Tại Diễn đàn “Kết nối Tây Nguyên: Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức mới đây, các đại biểu nhận định, dù có những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao, nhưng sản xuất nông nghiệp của khu vực Tây Nguyên còn phát triển tự phát theo phong trào, hiệu quả chưa cao.
CHƯA XỨNG TẦM VÙNG TRỌNG ĐIỂM CÂY CÔNG NGHIỆP
Tây Nguyên có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu ha, chiếm 91,75% diện tích đất tự nhiên của cả khu vực, trong đó có 1,3 triệu ha đất đỏ bazan. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tây Nguyên có khí hậu thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây dược liệu chất lượng cao sản lượng lớn và khả năng cạnh tranh, như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, cao su, sắn, gỗ, sâm Ngọc Linh...
Ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã chuyển đổi 38.638 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Toàn tỉnh hiện có 32.720 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; khoảng 227.176 ha cây trồng các loại sản xuất theo tiêu chuẩn. Tỉnh Gia Lai cũng đã hình thành được 18 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 3.490 ha với các cây trồng chính như: chuối, bơ, sầu riêng, thanh long, ớt, hồ tiêu, cà phê, rau, hoa,... Gia Lai đang chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với chế biến.
NHIỀU KHÓ KHĂN THÁCH THỨC
Rất nhiều tiềm năng phát triển, nhưng nông nghiệp Tây Nguyên cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Theo các chuyên gia, những vấn đề mà Tây Nguyên đang gặp phải, là tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô; kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa lớn.
Trong khi đó, công nghệ canh tác, thu hoạch còn thủ công, lạc hậu; chất lượng giống cây trồng vật nuôi chưa cao, công tác quản lý giống cây trồng chưa thực sự tốt, vẫn còn tình trạng buôn bán nguồn giống kém chất lượng.
Thực trạng phát triển của sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực trong những năm qua tại khu vực Tây Nguyên cho thấy sự phụ thuộc lớn vào điều kiện tự nhiên. Điều này khiến cho việc xuất khẩu không ổn định, được mùa mất giá, được giá mất mùa. Các sản phẩm nông sản chủ lực chất lượng không đồng đều, do đó còn gặp phải nhiều hàng rào thương mại mang tính kỹ thuật.
Những sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên như cà phê, cao su, tiêu, điều, khoai lang,... tuy đang đứng đầu hoặc trong nhóm hàng đứng đầu thế giới nhưng vẫn bị phụ thuộc vào sự biến động của giá cả trên thị trường thế giới.
Một số mặt hàng còn phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường hoặc khu vực thị trường, như: mặt hàng cao su phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, mặt hàng cà phê phụ thuộc vào thị trường châu Âu. Mỗi khi những thị trường này có biến động, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng lớn và tiêu cực đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng của Tây Nguyên.
Ngoài ra, khả năng tiếp cận, tiếp thu kỹ thuật công nghệ canh tác của nông dân ở khu vực Tây Nguyên khá chậm chạp. Cũng vì tính tùy tiện, mà nhiều nông dân ở Tây Nguyên sẵn sàng phá vỡ hợp đồng khi tư thương trả giá cao hơn,...
Phần lớn nông dân ở khu vực này vẫn thiếu tính liên kết trong chuỗi sản xuất - chế biến. Mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị hàng nông sản chưa được xác lập bền vững trên cơ sở xử lý hài hòa, cân bằng các lợi ích.
Do đó, thiếu sự gắn kết với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu, kéo theo việc xuất khẩu bị động, chưa tìm kiếm được những thị trường ổn định.
Chính vì vậy, để phát triển nông nghiệp ở khu vực Tây Nguyên bền vững, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cho biết Bộ sẽ tập trung vào một số nội dung trọng điểm như tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn Tây Nguyên. Trong đó, xác định các cây trồng, vật nuôi ưu tiên, xây dựng một số trung tâm sản xuất cây công nghiệp, nông nghiệp giá trị cao.
Đồng thời, sẽ phát triển mạnh, chú trọng nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nông nghiệp nội vùng và với các vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, cũng như cả nước. Triển khai thực hiện hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao, nông nghiệp số, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ.