Sàn thương mại điện tử đã không còn xa lạ đối với nhiều người hiện nay khi mang tới cho mọi người kênh mua sắm và bán hàng vô cùng hữu ích. Để hiểu rõ về sàn giao dịch thương mại điện tử, hãy cùng Sapo tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé.
1. Sàn thương mại điện tử là gì?
Tại khoản 2 điều 2 thông tư 46/2010/TT-BCT, thì khái niệm sàn thương mại điện tử được đưa ra như sau: “Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu hoặc người quản lý website có thể tiến hành bán hàng hoặc cung ứng các dịch vụ trên đó”.
Có thể hiểu là trên cùng một website người dùng có thể tiến hành trao đổi, buôn bán trực tuyến, thực hiện giao dịch qua mạng Internet, đấu giá đấu thầu, hợp tác thiết kế và rất nhiều các chức năng khác.
Không chỉ là nơi tiến hành trao đổi hàng hóa, sàn TMĐT còn là nơi giới thiệu sản phẩm, thương hiệu để tiếp cận với nhiều người dùng. Đồng thời là nơi đăng tải các thông tin rao vặt hữu ích, thực hiện các giao dịch qua Internet.
2. Sàn giao dịch thương mại điện tử mang lại những lợi ích gì?
Sự phát triển của công nghệ, ứng dụng kinh doanh trực tuyến vào đời sống khiến cho việc giao dịch mua bán trở nên thuận lợi hơn rất nhiều:
Đối với người tiêu dùng
Bắt đầu từ khi có sàn giao dịch thương mại điện tử xuất hiện, người tiêu dùng có thể mua hàng ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào bởi thời gian trên sàn TMĐT là không bao giờ giới hạn, bạn có thể mua 24/7/365 và cũng không phân biệt khu vực, bạn ở Hà Nội vẫn có thể mua hàng ở thành phố hoặc tỉnh thành khác.
Thêm vào đó, sản phẩm/ mặt hàng trên các sàn thương mại điện tử rất đa dạng, mang tới vô vàn sự lựa chọn cho người tiêu dùng, và có thể tìm kiếm bất cứ sản phẩm nào. Thay vì phải đi mua trực tiếp tới từng cửa hàng mà chưa chắc đã có sản phẩm bản mong muốn thì sàn tmđt là sự lựa chọn rất hợp lý cho người tiêu dùng.
Khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử bạn còn có thể so sánh giá bán giữa nhiều gian hàng với nhau, thường các sản phẩm bán trên sàn sẽ có chi phí rẻ hơn vì không bị tính thêm các chi phí thuê mặt bằng, tiền điện tiền nước,...
Hình thức thanh toán khi mua hàng trên sàn tmđt cũng đa dạng: thanh toán qua thẻ, thanh toán ví điện tử, thanh toán khi nhận hàng,...Có thể thấy rằng lợi ích mà sàn giao dịch thương mại điện tử mang tới cho người tiêu dùng là vô cùng hấp dẫn, vừa tiết kiệm được thời gian, tiền bạc vừa đem lại sự thuận tiện.
Đối với nhà bán hàng
Tạo ra một kênh bán hàng hiệu quả, đẩy mạnh doanh thu cho các nhà bán hàng. Khi kinh doanh trên sàn tmđt người bán sẽ dễ dàng tiếp cận với người mua trên cả nước, thậm chí là nước ngoài.
Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử giúp nhà bán hàng tiết kiệm được chi phí hiệu quả như: tiền thuê mặt bằng, tiền nhập kho, dữ liệu, điện và nước, thậm chí là cả nhân lực. Hơn thế nữa, khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử phải tuân theo các quy định, đảm bảo việc kinh doanh đi vào quỹ đạo.
Không chỉ với Việt Nam, sự phát triển rộng rãi của giao dịch online trên Sàn tmđt đã được ứng dụng rất lâu tại quốc tế hỗ trợ thúc đẩy kinh doanh và mở ra cơ hội rất nhiều cho nhà bán hàng.
3. Top các sàn thương mại điện tử "đình đám" nhất hiện nay
Hiện nay ở Việt Nam có một số các sàn thương mại điện tử đang đi đầu về lượng truy cập, mức độ ảnh hưởng với người tiêu dùng. Nếu bạn là nhà bán hàng và đang tìm kiếm sàn tmđt để tăng trưởng doanh thu thì đừng bỏ lỡ danh sách dưới đây nhé.
3.1. Shopee
Tính đến năm 2019, Shopee là sàn giao dịch thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng chóng mặt với lượng truy cập vào trang này lên tới 33,6 triệu/tháng, hơn thế nữa, Shopee còn liên tục đứng top 1 ứng dụng thương mại điện tử được dùng nhiều nhất (theo báo cáo iPrice xếp hạng).
Shopee bắt đầu được biết tới vào năm 2015 tại Singapore và cho tới nay Shopee đã có mặt tại nhiều quốc gia như: Malaysia; Thái Lan; Đài Loan; Indonesia; Việt Nam, Philippines và Brazil. Shopee hướng tới mô hình kinh doanh B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) nên lựa chọn Shopee để tiếp cận khách hàng là vô cùng hợp lý.
Giao diện và các tính năng sử dụng của Shopee khá thân thiện với người dùng, các chức năng xử lý đơn hàng nhanh, bộ lọc sản phẩm thông minh cũng là một ưu điểm của sàn tmđt này.
Tham khảo ngay: Hướng dẫn đăng ký bán hàng trên Shopee cho người mới bắt đầu
3.2. Lazada
Lazada Việt Nam là một sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp sản phẩm trên nhiều ngành hàng khác nhau như: đồ điện tử, thời trang, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe, đồ chơi, đồ dùng thể thao,...
Là một phần của Lazada Group - tập đoàn thương mại điện tử đa quốc gia và hiện đang có chi nhánh tại Indonesia, Philipin, Singapore, Thái Lan và Malaysia (thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba).
Hướng tới mô hình Marketplace - trung gian trong quy trình mua bán trực tuyến. Từ tháng 1/2016, Lazada xác nhận công ty đang làm việc với 3000 nhà cung cấp với 500.000 sản phẩm khác nhau. Tất cả các dịch vụ thanh toán, vận chuyển và chăm sóc khách hàng đều có quy trình chuyên nghiệp.
Tham khảo thêm: Chi tiết cách đăng ký mở gian hàng trên Lazada
3.3 Tiki
Trong nhiều năm trở lại đây, Tiki đã có bước phát triển vượt bậc và vươn lên top các sàn thương mại điện tử được yêu thích và truy cập phổ biến. Tiki xây dựng một hệ sinh thái thương mại tất cả trong một, gồm có TikiNOW (cung cấp dịch vụ logistics), Ticketbox (dịch vụ vé sự kiện, xem phim), Tiki Trading và sàn giao dịch Tiki cung cấp 10 triệu sản phẩm từ 26 ngành phục vụ hàng triệu khách hàng.
Được thành lập vào tháng 3/2010, tới nay Tiki đã lọt top 2 sàn tmđt tại Việt Nam và top 6 tại khu vực Đông Nam Á.
Tham khảo thêm: Những điều cần biết khi đăng ký bán hàng trên Tiki
3.4. Sendo
Sendo là nhà bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam - công ty con của tập đoàn phần mềm Việt Nam tập đoàn FPT. Tính tới quý III/2019, theo số liệu của iPrice thì Sendo và Shopee là nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam theo lưu lượng truy cập website.
Với mục tiêu “Trăm người bán - Vạn người mua”, Sendo vẫn đang từng ngày đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp dành cho người dùng, mang tới những tính năng sử dụng dễ dàng, đáp ứng nhu cầu của người dùng hiện nay.
Đọc thêm: Cách đăng ký bán hàng trên Sendo chỉ trong 30s
3.5. TikTok Shop
Tik Tok Shop thuộc hệ sinh thái của Tik Tok, ra mắt tại Việt Nam vào năm 2022. Dù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng hiện nay Tik Tok Shop đã đạt doanh số của Lazada hoạt động 10 năm tại Việt Nam.
Những ưu điểm của Tik Tok shop là:
- Người bán sẽ giới thiệu sản phẩm của mình thông qua video, livestream và tab giới thiệu sản phẩm trên trang hồ sơ của shop.
- Giao diện tương tự với các trang thương mại điện tử khác với đầy đủ các thông tin như mô tả sản phẩm, đánh giá, giá, lượt mua,...
- Hiện nay các mặc hàng được nhiều người mua trên Tik Tok Shop phải kể đến như thời trang, mỹ phẩm, gia dụng và thực phẩm.
- Theo công ty nghiên cứu thị trường DataReportal về danh sách 10 quốc gia có lượng người dùng Tik Tok nhiều nhất thế giới, trong đó Việt Nam đứng thứ 6 với 49,9 triệu người dùng. Vì vậy, các chủ shop sẽ có tệp khách hàng rất lớn để có thể tiếp cận.
4. Những lưu ý khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử
Để bán hàng trên sàn thương mại điện tử thuận lợi, không vi phạm những quy định của sàn, nhà bán hàng cần lưu ý các điểm sau:
- Mỗi sàn thương mại điện tử sẽ có quy định riêng về việc đăng ký, sử dụng và bán hàng nên khi bạn có ý định kinh doanh trên sàn cần tìm hiểu thật kỹ để tránh bị “vào danh sách đen” của Sàn
- Nắm được danh sách các sản phẩm bị cấm giao dịch trên sàn
- Khi bán hàng trên sàn cần chăm chút hình ảnh sản phẩm để thu hút khách hàng vào gian hàng
- Chăm sóc khách hàng sau bán để đạt được đánh giá cao, tạo uy tín cho gian hàng
- Tìm các tối ưu để lên top cao khi tìm kiếm sản phẩm.
Nếu các bạn đang kinh doanh online trên sàn TMĐT mà gặp phải khó khăn về quản lý sản phẩm, quản lý tồn kho và vận chuyển. Hãy dùng thử miễn phí 7 ngày phần mềm quản lý bán hàng online trên sàn TMĐT Sapo POS nhé
Trên đây là những điều bạn cần biết về sàn thương mại điện tử trước khi quyết định bán hàng trên kênh này, hi vọng với những chia sẻ trong bài viết này, nhà bán hàng sẽ có thêm cho mình những gợi ý để lựa chọn được sàn TMĐT phù hợp để đăng bán sản phẩm.