Sức ép của thị trường đang gia tăng đòi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá, trong bối cảnh các nhà giao dịch đặt cược rằng khoảng cách rộng giữa lãi suất ở Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến ngày càng có nhiều nhà đầu tư rút vốn khỏi nhân dân tệ.
Từ đầu năm đến nay, PBOC đã duy trì tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ ở mức cao, trong một khoảng hẹp bất thường từ 7,09-7,11 nhân dân tệ đổi 1 USD. Tuy nhiên, gần đây, đồng nhân dân tệ trên thị trường giao ngay có lúc được giao dịch ở mức thấp hơn tới 2% so với tỷ giá tham chiếu - đồng nghĩa mức thấp nhất trong biên độ cho phép. Đây là lần đầu tiên trong vòng 8 năm trở lại đây, tỷ giá nhân dân tệ kịch sàn - phản ánh áp lực bán trên thị trường đang lớn.
Theo tờ Financial Times, thị trường đang gây áp lực làm suy yếu nhân dân tệ để phản ánh khoảng cách lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - hiện đang ở mức gần 4,6% - với lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc cùng kỳ hạn - hiện đang ở mức chỉ 2,3%. Theo quy luật kinh tế, dòng vốn thường có khuynh hướng chảy khỏi những thị trường lãi suất thấp sang các thị trường có lãi suất cao hơn.
“Nhiều nhà giao dịch đang kỳ vọng tỷ giá đồng nhân dân tệ bị đánh tụt một lần, tương tự như đã xảy ra vào năm 2015, do áp lực giảm đang rất lớn sau thời gian tích tụ suốt mấy tháng qua”, một nhà giao dịch tiền tệ ở Thượng Hải phát biểu.
Năm 2015, Trung Quốc bất ngờ phá giá nhân dân tệ, khi nhà chức trách nước này ở thời điểm đó đánh giá rằng tỷ giá đồng nội tệ quá cao so với giá trị thực. Động thái của PBOC ngay lập tức dẫn tới biến động mạnh trên thị trường tài chính, bao gồm các quỹ đầu tư trên toàn cầu bán tháo nhân dân tệ, các dòng vốn chảy mạnh khỏi Trung Quốc và cú giảm trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối của nước này do PBOC can thiệp để ổn định thị trường.
HIện tại, PBOC lưỡng lự với việc cho phép tỷ giá biến động mạnh, và thay vào đó ưu tiên sự ổn định. Đầu năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập đến “một đồng tiền mạnh” là một trong những ưu tiên hàng đầu khi bước sang năm mới, như một phần trong kế hoạch củng cố địa vị của Trung Quốc với tư cách một cường quốc tài chính. Một đồng nhân dân tệ mất giá sẽ có ảnh hưởng to lớn đối với thương mại toàn cầu, thậm chí có thể đẩy cao căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington vì làm gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Lãi suất cao ở các nền kinh tế phương Tây, đặc biệt là Mỹ, gần đây đã dẫn tới sự sụt giảm thậm chí còn mạnh mẽ hơn ở tỷ giá các đồng tiền châu Á khác so với đồng USD. Tỷ giá nhân dân tệ so với USD đã giảm khoảng 2% từ đầu năm đến nay, trong khi đồng yên Nhật Bản đã giảm hơn 11% và đồng won Hàn Quốc đã giảm hơn 5%. Cả hai nước này đều là đối thủ cạnh tranh thương mại với Trung Quốc.
Giới phân tích hiện có quan điểm thiếu nhất quán về việc liệu tỷ giá đồng nhân dân tệ sắp tới sẽ diễn biến thế nào.
“Các nhà đầu cơ giá xuống đồng nhân dân tệ vẫn đang chiếm ưu thế trên thị trường ở thời điểm này”, chiến lược gia ngoại hối Tiffany Wang của ngân hàng JPMorgan Chase nhận định. Những nhà đầu tư đồng tình với quan điểm này nhấn mạnh vào khoảng cách lãi suất giữa Mỹ với Trung Quốc.
Theo dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu hạ lãi suất trong năm nay, nhưng theo bà Wang, với tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed nhiều khả năng sẽ chậm, lãi suất ở Mỹ sẽ còn cao hơn so với lãi suất của Trung Quốc trong tương lai gần. Trái lại, PBOC đã tuyên bố sẽ giữ lãi suất ở mức thấp hoặc giảm lãi suất nếu cần thiết để ứng phó với tình trạng èo uột của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và trong lúc cuộc khủng hoảng bất động sản còn tiếp diễn.
Ngoài ra, một số nhà giao dịch còn tin rằng đồng nhân dân tệ có thể đương đầu áp lực giảm giá nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay và tiến hành áp thuế quan mạnh tay lên hàng hoá Trung Quốc.
Tuần này, Phó giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Gita Gopinath, đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh xem xét cho phép tỷ giá hối đoái biến động linh hoạt hơn, nói rằng việc này “sẽ làm giảm rủi ro giảm phát và giúp hấp thụ các cú sốc bên ngoài”.
Tuy nhiên, bất chấp áp lực thị trường, PBOC vẫn chưa đưa ra bất kỳ tín hiệu nào về thay đổi chính sách tỷ giá. Trong báo cáo hàng quý về chính sách tiền tệ mới nhất công bố hồi đầu tháng này, PBOC cho biết sẽ “điều chỉnh một cách dứt khoát các hành vi thuận chu kỳ trên thị trường ngoại hối và đề phòng nguy cơ điều chỉnh quá mức tỷ giá hối đoái”.
Chiến lược gia Kevin Liu tại công ty CICC cho rằng một tín hiệu lẫn lộn sẽ được gửi đi nếu Trung Quốc làm suy yếu đồng nhân dân tệ trong lúc nước này tăng cường hoạt động đầu tư của chính quyền trung ương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông Liu nhận định việc Bắc Kinh phát hành trái phiếu dài hạn gần đây sẽ mang lại “chất xúc tác tích cực” để hỗ trợ đồng nhân dân tệ, vì chi tiêu của chính phủ trung ương nhiều hơn sẽ hỗ trợ nền kinh tế trong trung hạn.
Ông Chen Long, nhà đồng sáng lập công ty tư vấn Plenum có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định từ góc độ thương mại đơn giản, đồng nhân dân tệ ở thời điểm hiện tại không phải là được định giá quá cao. “Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc rất mạnh và đồng nhân dân tệ thường tăng so với đồng USD trong những trường hợp như vậy”, ông Chen nói.
Một nhà giao dịch tiền tệ tại một ngân hàng thương mại quốc doanh ở Bắc Kinh cho biết PBOC đang cân nhắc cách giải phóng áp lực thị trường dồn nén lên đồng nhân dân tệ, chẳng hạn bằng cách cho phép tỷ giá tham chiếu giảm dần. Các nhà giao dịch của công ty Citic Securities tin rằng PBOC có thể dần giảm tỷ giá tham chiếu xuống mức 7,11-7,12 nhân dân tệ/USD trong những tuần tới, đồng thời tránh mọi chuyển động mạnh.
Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/trung-quoc-chong-lai-ap-luc-mat-gia-nhan-dan-te-nhip-song-kinh-te-viet-nam-the-gioi-a12932.html