Trong tháng 7, 18 ngân hàng điều chỉnh tăng biểu lãi suất, ở mức từ 0,1 đến 1,3 điểm %/năm gồm: SHB, ABBank, BVBank, Bac A Bank, KLBank, Saigonbank, BIDV, PVCombank, Vietbank, PGBank, MB, VIB, VPBank, Sacombank, GPBank, NCB, SeABank, BaoViet Bank.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất lên tới 6,2%/năm
Trong thông báo mới nhất, SHB điều chỉnh tăng thêm 0,2 điểm %/năm với các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn 1-5 tháng trên kênh online.
Sau điều chỉnh, lãi suất tiền gửi online 1-5 tháng tại nhà băng này dao động quanh mức 3,5-3,6%/năm. Lãi suất huy động cao nhất được ngân hàng này chi trả cho các khách hàng cá nhân hiện nay lên tới 6,1%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 36 tháng trở lên.
Khảo sát trên toàn thị trường, mốc 6%/năm nằm trong nhóm lãi suất cao nhất khách hàng có thể nhận.
Các ngân hàng thương mại tư nhân khác đang niêm yết lãi suất huy động tối đa từ 6%/năm trở lên tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn dài. Như HDBank trả lãi suất lên tới 6-6,1%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 15-18 tháng trên kênh online. BVBank cũng trả lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18-60 tháng; OCB trả mức lãi suất tương tự nếu khách gửi tiền 36 tháng; NCB và OceanBank cùng trả lãi suất 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18 tháng trở lên.
SeABank trả lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 15-36 tháng, với điều kiện gửi 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng. Trường hợp khách hàng gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, nhà băng này chấp nhận trả mức lãi suất lên đến 6,2%/năm.
ABBank là đơn vị tăng lãi suất đầu vào mạnh nhất hệ thống trong tháng 7, với mức điều chỉnh từ 0,6 đến 1,3 điểm %/năm cho các khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 3 tháng. Gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng này nhận lãi suất 6,2%/năm.
Diễn biến tăng lãi suất chủ yếu tại nhóm ngân hàng tư nhân. Còn với nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, lãi suất tiết kiệm vẫn ở vùng đáy, chưa có điều chỉnh trong tháng 7.
Lãi suất sẽ còn tăng tiếp?
Chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định: "Lãi suất là chỉ báo quan trọng cho toàn bộ thị trường tài chính".
Sau thời gian lãi suất tiền gửi tăng vọt vào cuối 2022, từ giữa năm ngoái, mức lãi tiền gửi điều chỉnh giảm liên tục. Song từ đầu tháng 4, một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ dao động quanh 5%/năm, còn hiện tại là 6,2%/năm.
Xu hướng tăng diễn ra liên tục cho tới nay, đưa mặt bằng lãi suất lên cao nhất từ đầu năm. Ông Nghĩa cho rằng lãi suất sẽ còn tăng tiếp từ nay đến cuối năm.
"Không có yếu tố nào cho thấy lãi suất sẽ giảm", ông nói. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,5% so với cuối năm 2023 - mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Mức lãi suất điều tăng sẽ cải thiện phần nào số liệu này khi thu hút thêm tiền nhàn rỗi của người dân.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định cùng lãi suất huy động sẽ tăng tiếp trong những tháng cuối năm 2024. Theo ông, lãi suất tiết kiệm tăng phản ánh sự phục hồi ở các mặt của nền kinh tế, cũng là yếu tố cần thiết giúp tăng sức hút cho dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư để quay vòng, tiếp tục tạo ra nguồn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Hệ quả tất yếu của việc này là lãi suất cho vay có thể tăng theo, do lãi vay thường được các ngân hàng dựa theo lãi đầu vào cộng thêm với biên độ. Nhưng theo ông Thịnh, với độ trễ từ huy động đến cho vay thì lãi suất cho vay sẽ không tăng trong năm nay.
"Ngân hàng Nhà nước đã và đang khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm chi phí để mang đến mức lãi suất cho vay có lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Dưới chủ trương này, lãi suất cho vay được kỳ vọng tiếp tục giảm hoặc chí ít là bình ổn trong giai đoạn cuối năm nay", ông Thịnh nói.
Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/lai-suat-tiet-kiem-len-cao-nhat-tu-dau-nam-gui-tien-sao-cho-loi-nhat-a12732.html