Bối cảnh đất nước và ý chí, khát vọng thống nhất Tổ quốc sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954

Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ 1954 về chấm dứt chiến sự, lập lại hòa bình ở Đông Dương là thắng lợi vô cùng to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mới giành được thắng lợi một nửa: Miền Bắc đã được giải phóng nhưng ở miền Nam, chủ nghĩa thực dân mới đã dựng lên chế độ Sài Gòn, phủ nhận Hiệp định Giơnevơ, chia cắt lâu dài đất nước. Bởi vậy, Nhân dân Việt Nam lại tiếp tục sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nhằm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và cuộc đấu tranh đó diễn ra trong bối cảnh lịch sử mới.

Bối cảnh đất nước và ý chí, khát vọng thống nhất Tổ quốc sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954

Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sỹ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương. (Ảnh tư liệu)

Bối cảnh lịch sử sau Hiệp định Giơnevơ

Tình hình trong nước

Kết thúc cuộc kháng chiến, lập lại hòa bình

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được kí kết đã kết thúc cuộc chiến tranh 9 năm, lập lại hòa bình cho cả Đông Dương và Việt Nam. Đất nước Việt Nam bước vào thời kỳ lịch sử mới, từ trạng thái chiến tranh sang hòa bình tạo ra cục diện mới cho cách mạng cả nước. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ khi ra thời đã đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong 9 năm chiến đấu vô cùng ác liệt đó, nhân tài, vật lực đất nước tập trung lại để thực hiện nhiệm vụ cao cả nhất là đánh thắng kẻ thù, bảo vệ nền độc lập và nhà nước dân chủ nhân dân non trẻ.

Hiệp định Giơnevơ đã tạo điều kiện thuận lợi cho miền Bắc xây dựng, củng cố chế độ mới, nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc thay bằng kiến quốc, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thời gian để củng cố thể chế trong hòa bình. Môi trường mới đã tạo điều kiện để Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xây dựng, phát triển nền dân chủ nhân dân một cách toàn diện; xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc, thành nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.Đánh giá hoàn cảnh lịch sử mới, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ phương lược mới là cả nước thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ.

Hiệp định Giơnevơ đã đáp ứng nguyện vọng tha thiết, khát khao hòa bình của Nhân dân cả nước và chính nó đã chi phối hình thức cũng như nhịp điệu đấu tranh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này. Đất nước chia làm hai miềnHiệp định Giơnevơ đã quy định lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời cho hai miền Nam - Bắc trước khi hiệp thương thống nhất đất nước vào giữa năm 1956. Nhưng đối phương đã lấy vĩ tuyến 17 thành nơi chia cắt đất nước lâu dài. Từ đó, hai miền đã xây dựng hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong khi đó ở miền Nam trở thành thuộc địa của chủ nghĩa thực dân mới Hoa Kỳ, theo con đường chủ nghĩa tư bản, đối lập với hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Đánh giá tình hình mới, trong cuộc họp Bộ Chính trị (05-9-1954) đã phân tích đặc điểm mới của cách mạng Việt Nam là đất nước tạm thời chia làm hai miền theo hai chế độ khác nhau. Thực trạng hai vùng miền này khác với hiện tượng phân vùng giải phóng và vùng địch kiểm soát tồn tại trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Theo đó, vùng giải phóng thường có vị trí ở địa bàn nông thôn, rừng núi; vùng đối phương kiểm soát ở đô thị, đồng bằng. Hai vùng chính trị này tồn tại đan xen lẫn nhau (nên được ví như bản đồ lên sởi), sự phân chia này theo tiêu chí hoạt động quân sự. Nhưng từ khi thi hành Hiệp định Giơnevơ, việc chuyển quân tập kết theo hai vùng Nam - Bắc nên không còn hiện tượng đan xen giữa các vùng ta và địch.Hiệp định Giơnevơ quy định chuyển quân tập kết cho các bên tham chiến, dẫn tới sự quy tụ lực lượng các bên về hai bờ giới tuyến khác nhau. Sau tháng 7 năm 1954, khoảng 170.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Quân - Dân - Chính - Đảng ở miền Nam tập kết ra Bắc. Họ là lực lượng nòng cốt trong cuộc cuộc kháng chiến của Nhân dân ở miền Nam. Cùng với việc chuyển quân tập kết, chính quyền kháng chiến các cấp ở miền Nam cùng giải thể và giao vùng giải phóng cho đối phương kiểm soát.

Ngược lại, khoảng 450.000 quân Pháp (bao gồm quân viễn chinh và lực lượng được gọi là quân đội quốc gia - ngụy quân) ở miền Bắc rút vào Nam. Đến cuối năm 1954, việc chuyển quân tập kết hoàn thành. Trên thực tế hai thể chế chính trị ở quy mô quốc gia tồn tại giữa hai miền Nam Bắc. Sau mấy năm khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, miền Bắc đã tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quan hệ mật thiết, hữu nghị với tất cả các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Là thành viên của các nước xã hội chủ nghĩanên miền Bắc được hệ thống các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ mọi mặt trong công cuộc xây dựng, đấu tranh thống nhất nước nhà. Miền Bắc đã trở thành hậu phương của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng miền Nam.

Trong khi đó ở miền Nam, chính quyền Sài Gòn do Hoa Kỳ bảo trợ đã xây dựng chế độ được gọi là Việt Nam Cộng hòa. Họ tự nhận là nhà nước hợp hiến, hợp pháp, độc lập, dân chủ nhưng sự tồn vong của chế độ này thực chất hoàn toàn phụ thuộc Hoa Kỳ như sự thật lịch sử đã diễn ra trong vòng 21 năm (1954- 1975). Chính quyền Sài Gòn từ thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa đến Đệ nhị Cộng hòa chia cắt đất nước, quyết không thi hành Hiệp định Giơnevơ, tiến hành chống cộng, đàn áp, thủ tiêu đồng bào yêu nước ở miền Nam. Từ sự phân tuyến tạm thời qua Vĩ tuyến 17, hai miền Nam - Bắc xây dựng thể chế chính trị xã hội khác nhau rồi từng bước một các bên đã phát triển thể chế chính trị lên tầm quy mô quốc gia đối lập nhau. Hai chế độ trên tồn tại, đấu tranh với nhau như là một biểu hiện sinh động của thời kỳ chiến tranh lạnh. Đặc điểm chính trị trên đã đặt công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam vừa mang tính giải phóng dân tộc vừa mang yếu tố ý thức hệ sâu sắc.

Đối tượng đấu tranh mới

Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954), Mỹ từ chỗ ủng hộ thực dân Pháp mở rộng chiến tranh, đến cuối cùng Hoa Kỳ đã chi tới 80% chiến phí ở Đông Dương. Từ đó, Hoa Kỳ trở thành kẻ chi phối cuộc chiến tranh. Sau hiệp định Giơnevơ, dưới sức ép của Hoa Kỳ, Pháp buộc phải tuyên bố rút hết quân và không còn trách nhiệm chính trị đối đối với miền Nam Việt Nam (10-1955). Sự rút lui của Pháp đồng nghĩa với sự gia tăng vai trò của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam. Rồi qua vài ba sự kiện được dàn xếp công phu, Hoa Kỳ đã đưa Ngô Đình Diệm làm Tổng thống của chế độ được gọi là Việt Nam Cộng hòa. Dù Ngô Đình Diệm có muốn hay không, nhưng trên thực tế bộ máy chính quyền Sài Gòn hoàn toàn do Washington điều khiển. Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã chống phá, đàn áp phong trào đấu tranh đòi thống nhất Tổ quốc của Nhân dân miền Nam là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Như vậy, từ thế lực can thiệp vào phong trào giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam, Hoa Kỳ đã trở thành kẻ chủ mưu chia cắt Việt Nam và là đối tượng đấu tranh mới của Nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhân dân Việt Nam sớm nhận biết diện mạo kẻ thù mới. Đầu tháng 12 năm 1954, trong cuộc họp Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: kẻ thù mới của Nhân dân Việt Nam là Mỹ; nhiệm vụ của cách mạng là chĩa mũi nhọn vào Mỹ. Như vậy, với đối tượng đấu tranh mới, cách mạng Việt Nam phải đối diện với kẻ thù có tiềm lực quân sự, kinh tế khổng lồ. Hoa Kỳ là siêu cường số 1 về quân sự, có chiến lược toàn cầu, rắp tâm thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. Trong sự tính toán chiến lược đó, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã tập trung sức mạnh để ngăn chặn phong trào cộng sản, phong trào công nhân quốc tế.Chính phủ Hoa Kỳ phát động cuộc thánh chiến chống cộng, đẩy mạnh cuộc chiến tranh lạnh khắp toàn cầu. Trong mưu lược chung đó, từ thập kỷ 1950, với thuyết Domino của mình, Hoa Kỳ tập trung vào be bờ ngăn chặn làn sóng đỏ ở vùng Đông Nam Á. Trong khu vực này, nổi bật lên cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam, lực lượng đi tiên phong chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Tại miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ xây dựng chế độ Sài Gòn, quyết chia cắt hai miền đất nước. Mỹ áp dụng chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, gây dựng một chính phủ mang nhãn mác độc lập, tự do, dân chủ, tuy nhiên trên thực tế Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đều thực hiện chính sách tàn bạo, đàn áp phong trào đấu tranh đòi hòa bình thống nhất đất nước của Nhân dân. Đối diện với kẻ thù có sức mạnh quân sự và kinh tế khổng lồ nên công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà của Nhân dân Việt Nam phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ác liệt chưa từng có.

Bối cảnh quốc tế

Sau năm 1945, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc phát triển khắp mọi châu lục, được coi như một dòng thác cách mạng chống đế quốc, thực dân, cùng với phong trào không liên kết (KLK) của các quốc gia thuộc thế giới thứ 3 đã tác động tích cực đến công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam.Trong thời kỳ được gọi là chiến tranh lạnh, dù hai khối quốc gia đối nghịch nhưng vẫn tồn tại xu thế hòa hoãn. Thậm chí chủ trương chung sống hòa bình của một số Đảng cộng sản anh em đã dẫn đến cuộc tranh luận căng thẳng, gây bất hòa trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Là thành viên trong hệ thống xã hội chủ nghĩa nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quan hệ khăng khít với các nước cùng hệ thống, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc - hai nước lớn từng có những quan điểm chính trị khác nhau đối với phong trào cách mạng toàn thế giới nói chung và công cuộc giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam nói riêng; dù có những sự khác biệt nào đó nhưng có lúc hai nước lại chung quan điểm không muốn Nhân dân Việt Nam sử dụng bạo lực cách mạng để thực hiện giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.Nhưng với đường lối độc lập tự chủ, đoàn kết quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên cuối cùng cả Liên Xô và Trung Quốc đều ủng hộ công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà của Nhân dân Việt Nam. Đây là điều kiện căn bản, vô cùng quan trọng để Việt Nam hoàn thành con đường cách mạng: chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.Một yếu tố khác tác động to lớn đến cách mạng Việt Nam xuất phát từ tình hình chính trị và quan hệ giữa nhân dân 3 nước Đông Dương - những người từng sát cánh trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất (1945-1954). Nhưng sau năm 1954, bởi chính giới các quốc gia này tồn tại nhiều phe phái, tổ chức nên không phải lúc nào cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam cũng được các nước trong Đông Dương ủng hộ. Tuy nhiên, nét chủ đạo trong quan hệ giữa nhân dân 3 nước Việt - Lào - Campuchia là đoàn kết, dựa lưng vào nhau chống kẻ thù chung, giành độc lập, chủ quyền cho dân tộc mình.

Tóm lại, sau Hiệp định Giơnevơ tình hình trong nước và quốc tế có nhiều điểm khác trước. Nổi bật nhất là ở thời kỳ này, đất nước tạm chia làm hai miền với hai thể chế chính trị khác nhau và ở cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân mới hoàn thành ở miền Bắc. Nửa phần đất nước còn lại vẫn phải tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mà ở đó cuộc đấu tranh ý thức hệ bao trùm lên phong trào giải phóng. Công cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam sau tháng 7-1954 đã diễn ratrong khuôn khổ của chiến tranh lạnh. Ở đó, nguy cơ chiến tranh tổng lực hủy diệt nhân loại có thể bùng nổ bất cứ khi nào, vì thế bảo vệ hòa bình là ưu tiên hàng đầu của phong trào cách mạng thế giới. Tại Việt Nam, yêu cầu đó càng khắt khe hơn bởi có Hiệp định quốc tế Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương. Tuy nhiên, công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam nói chung, Nhân dân miền Nam nói riêng không thể thực hiện được nếu chỉ có đấu tranh chính trị với lực lượng chính trị thuần túy. Đặc điểm này đặt ra cho Nhân dân Việt Nam phải đứng lên chống Mỹ, cứu nước như thế nào cho phù hợp với xu thế hòa bình thế giới? Đối diện với Nhân dân Việt Nam là kẻ thù mới, có tiềm lực quân sự, kinh tế đứng đầu và luôn luôn áp đặt chiến lược toàn cầu của mình lên toàn thế giới. Trong khi đó, Việt Nam là nước nhỏ, lại bị chia cắt... bởi tất cả những lý do trên nên cuộc đấu tranh mới của Nhân dân cả nước sau Hiệp định Giơnevơ để thống nhất Tổ quốc sẽ gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ; công cuộc chống Mỹ, cứu nước sẽ diễn ra vô cùng ác liệt với sự hy sinh vô cùng to lớn, gấp nhiều lần so với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Khát vọng thống nhất Tổ quốc

Hiệp định Giơnevơ mang lại niềm tin to lớn cho Nhân dân hai miền Nam - Bắc: đất nước sẽ thống nhất sau tổng tuyển cử năm 1956. Đó là niềm tin, là cơ sở xác đáng bởi Hiệp định Giơnevơ là kết quả trực tiếp từ chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến anh dũng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam chống thực dân Pháp. Do đó, dù đất nước còn chia cắt nhưng đồng bào Nam - Bắc luôn đón chờ ngày thống nhất nước nhà.

Tuy nhiên, với âm mưu từ trước nên Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn quyết chia cắt lâu dài Việt Nam. Đối phương không những tuyệt thương tổng tuyển cử mà còn khủng bố, bắt bớ, thủ tiêu đồng bào đồng chí yêu nước ở miền Nam, những người đang khát khao thống nhất đất nước.

Từ giữa năm 1956, khi chính quyền Sài Gòn được sự đồng lõa của Hoa Kỳ đã cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử, chà đạp nguyện vọng thiêng liêng thống nhất đất nước của toàn thể Nhân dân Việt Nam. Cùng với việc củng cố quyền lực của mình ở miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn ngày càng trắng trợn phủ nhận Hiệp định Giơnevơ, không chịu thực hiện điều khoản hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, quyết chia cắt lâu dài Việt Nam.

Độc lập dân tộc, thống nhất giang sơn là nguyện vọng thiêng liêng của toàn thể Nhân dân Việt Nam. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử dân tộc. Vì độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc nên hàng vạn đồng bào đồng chí đã trải qua tranh đấu, hi sinh trong sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân suốt 1/4 thế kỷ (1930-1954). Vì thế, công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà trong 21 năm (1954-1975) là sự kế tục và phát huy cao độ tình cảm thiêng liêng của toàn dân tộc quyết chiến đấu với nghị lực phi thường để đánh đổ tất cả thế lực chia cắt đất nước.

Ngay từ buổi đầu có Hiệp định Giơnevơ, phong trào đấu tranh đòi hòa bình, thống nhất Bắc - Nam đã diễn ra sôi động khắp cả nước.

Tại miền Nam, các cuộc đấu tranh đòi tổng tuyển cử thống nhất đất nước diễn ra từ sớm, ngay sau khi hòa bình lập lại. Trong thời gian 300 ngày chuyển quân tập kết, các cuộc đấu tranh đòi Mỹ - Diệm phải tổ chức tuyển cử thống nhất nước nhà nổ ra khắp các tỉnh thành, đặc biệt ở Sài Gòn - Chợ Lớn, với hàng vạn đồng bào tham gia.

Trong thời gian này ở miền Bắc, hàng triệu người xuống đường biểu tình, tuần hành đòi chính quyền Sài Gòn phải thực hiện hiệp định, tổ chức bầu cử thống nhất đất nước như quy định của Hiệp định Giơnevơ.

Các phong trào đấu tranh chính trị như trên diễn ra liên tục suốt năm 1954, 1955, 1956. Đây là phong trào sôi động, rộng lớn, đồng đều khắp toàn quốc, chưa từng có trong lịch sử nước nhà.

Giữa năm 1956, thay vì tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất Bắc - Nam, thì chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức bầu cử riêng ở miền Nam để lập nên Việt Nam Cộng hòa. Đây là hành động đơn phương của Hoa Kỳ cùng với chính quyền Sài Gòn, xé bỏ Hiệp định Giơnevơ, cự tuyệt hiệp thương, chà đạp ý nguyện thống nhất non sông của Nhân dân cả nước.

Thực tế là nguyện vọng thiêng liêng của Nhân dân hai miền bị đối phương cự tuyệt, hơn thế nữa ở miền Nam Mỹ - Diệm phát động chiến dịch tố cộng, diệt cộng, khủng bố đồng bào những nơi gửi thư ra Bắc đề nghị Trung ương và Bác Hồ cho bộ đội vào đánh đổ chế độ Sài Gòn.

Quá trình xây dựng, củng cố chế độ Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam song song với chính sách đàn áp khủng bố Nhân dân yêu nước ở miền Nam - lực lượng luôn đấu tranh đòi thống nhất đất nước. Khi nguyện vọng chân chính thiêng liêng đó của Nhân dân miền Nam bị địch khủng bố, đàn áp, Nhân dân miền Nam và đồng bào cả nước phải đứng lên đập tan thế lực chia rẽ non sông, một lần nữa Nhân dân Việt Nam buộc phải cầm súng đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ để thống nhất đất nước.

Mốc khởi đầu của cuộc đấu tranh quyết liệt đó là phong trào Đồng khởi ở miền Nam năm 1959-1960. Với lực lượng chính trị là chủ yếu, đồng bào, đồng chí miền Nam đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến lần thứ hai và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam, chống lại kẻ thù hung bạo nhất thời đại trở nên vô cùng ác liệt.

Với tầm vóc cường quốc quân sự số 1 thế giới, với tiềm năng quân sự của mình, Hoa Kỳ đã sử dụng nhiều hình thái chiến tranh nhằm đè bẹp cuộc đấu tranh vì độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Nhân dân Việt Nam. Hoa Kỳ từng chắc mẩm sẽ đánh bại quốc gia xếp thứ bậc loại 4 như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi Nhân dân Việt Nam đứng lên đánh Mỹ và chính quyền Sài Gòn để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vượt mọi trở ngại khách quan, vượt sự toan tính của các nước lớn về cuộc chiến đấu của dân tộc Việt Nam, Nhân dân cả nước đồng lòng, quyết tâm đánh thắng giặc thù, giải phóng Tổ quốc.

Bởi Hoa Kỳ là cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới nên công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam diễn ra vô cùng cam go, quyết liệt, nhiều tổn thất. Nhưng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quật cường đấu tranh vì thống nhất Tổ quốc nên hàng triệu thanh niên miền Bắc đã lên đường chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu. Thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh đã vượt qua mọi thử thách quyết chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì miền Nam ruột thịt.

Tại hậu phương lớn - miền Bắc, khẩu hiệu Tất cả vì miền Nam ruột thịt là phương châm hành động, là lương tâm của mọi tầng lớp Nhân dân. Lớp lớp các thế hệ thanh niên nối tiếp nhau tình nguyện tòng quân vào miền Nam diệt giặc. Hàng triệu bà mẹ, chị em, vợ con ở hậu phương thực hiện Ba đảm đang, Ba sẵn sàng. Vì miền Nam ruột thịt nên đồng bào miền Bắc quyết đóng góp “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cho tiền tuyến.

Tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” là biểu hiện sinh động của ý chí quyết diệt địch, giành lại non sông của các thế hệ trẻ Việt Nam anh hùng chiến đấu suốt 20 năm ròng.

Tại miền Nam, vượt qua kiềm tỏa, khủng bố của địch, hàng chục vạn thanh niên tham gia lực lượng vũ trang cách mạng. Lực lượng vũ trang tại chỗ của thanh niên và các tầng lớp Nhân dân khác ở miền Nam đã lên đường đánh địch trên khắp mọi tỉnh thành. Trong cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt đó, hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống, hàng vạn bà mẹ Việt Nam anh hùng - những người có chồng, con cháu hi sinh dũng cảm vì Tổ quốc. Có người mẹ mất đi 12 người thân hi sinh dũng cảm trong tổng số 14 người tham gia cách mạng.

Tinh thần cao cả, nguyện vọng thiết tha, tình cảm cháy bỏng, ý chí quyết tâm thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân được kết tinh, toát lên ngời sáng ở lãnh tụ dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời kêu gọi thiêng liêng của Người “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO” trở thành chân lý, là lẽ sống, ý chí bất khuất của cả dân tộc. Câu nói bất hủ đó của Người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt thời đại Hồ Chí Minh: Thời đại đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Trong cuộc chiến đấu dũng cảm vô song, hy sinh vô cùng to lớn của đồng bào, đồng chí để đánh thắng thế lực xâm lược, chia cắt non sông, cả nước ghi lời Người từng căn dặn Nam Bắc một nhà. Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với miền Nam, đối với công cuộc thống nhất nước nhà được hun đúc từ tình cảm và ý chí của toàn dân tộc chiến đấu vì giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tình cảm của Người đối với miền Nam ruột thịt đã trở thành một động lực to lớn cho các chiến sĩ chiến đấu quên mình trong cuộc kháng chiến vĩ đại. Ngay khi Người sắp đi xa, Người vẫn ân cần tiếp đón, thăm hỏi các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc (28-02-1969). Nhân dân cả nước, trước hết là đồng bào miền Nam đã gắn bó tình cảm thiêng liêng với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Người là biểu tượng của nguyện vọng, ý chí thống nhất giang sơn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Nhân dân cả nước, trước hết Nhân dân Nam Bộ, miền Nam luôn khắc sâu lời Người từng nói Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam (Người nói trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp). Câu nói đó như lời tuyên ngôn bất hủ, mang tính thời sự, sống động, nóng bỏng trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước bởi đó là chân lý, lẽ sống của toàn thể Nhân dân Việt Nam.

Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng vào công cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, thống nhất nước nhà nhất định thành công.

Trong tình cảm thiêng liêng chung của cả nước đối với sự nghiệp cách mạng, trong tình cảm mỗi vùng miền, mỗi địa phương ở miền Bắc đối với Nhân dân miền Nam, Nhân dân Thanh Hóa đón nhận 5 vạn người con miền Nam tập kết ra Bắc. Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 12-3-1960, Nhân dân Thanh Hóa - Quảng Nam đã trọng thể tổ chức Lễ kết nghĩa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam. Sau hai tỉnh, các huyện, thị xã của hai tỉnh cũng lần lượt tổ chức lễ kết nghĩa: Thị xã Thanh Hóa với thị xã Hội An, Tĩnh Gia - Đại Lộc, Hoằng Hóa - Điện Bàn, Đông Sơn - Thăng Bình, Quảng Xương - Hòa Vang, Thọ Xuân - Quế Sơn, Triệu Sơn - Tam Kỳ, Nông Cống - Duy Xuyên, Nga Sơn - Tiên Phước. Đây biểu hiện sinh động về tình đoàn kết Bắc - Nam một nhà, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một tại Thanh Hóa.

Trong chống Mỹ, cứu nước, Thanh Hóa đã cử hàng vạn cán bộ, chiến sĩ tăng cường vào chiến đấu ở miền Nam, trong đó có khoảng một nửa chiến sỹ chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam vô cùng ác liệt (Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 89 đặc công). Hàng ngàn người con anh dũng của quê hương đã chiến đấu gian khổ, đổ máu hi sinh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

PGS. TS. Nguyễn Đình Lê

Đại học KHXHNV, Đại học Quốc gia Hà Nội

Link nội dung: https://study-japan.edu.vn/index.php/boi-canh-dat-nuoc-va-y-chi-khat-vong-thong-nhat-to-quoc-sau-hiep-dinh-gionevo-nam-1954-a16399.html