II. Tác phẩm
1. Tóm tắt tác phẩm
Bài bút kí ca ngợi vẻ đẹp của sông Hương gắn liền với xứ Huế mơ mộng, đi vào lòng người với truyền thống lịch sử nơi đây.
Lúc ở thượng nguồn, sông Hương có vẻ đẹp mãnh liệt và hoang dại, có nhiều ghềnh thác đáy vực bí ẩn. Có thể xem sông Hương như "bản trường ca của rừng già".
Lúc về đồng bằng, sông Hương thơ mộng làm say đắm lòng người. Hai bên bờ sông Hương chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên. Dòng sông mềm như tấm lụa uốn cong, cảnh đẹp như bức tranh có đường nét, hình khối trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lưu Bảo. Sông Hương có vẻ đẹp da màu biến ảo: sớm xanh, trưa vàng, chiều tím.
Lúc qua thành phố Huế, sông Hương trôi đi thực chậm, chảy lặng lờ như điệu slow. Sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Trên sông vọng lại tiếng hát trong một khoang thuyền nào đó. Sông Hương mang vẻ đẹp vừa trữ tình, vừa trầm mặc gắn liền với lịch sử bi tráng của dân tộc mà trên thế giới không có dòng sông nào như thế. Và trước về với biển sông Hương lưu luyến tình cảm với thành phố Huế ví như nỗi vấn vương của nàng Kiều với Kim Trọng.
2. Tìm hiểu chung
a. Xuất xứ
- Ai đã đặt tên cho dòng sông? là bài bút kí xuất sắc, viết tại Huế, ngày 4/1/1981, in trong tập sách cùng tên.
- Bài bút kí có ba phần:
+ Phần một nói về cảnh quan thiên nhiên của sông Hương
+ Phần 2 và 3 là phương diện lịch sử và văn hóa của sông Hương
- Đoạn trích này nằm ở phần một cộng với lời kết của tác phẩm.
b. Bố cục (2 phần)
- Phần 1 (từ đầu … "quê hương xứ sở"): hành trình của dòng sông Hương
- Phần 2 (còn lại): sông Hương của lịch sử, thơ ca
3. Tìm hiểu chi tiết
a. Vẻ đẹp đa chiều của dòng sông Hương
- Vẻ đẹp dưới góc nhìn địa lý:
+ Ở thượng nguồn: sông Hương vừa mang vẻ đẹp phóng khoáng, man dại, bản lĩnh, tự do (một trường ca, rầm rộ, mãnh liệt, cuộn xoáy, cô gái Di-gan, bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do, trong sáng) vừa thơ mộng, trữ tình (dịu dàng và say đắm giữa… đỗ quyên rừng).
+ Ở ngoại vi thành phố: sông Hương mang nhiều vẻ đẹp phong phú như thơ mộng, trữ tình (người gái đẹp nằm ngủ mơ màng… đầy hoa dại); chủ động, mãnh liệt, duyên dáng với hành trình tìm kiếm tình yêu (chuyển dòng liên tục, vòng giữa, uốn mình, chuyển hướng, vòng qua, đột ngột vẽ, ôm lấy,…); trầm mặc, cổ kính (Giữa đám quần sơn… như triết lý, như cổ thi); bình dị (mặt nước phẳng lặng… bát ngát tiếng gà).
+ Ở trong thành Huế: thủy chung, chỉ thuộc về một thành phố duy nhất là Huế; sông Hương mang vẻ đẹp tình tứ, duyên dáng, vui tươi của cô gái gặp người tình nhân mong đợi (kéo nét thẳng thực yên tâm, vui tươi hơn, uốn cánh cung rất nhẹ… tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu); có điệu chảy slow tình cảm dành riêng cho Huế.
- Vẻ đẹp dưới góc nhìn lịch sử: chứng nhân lịch sử, gắn bó với mọi biến cố của Huế (dòng sông biên thùy thời vua Hùng, dòng sông viễn châu oanh liệt thời trung đại, dòng sông vẻ vang thời Nguyễn Huệ, dòng sông bi tráng thời kì cách mạng tháng Tám).
- Vẻ đẹp dưới góc nhìn âm nhạc, thơ ca: sông Hương là cái nôi của âm nhạc cổ điển Huế; dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ (mang nhiều sắc thái khác nhau trong thơ Tản Đà, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Tố Hữu…).
- Nghệ thuật khắc họa hình tượng sông Hương: ngôn ngữ giàu hình tượng; văn phong mê đắm tài hoa; chất trí tuệ và chất trữ tình hài hòa thống nhất; am hiểu nhiều lĩnh vực như địa lý, lịch sử, âm nhạc, thơ ca; cảm xúc dạt dào, tha thiết; cái tôi trữ tình hấp dẫn, lôi cuốn.
b. Giá trị nội dung
- Đoạn trích bài bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? là đoạn văn xuôi súc tích và đầy chất thơ về sông Hương.
c. Giá trị nghệ thuật
- Ngôn ngữ phong phú, giàu hình ảnh, bộc lộ cảm xúc, sử dụng nhiều biện pháp như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa.
- Có sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, chủ quan và khách quan. Chủ quan là sự trải nghiệm của bản thân. Khách quan là đối tượng miêu tả - dòng sông Hương.
Sơ đồ tư duy - Ai đã đặt tên cho dòng sông
Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/ai-da-dat-ten-cho-dong-song-hoang-phu-ngoc-tuong-a12209.html