U xơ tử cung (còn gọi là nhân xơ tử cung, u cơ tử cung) là khối u vùng chậu phổ biến nhất. U xơ tử cung thường xuất hiện ở cơ tử cung, lành tính., do sự phát triển quá mức cuả sợi cơ trơn và mô liên kết. Tùy theo vị trí, u xơ tử cung có thể được phân thành 4 loại:
- U xơ dưới thanh mạc: phát sinh ở phần thân của tử cung, có thể có cuống hoặc không, thường chèn ép vào các tạng xung quanh và làm di chuyển vị trí của buồng trứng.
- Unằm trong lớp cơ tử cung: khối u phát triển trong lớp cơ tử cung có thể làm buồng tử cung to lên và biến dạng.
- U xơ dưới niêm mạc: Khối u có cuống ở dưới niêm mạc tử cung, gây biến chứng rong kinh, hoại tử niêm mạc, hình thành các polyp buồng tử cung.
- U xơ cổ tử cung và dây chằng rộng: Phát triển tại thành sau cổ tử cung, hố chậu, gây chèn ép vào trực tràng và các cơ quan lân cận.
Dấu hiệu nhận biết u xơ tử cung
Thông thường khối u xơ được phát hiện khi chị em đi khám phụ khoa định kì hoặc siêu âm. Một số khác tình cờ phát hiện bệnh khi thăm khám hiếm muộn.
Tuy nhiên, hầu hết nhân xơ tử cung không gây ra bất kỳ triệu chứng nào và không cần điều trị gì thêm ngoài việc theo dõi thường xuyên bởi các bác sĩ sản khoa. Đối với những khối u xơ lớn có thể khiến bạn gặp nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm:
- Kinh nguyệt nhiều hoặc chu kỳ kinh kéo dài; đây là triệu chứng hay gặp nhất
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều; chảy máu giữa các kỳ kinh hay khi giao hợp
- Đau và áp lực vùng chậu; đôi khi chỉ có cảm giác đầy bụng, chướng bụng khối u có kích thước lớn, bị xoắn, có cuống có thể bị hoại tử gây chảy máu, viêm vùng chậu
- Đi tiểu khó, bí tiểu; táo bón; kích thước khối u lớn chèn lên bàng quang, trực tràng
- Khí hư ra nhiều; gây viêm nhiễm phụ khoa
- Khó mang thai; hay sảy thai, sanh non... do khối u làm biến dạng tử cung sẽ cản trở việc thụ thai và trở thành nguyên nhân gây vô sinh.
Sau khi chị em trải qua thời kỳ mãn kinh, lượng hormone trong cơ thể suy giảm, do đó các triệu chứng của u xơ tử cung thường ổn định hoặc biến mất.
Nhìn chung, nhiều phụ nữ không phát hiện được bị u xơ tử cung, vì thế thăm khám khi có những triệu chứng cảnh báo kể trên hoặc khám phụ khoa định kỳ là cách duy nhất để tầm soát bệnh. Đối với những trường hợp bị u xơ tử cung, dù không có triệu chứng thì việc khám định kỳ vẫn cần thiết để đánh giá kích thước, số lượng khối u,... từ đó có phương án điều trị kịp thời, tránh để khối u phát triển gây biến chứng nguy hiểm
Đối tượng nào có nguy cơ bị u xơ tử cung?
U xơ tử cung là bệnh lý phụ khoa hay gặp của phụ nữ, đặc biệt trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, các chị em có các yếu tố sau thường dễ mắc bệnh hơn:
- Tuổi tác: ở độ tuổi 30, 40 và đến tuổi mãn kinh. Sau khi mãn kinh, u xơ ít hình thành hơn, hoặc nếu trước đó có u xơ thì khối u có xu hướng nhỏ dần.
- Tiền sử: Mẹ hay chị em gái ruột bị u xơ tử cung thì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu người mẹ bị u xơ tử cung, nguy cơ mắc phải của con gái sẽ cao hơn 3 lần so với mức trung bình. Bản thân người phụ nữ nếu dậy thì sớm hoặc không mang thai sẽ tăng nguy cơ bị u xơ tử cung hơn
- Nguồn gốc dân tộc: Theo nghiên cứu phụ nữ Mỹ gốc Phi có nhiều khả năng bị nhân xơ tử cung cao hơn so với phụ nữ ở các sắc tộc khác.
- Béo phì: Phụ nữ thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn mức trung bình từ hai đến ba lần.
Liệu u xơ tử cung có tự khỏi không?
U xơ có thể teo lại ở một số phụ nữ sau khi mãn kinh. Điều này xảy ra do sự suy giảm nội tiết tố. Khi khối u xơ co lại, các triệu chứng của bạn có thể biến mất. Các khối u xơ nhỏ có thể không cần điều trị nếu chúng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
Khi nào cần điều trị u xơ tử cung?
Bệnh nhân bị u xơ tử cung tuyệt đối không được tự ý điều trị khi chưa có chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Dựa trên tình trạng u mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Nếu u xơ tử cung ở thể nhẹ, bệnh được phát hiện sớm thì chỉ cần uống thuốc nhằm khống chế và thu nhỏ các khối u, hạn chế các biến chứng gây ra khi u to hơn
Dũ xu hướng điều trị hiện nay là hạn chế phẫu thuật, tuy nhiên, rất nhiều trường hợp u xơ tử cung cần phải can thiệp ngoại khoa. Nguyên nhân là vì một số yếu tố sau:
- U xơ tử cung làm khó có thai hoặc dễ sảy, có thể gây sảy thai liên tiếp
- Gây rong kinh, băng huyết: U xơ tử cung khiến các niêm mạc dễ bị tổn thương, làm rong kinh, băng huyết.
- Đau bụng nhiều do các khối u xoắn lại, hoại tử, nhiễm trùng
- Khi các khối u đã phát triển lớn, lúc này các cơ quan xung quanh tử cung cũng bị tác động như bàng quang gây tiểu rắt, tiểu khó, đại tràng gây táo bón
- Bệnh nhân đã mãn kinh nhưng khối u không nhỏ đi mà to nhanh
- Nếu gặp phải các trường hợp trên, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện phẫu thuật nhằm can thiệp trực tiếp vào các u xơ, giảm thiểu triệu chứng của bệnh và ngăn không cho u xơ tử cung tái phát, tỷ lệ bảo tồn được tử cung.
Có các phương pháp phẫu thuật u xơ tử cung nào?
Phẫu thuật u xơ tử cung sẽ dựa trên kích thước, vị trí và tình trạng bệnh để có phương pháp thích hợp. Hiện nay, u xơ tử cung được can thiệp thông qua nút mạch hoặc phẫu thuật. Nút mạch là phương pháp chặn các động mạch nuôi u xơ tử cung và chỉ thực hiện với phụ nữ đã sinh đẻ. Phương pháp phẫu thuật phổ biến là mổ hở, phẫu thuật nội soi và nội soi bằng robot.
- Mổ hở: Bác sĩ sau khi gây mê sẽ rạch từ thành bụng để tiếp cận khối u. Các khối u được bóc tách ra khỏi tử cung và khâu vết thương.
- Mổ nội soi: Với các u xơ tử cung dưới phúc mạc hoặc trong cơ tử cung, kích thước phù hợp sẽ được mổ nội soi. Tương tự như mổ hở, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân, sau đó đưa đèn soi và dụng cụ phẫu thuật chuyên dụng vào tử cung. Khi đã xong việc phẫu thuật, bác sĩ đóng vết mổ và sát trùng. Phẫu thuật nội soi giúp khắc phục những nhược điểm của mổ hở như: tính thẩm mỹ cao, ít chảy máu và xâm lấn, hạn chế biến chứng, thời gian hồi phục nhanh.
- Mổ qua ngả âm đạo, soi buồng tử cung: đối với những bệnh nhân có u xơ dưới niêm có thể can thiệp bằng cách soi buồng tử cung, đưa dụng cụ qua âm đạo vào buồng tử cung để cắt khối u mà không cần tạo đường mổ bằng rạch da. Hoặc một số bệnh nhân có thể cắt tử cung đường âm đạo nếu có chỉ định, đảm bảo thẩm mĩ, không có sẹo trên thành bụng.
Tóm lại, u xơ tử cung là bệnh lý phổ biến đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Ngoài việc tự theo dõi và phát hiện các triệu chứng như đã nêu ở trên, các chị em cần có kế hoạch khám phụ khoa định kì để phát hiện và điều trị sớm, tránh các tổn thương và biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Người viết: Đinh Thị Lan Hương
Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc - Quý 1/2024
Nguồn tham khảo:
- Hướng dẫn điều trị 2020, Bệnh viện Hùng Vương, sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh
- https://www.acog.org/womens-health/faqs/uterine-fibroids
- https://www.eshre.eu/-/media/sitecore-files/SIGs/Surgery/Endoscopy/Feb-2010/Campo.pdf
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5854898/
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9130-uterine-fibroids
- https://www.ucsfhealth.org/conditions/fibroids
- https://www.brighamandwomens.org/obgyn/infertility-reproductive-surgery/cysts-and-fibroids/non-surgical-fibroid-treatment
- https://www.webmd.com/women/uterine-fibroids/understanding-uterine-fibroids-treatment
- Nguồn ảnh: https://youmed.vn/tin-tuc/u-xo-co-tu-cung-co-gay-nguy-hiem-cho-thai-ki/
Bài viết khác
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)
- BỆNH HO GÀ - Những điều cần biết và các biện pháp phòng bệnh (31-07-2024)
- Tất tần tật những điều cần biết về cấy que tránh thai (24-07-2024)
- Que tránh thai hiệu quả đến 99,95% và chỉ 1 lần cấy bảo vệ đến 3 năm (24-07-2024)