nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại lại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn (kể cả nhóm 1) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
(i) Khách hàng đã trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại trong thời gian tối thiểu 03 tháng đối với nợ trung và dài hạn, 01 (một) tháng đối với nợ ngắn hạn, kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn được cơ cấu lại;
(ii) Có tài liệu, hồ sơ chứng minh việc khách hàng đã trả nợ;
(iii) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có đủ cơ sở thông tin, tài liệu để đánh giá khách hàng có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn đã được cơ cấu lại.
3. Nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn trong các trường hợp sau đây:
a) Xảy ra các biến động bất lợi trong môi trường, lĩnh vực kinh doanh tác động tiêu cực trực tiếp đến khả năng trả nợ của khách hàng (thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, môi trường kinh tế);
b) Các chỉ tiêu về khả năng sinh lời, khả năng thanh toán, tỷ lệ nợ trên vốn, dòng tiền, khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm liên tục hoặc có biến động lớn theo chiều hướng suy giảm qua 03 lần đánh giá, phân loại nợ liên tục;
c) Khách hàng không cung cấp đầy đủ, kịp thời và trung thực các thông tin tài chính theo yêu cầu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng.
d) Khoản nợ đã được phân loại vào nhóm 2, nhóm 3, nhóm 4 theo quy định tại điểm a, b và c khoản này từ 01 (một) năm trở lên nhưng không đủ điều kiện phân loại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn.
đ) Nợ mà hành vi cấp tín dụng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật
Vay tín chấp là hình thức vay vốn không cần tài sản đảm bảo, dựa hoàn toàn vào uy tín của cá nhân về năng lực trả nợ để cho vay nhằm phục vụ cho các mục đích nhỏ như tiêu dùng. Nếu không may bị rơi vào nhóm nợ chú ý, hầu như bạn sẽ không thể vay tín chấp tại các ngân hàng bởi các nhà băng sẽ hạn chế cho vay người có lịch sử tín dụng xấu nhằm kiểm soát rủi ro. Trong trường hợp này, thường chỉ có một số công ty tài chính sẽ cho vay cho cho các bạn, tuy nhiên với hạn mức rất thấp và lãi suất cao.
Nợ chú ý là một trong những lịch sử tín dụng xấu, nó sẽ được lưu giữ trong hệ thống CIC trong một khoảng thời gian nhất định, kể cả khi hoàn thành nghĩa vụ nợ. Theo quy định của hiện nay, nợ chú ý sẽ được xóa khỏi hệ thống CIC sau 12 tháng kể từ ngày thanh toán đầy đủ nợ gốc và lãi. Sau thời gian xoá lịch sử tính dụng xấu, bạn có thể tiếp tục vay vốn tại các ngân hàng và tổ chức tài chính như bình thường.
Để kiểm tra nợ chú ý, bạn có thể sử dụng dịch vụ tra cứu hồ sơ tín dụng cá nhân của CIC. Cách để đăng ký và tra cứu báo cáo tín dụng cá nhân của CIC như sau
Bước 1: Truy cập trang website cic.org.vn hoặc tải ứng dụng CIC Mobile và chọn mục "Đăng ký"
Trang web TRUNG TÂM THÔNG TIN TÍN DỤNG QUỐC GIA VIỆT NAM
Bước 2: Nhập đầy đủ thông tin cá nhân để đăng ký tài khoản của bạn.
Giao diện đăng ký tài khoản CIC
Bước 3: Hoàn tất quá trình đăng nhập bằng cách nhập mã OTP được gửi đến số điện thoại đã đăng ký.
Bước 4: Chờ xác nhận từ CIC, thường mất từ 1 đến 3 ngày. Sau khi được CIC xác nhận tài khoản, bạn sẽ nhận được email xác nhận thông tin của mình.
Bước 5: Sau khi thông tin được xác nhận, bạn đăng nhập lại và truy cập mục "Khai thác báo cáo" để kiểm tra thông tin về nợ chú ý của bạn.
Trên đây là toàn bộ giải đáp của Luật Dragon cho thắc mắc “Nợ chú ý là gì?” và những thông tin liên quan đến nợ nhóm 2 này. Hy vọng rằng, với những kiến thức trong bài viết, bạn sẽ có những quyết định tài chính phù hợp cho bản thân mình.
Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/no-chu-y-la-gi-no-chu-y-co-vay-tin-chap-duoc-khong-a13073.html