Xu hướng là một khái niệm cơ bản trong phân tích kỹ thuật. Xu hướng trên thị trường chứng khoán gồm có uptrend, downtrend và sideway. Các thuật ngữ này được các nhà đầu tư nhắc đến nhiều nhất trong đầu tư. Vậy làm sao để nhận ra được thị trường đang ở giai đoạn nào. Bài viết này sẽ tìm hiểu cách nhận biết Uptrend và Downtrend và vận dụng vào trong đầu tư.
Uptrend là gì?
Uptrend là giai đoạn giá chứng khoán có xu hướng TĂNG. Xu hướng giá tăng kéo theo sự gia tăng của thị trường và cổ phiếu. Để có thể thấy rõ xu hướng tăng này chúng ta có thể quan sát đồ thị biểu hiện mức giá. Giá trước sẽ cao hơn giá sau, đỉnh giá sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước. Thường bắt đầu bằng một tin tốt mang tầm vĩ mô có tác động lớn. Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư có tâm lý tích cực và thường mua vào nhiều hơn bán ra. Thanh khoản của thị trường giai đoạn này thường rất lớn với sự tham gia mạnh của giới đầu cơ, lướt sóng. Đến khi lên đến một ngưỡng đỉnh nào đó thì Uptrend sẽ bị kháng cự và sẽ có xu hướng quay đầu đi xuống, giảm dần.
Trong đầu tư chứng khoán thì việc nắm bắt nhanh chóng và đem ra những quyết định mua hoặc bán sẽ đem lại cho nhà đầu tư những khoản lợi nhuận khổng lồ. Xu hướng Uptrend mở ra nhiều cơ hội để giúp các nhà đầu tư thu tìm kiếm lợi nhuận bằng cách chọn các cổ phiếu tăng giá mạnh hoặc theo dõi các nhóm ngành đang có xu hướng tăng giá.
Downtrend là gì?
Downtrend là giai đoạn giá chứng khoán có xu hướng GIẢM, thường là vài tháng. Trên biểu đồ kĩ thuật thường thấy: đỉnh giá sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước. Thường bắt đầu bằng một tin xấu mang tầm vĩ mô có tác động lớn. Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư có tâm lý tiêu cực và thường bán ra nhiều. Thanh khoản thị trường giai đoạn này thường sụt giảm với sự dè dặt của bên mua.
Việc nhận biết hay đoán định trước khi xu hướng Downtrend xảy ra là rất quan trọng. Các nhà đầu tư sẽ bán đi khối tài sản của mình để tránh thua lỗ nhiều nhất. Nếu may mắn có thể bảo toàn vốn.
Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp xu hướng Downtrend xảy ra bất ngờ khiến cho thị trường, giá cổ phiếu lao dốc không phanh và nhanh chóng. Các nhà đầu tư cuống cuồng báo tống bán tháo khối tài sản trong tay hoặc là không kịp trở tay khiến tài khoản thua lỗ nặng nề.
Cách nhận biết thị trường uptrend và downtrend
Để nhận biết thị trường uptrend, các nhà đầu tư cần sử dụng các phương pháp phân tích kỹ thuật để xác định xu hướng giá cổ phiếu. Các phương pháp phân tích kỹ thuật phổ biến như sử dụng các đường MA, đường trendline, chỉ báo MACD, RSI,... Sử dụng các chỉ báo này sẽ giúp đánh giá được xu hướng tăng giá cổ phiếu và cảnh báo cơ hội đầu tư trong thị trường uptrend cũng như downtrend.
Căn cứ vào đường trendline
Đường trendline hay là đường xu hướng, đây là một đường thẳng. Đường thẳng này sẽ được nối giữa các đỉnh (hoặc là các đáy) lại với nhau. Đây là đường được vẽ ra từ dữ liệu quá khứ, nhằm tìm ra được xu hướng giá của tương lai.
Trendlines giống như một đồ thị biểu thị 03 nội dung:
- Uptrend: xu hướng giá tăng
- Downtrend: xu hướng giá giảm
- Sideway: xu hướng đi ngang, tức không có biến động về giá
Cách xác định đường trendline khá đơn giản và chúng ta chỉ cần tìm ra ít nhất 2 đỉnh, 2 đáy và nối chúng lại với nhau.
Đối với xu hướng tăng- Uptrend thì chỉ cần chọn ít nhất 2 đáy rồi nối lại với nhau. Lưu ý là đáy sau phải cao hơn đáy trước.
Đối với xu hướng giảm- Downtrend thì chọn ra ít nhất 2 đỉnh trong đó đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước rồi nối lại.
Thông qua đường Trendlines, nhà đầu tư có thể xác định được các yếu tố sau: Ngưỡng kháng cự, xu hướng Uptrend kéo dài trong bao lâu, thời điểm đảo chiều của thị trường. Trong đó:
- Cần ít nhất hai đỉnh hoặc đáy để vẽ một đường trendline hợp lệ nhưng cần tối thiểu 3 đáy hoặc đỉnh để tạo nên một đường xu hướng.
- Đường xu hướng càng dốc thì độ tin cậy càng thấp và khả năng bị phá vỡ càng lớn.
- Độ dốc của đường Trendlines quá nhỏ thì các dự báo sẽ khó chính xác. Lúc này, nhà đầu tư cần sử dụng thêm đường trung bình động MA để tăng thêm mức độ tin tưởng của thông tin.
- Giống như các mức hỗ trợ và kháng cự, các đường Trendline trở nên mạnh hơn khi giá chạm nhiều lần nhưng không bị phá vỡ.
- Và quan trọng nhất, không có một khuôn khổ nào quy định chính xác cách vẽ đường xu hướng. Có nhiều nhà đầu tư vẽ đường xu hướng theo giá đóng nến, giá mở nến, nến cao, nến thấp.
Căn cứ vào đường MA (Moving Average)
Đường MA (viết tắt của Moving Average) là đường trung bình động. Nó thể hiện sự biến động, chỉ báo xu hướng giá của cổ phiếu trong một khoảng thời gian. Đường MA thường lấy một số mốc phổ biến như 10, 20 ngày đối với MA ngắn hạn và 50 ngày đối với trung hạn, 100 hay 200 ngày cho dài hạn.
Có 3 loại đường MA phổ biến nhất được sử dụng trong phân tích kỹ thuật chứng khoán, bao gồm: Đường Simple Moving Average (SMA) đường trung bình trượt đơn giản, đường Weighted Moving Average (WMA)- đường trung bình trượt hàm mũ, đường Exponential Moving Average (EMA)- đường trung bình trượt có trọng số.
Thông thường, đường SMA được sử dụng phổ biến hơn cả do tính chất đơn giản và dự đoán chính xác, tuy nhiên lại có độ trễ cao nhất.
Uptrend xuất hiện khi giá trên đồ thị vượt lên đường SMA:
- Nếu đường giá vượt lên đường SMA20 thì báo hiệu xu hướng tăng ngắn hạn.
- Nếu đường giá vượt lên đường SMA50 thì báo hiệu xu hướng tăng trung hạn.
- Nếu đường giá vượt lên đường SMA100 thì báo hiệu xu hướng tăng trung hạn.
- Nếu đường SMA20 vượt lên SMA50 xác định xu hướng tăng trong dài hạn.
- Nếu đường giá vượt lên đường SMA20 và đường SMA20 vượt lên SMA50 thể hiện xu hướng tăng giá, rõ hơn khi 3 đường chạm nhau và hướng lên.
Downtrend xuất hiện khi giá trên đồ thị vượt xuống các đường SMA:
- Nếu đường giá vượt xuống đường SMA20 thì báo hiệu xu hướng giảm ngắn hạn.
- Nếu đường giá vượt xuống đường SMA50 thì báo hiệu xu hướng giảm trung hạn.
- Nếu đường giá vượt xuống đường SMA100 thì báo hiệu xu hướng giảm trung hạn
- Nếu đường SMA20 vượt xuống SMA50 thì xác định xu hướng giảm trong dài hạn.
- Nếu đường giá vượt xuống đường SMA20 và đường SMA20 vượt xuống SMA50, đồng thời đường giá, đường SMA20, SMA50 chạm nhau và hướng xuống thì đây chính là xu hướng giảm.
Căn cứ vào đường MACD
Đường MACD (Moving Average Converged/Divergence) là Đường Trung Bình Hội Tụ/Phân Kỳ dùng để xác định động lượng và xu hướng của giá. MACD được thiết kế để tiết lộ những thay đổi về sức mạnh, hướng, động lượng và thời gian của một xu hướng. MACD là bộ 4 đường:
- Đường Zero: dùng để tham chiếu giá, cho thấy sự khác biệt giữa đường MACD và đường tín hiệu
- Đường MACD: (màu xanh) - Đây là đường trung bình nhanh được tính bằng hiệu giữa EMA12 và EMA26. Đường MACD này luôn dao động xung quanh đường Zero, dùng để đo lường các thông tin động lượng đằng sau mỗi chuyển động của giá.
Nếu đường MACD giao cắt với đường Zero và hướng lên thì xu hướng đang tăng giá.
Nếu MACD giao cắt với đường zero và hướng xuống là xu hướng giảm giá.
- Đường tín hiệu (Signal Line): Là đường trung bình động chậm màu cam trên biểu đồ, được tạo ra từ chính đường MACD và đường EMA9, giúp trader hiểu rõ hơn về các chuyển động trước đó. Các chuyển động của đường MACD và đường tín hiệu cung cấp cho trader rất nhiều thông tin quan trọng về thị trường.
Nếu đường Signal Line cắt đường MACD theo chiều hướng lên thì xu hướng hiện tại là Uptrend (tăng giá).
Nếu đường Signal Line cắt đường MACD theo chiều từ trên xuống, thì xu hướng hiện tại là Downtrend (giảm giá).
- Histogram: Biểu đồ dạng thanh, dùng để đo lường chuyển động giữa đường MACD và đường Signal. Biểu đồ Histogram cũng dao động xung quanh đường Zero.
Biểu đồ màu xanh, biểu thị đà tăng giá nếu đường MACD lớn hơn đường Signal và nằm bên trên.
Biểu đồ màu đỏ, biểu thị đà giảm giá nếu đường MACD nhỏ hơn đường Signal và nằm bên dưới.
Những lưu ý khi đầu tư trong xu hướng Uptrend
Uptrend là giai đoạn chứng khoán tăng mạnh, thâm chí thị trường tăng giá rất mạnh hơn 20% từ đáy, Hầu hết cổ phiếu đều tăng giá khiến giới đầu tư truyền tai nhau rằng “bán là thua, mua là thắng!” Nhưng vẫn có nhiều NĐT gặp thua lỗ trong giai đoạn này nhất là NĐT F0 thường thua lỗ do nhiều nguyên nhân. Vậy nên những lưu ý NĐT cần biết để tránh sai lầm khi đầu tư trong giai đoạn Uptrend.
Giai đoạn Uptrend là lúc thị trường sôi động nhất bởi tin tức được tung ra liên tục và độ thảo luận mua bán của các NĐT. Việc có quá nhiều nguồn thông tin tưởng chừng như sẽ có lợi, nhưng ngược lại khiến nhà đầu tư bị rối loạn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhận định và có thể đưa ra sai lầm trong mua bán.
Bên cạnh đó, việc mua bán không có phương pháp, tâm lý quá hưng phấn, dễ bị lôi kéo và mua bán theo tin đồn, bị “lùa gà” và những cổ phiếu tăng quá nóng.
NĐT không theo dõi thị trường thường xuyên, cập nhật thông tin chậm, không xác định các ngưỡng kháng cự chuẩn xác dẫn đến bỏ qua các cơ hội chốt lời. Vì thế, để giao dịch Uptrend an toàn, nhà đầu tư cần có điểm chốt lời, mục tiêu giá cụ thể để bán ra.
Việc trong thị trường Uptrend mà tài khoản NĐT chỉ tăng nhẹ hay thậm chí lỗ nhiều là chuyện không lạ. Còn rất nhiều nguyên nhân khác khiến đầu tư thua lỗ, NĐT đầu tư trong giai đoạn này vẫn nên hết sức cẩn thận và chú ý rủi ro. Nâng cao kiến thức, kỹ năng và xây dựng kế hoạch đầu tư hợp lý là điều quan trọng hơn cả giúp NĐT thành công.
Có nên đầu tư trong giai đoạn thị trường Downtrend?
Thị trường Downtrend là lúc các NĐT quá bi quan và mất niềm tin vào thị trường chứng khoán, niềm tin vào chính mình. Tuy nhiên, thị trường Downtrend rồi cũng sẽ kết thúc bởi một chu kỳ và giai đoạn Uptrend. Những rủi ro luôn song hành cùng cơ hội khi tham gia vào thị trường, đặc biệt là giai đoạn thị trường Downtrend. Quản lý danh mục tốt đi kèm với việc chọn lọc kỹ cổ phiếu đầu tư là điều quan trọng. “Tham lam khi thị trường sợ hãi” như nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng nói có thể là phù hợp với giai đoạn thị trường Downtrend.
NĐT nên kiên nhẫn quan sát thị trường Downtrend, đây là thời điểm thích hợp để các NĐT giá trị mua gom dần cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt với giá rẻ. Tùy thuộc khẩu vị rủi ro, nguồn vốn đầu tư, phương pháp đầu tư, mỗi nhà đầu tư phải có sự thận trọng và kế hoạch đầu tư để đảm bảo an toàn tài chính.
Tham khảo: Cách xác định vùng hỗ trợ và kháng cự
Trong đầu tư chứng khoán, việc nhận biết được các xu hướng của thị trường có thể giảm thiểu nguy cơ rủi ro xuống thấp nhất và tăng khả năng thành công lên rất cao. Hy vong bài viết này đã giúp các NĐT biết được cách nhận biết uptrend và downtrend và vận dụng vào trong giao dịch đầu tư. Hãy theo dõi Vietcap để cập nhật thêm những thông tin mới mẻ và bổ ích liên quan để lĩnh vực chứng khoán này nhé.
Powered by Froala Editor