Phân tích báo cáo tài chính là quá trình xem xét, kiểm tra, đối chiếu, so sánh số liệu và đưa ra đánh giá về tình hình tài chính doanh nghiệp trong kỳ hiện tại với các kỳ kinh doanh đã qua. Từ đó, giúp doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư và các bên liên quan ra quyết định kinh tế phù hợp nhất.
Cụ thể, dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách phân tích báo cáo tài chính và lưu ý quan trọng khi thực hiện phân tích BCTC bạn có thể tham khảo.
Các phương pháp phân tích báo cáo tài chính phổ biến
Hiện nay có 6 phương pháp phân tích báo cáo tài chính phổ biến gồm:
- Phương pháp so sánh: Áp dụng khi đánh giá sự biến động của các khoản mục/chỉ tiêu thông qua việc xem xét BCTC của nhiều năm liên tiếp.
- Phương pháp tỷ số: Là phương pháp sử dụng tỷ số để thực hiện phân tích bằng cách so sánh một chỉ tiêu với một chỉ tiêu khác từ đó đánh giá hiệu suất và tình hình tài chính của công ty.
- Phương pháp phân tích tách đoạn: Dùng để đánh giá khả năng sinh lời của doanh nghiệp thông qua việc kết hợp các công cụ quản lý hiệu quả truyền thống giúp nắm bắt được nguyên nhân dẫn đến các biến động tích cực và tiêu cực trong hoạt động của doanh nghiệp.
- Phương pháp phân chia: Dùng để đánh giá về quá trình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp từ các góc độ khác nhau bằng cách chia nhỏ quá trình và kết quả tổng cộng thành các thành phần cụ thể dựa trên các tiêu chí nhất định.
- Phương pháp liên hệ đối chiếu: Dùng để nghiên cứu và đánh giá mối quan hệ kinh tế giữa các sự kiện và hiện tượng kinh tế cùng một thời kỳ, đồng thời kiểm tra tính cân đối của các chỉ tiêu kinh tế trong quá trình hoạt động.
- Phương pháp phân tích nhân tố: Dùng khi nghiên cứu và xem xét mối liên hệ kinh tế giữa chỉ tiêu phân tích và các nhân tố ảnh hưởng nhằm hiểu rõ hơn về nguyên nhân thực sự đằng sau sự biến động của chỉ tiêu.
Cách phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp
Dù có nhiều phương pháp phân tích báo cáo tài chính khác nhau tuy nhiên đều trải qua 3 bước phân tích cơ bản sau.
Bước 1: Tìm hiểu các thông tin doanh nghiệp cần phân tích BCTC
Để có thể phân tích BCTC một cách dễ dàng nhất bạn cần hiểu rõ về doanh nghiệp. Cụ thể các thông tin cần thu thập bao gồm:
- Thông tin về ngành/nghề hoạt động của doanh nghiệp để có cái nhìn tổng quan về thị trường kinh doanh.
- Báo cáo tài chính mới nhất của doanh nghiệp và báo cáo tài chính các kỳ trước để có thông tin so sánh.
Bước 2: Nắm rõ hệ thống báo cáo tài chính
Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán là BCTC tổng hợp phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản đó của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.
Việc phân tích bảng cân đối kế toán giúp bạn nắm được các thông tin về sự cân đối giữa tài sản, nợ và vốn sở hữu nhằm đánh giá khả năng thanh toán nợ và tính ổn định tài chính của doanh nghiệp.
Cụ thể, để phân tích bảng cân đối kế toán thực hiện như sau:
- Đọc số liệu tổng quan về tài sản, nguồn vốn và các khoản mục khác
- Đọc các số liệu chi tiết về tài sản và nguồn vốn như:
- Tài sản cố định.
- Tài sản ngắn hạn.
- Nợ phải trả.
- Vốn chủ sở hữu.
- Tài sản tiền mặt.
- Khoản phải thu.
- Hàng tồn kho
- Các khoản nợ khác.
- ………
- Tính toán các chỉ tiêu tài chính cơ bản rồi từ đó đánh giá tình trạng của doanh nghiệp
- Đưa ra đánh giá sau khi phân tích bảng cân đối kế toán. Ví dụ:
- Tài sản của doanh nghiệp tập trung nhiều ở đâu? Nguồn gốc hình thành?
- Tỷ trọng nguồn vốn và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp
- Tỷ trọng nợ ngắn hạn, dài hạn trong nợ phải trả.
- Xác định các mục tăng giảm và tỷ lệ tăng giảm của thời điểm đầu kỳ và cuối kỳ.
Các chỉ tiêu được dùng khi phân tích bảng cân đối kế toán:
- Tỷ số hiện hành (Current ratio)
- Tỷ số thanh toán nhanh (Quick ratio)
- Hệ số vòng quay tài sản (Asset turnover ratio)
- Hệ số vòng quay hàng tồn kho (Inventory turnover ratio)
- Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (Debt-to-equity ratio)
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là báo cáo cho biết doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp trong một kỳ.
- Để phân tích báo cáo kết quả kinh doanh bạn thực hiện như sau:
- Tách riêng doanh thu và chi phí
- Tính toán:
- Tỷ trọng của từng doanh thu trong Tổng doanh thu,
- Tỷ trọng từng chi phí trong Tổng chi phí,
- So sánh sự thay đổi của chúng so với cùng kỳ
- Các thông tin cần nắm được sau khi phân tích báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh gồm:
- Tổng doanh thu, chi phí, lợi nhuận
- Sự thay đổi của doanh thu, chi phí, lợi nhuận có cùng chiều?
- Nguồn sinh ra lợi nhuận chủ yếu
- Các hoạt động kinh doanh đang gây ra thua lỗ
Các chỉ tiêu được dùng khi phân tích báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh:
- Biên lợi nhuận gộp hay Tỷ suất lợi nhuận gộp (Gross Profit Margin)
- Biên lợi nhuận hoạt động (Operating Profit Margin)
- Tỷ lệ chi phí hoạt động (Operating Expense Ratio - OER)
- Biên lợi nhuận ròng (Net Profit Margin)
- Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS - Return On Sales)
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo thể hiện các dòng tiền mặt được tạo ra và sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một năm tài chính.
Việc phân tích báo cáo này giúp bạn biết được doanh nghiệp có tạo ra đủ tiền mặt để thanh toán các chi phí và liệu doanh nghiệp có đang có nhiều nợ hay không.
Để phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ bạn thực hiện như sau:
- Phân tích hoạt động của dòng tiền theo từng phần của báo cáo để nắm rõ hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính của doanh nghiệp.
- Phân tích các chỉ số quan trọng trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Lưu ý: Khi phân tích cần chú trọng đến lưu chuyển dòng tiền thuần của lĩnh vực doanh nghiệp chú trọng và đánh giá đánh giá tỷ trọng lưu chuyển tiền giữa các hoạt động với nhau.
- Dòng tiền thuần (Net Cash Flow - NCF)
- Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh (Operating Cash Flow - OCF)
- Tỷ suất dòng tiền tự do (Free Cash Flow - FCF)
- So sánh các chỉ số báo cáo lưu chuyển tiền tệ với các kỳ trước để đánh giá được hoạt động lưu chuyển đem lại nhiều lợi ích từ đó dự đoán được các xu hướng hoạt động đồng thời điều chỉnh lưu chuyển dòng tiền đi đúng mục đích của doanh nghiệp.
- So sánh các chỉ số báo cáo lưu chuyển tiền tệ với các doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực từ đó đánh giá được vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Đưa ra nhận định và phương hướng hoạt động nhằm giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu chung, tối đa hóa lợi nhuận.
Bước 3: Phân tích 5 chỉ số quan trọng trong báo cáo tài chính
1. Phân tích cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu tài sản
TỶ LỆ VỐN CHỦ SỞ HỮU
Đây là hệ số phản ánh sức tài chính và mức độ độc lập của doanh nghiệp.
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu=Tổng vốn chủ sở hữuTổng nguồn vốn
Một số đánh giá có thể đưa ra khi phân tích tỷ lệ vốn chủ sở hữu:
- Tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao:
- Doanh nghiệp đang sử dụng nhiều vốn của cổ đông, ít phụ thuộc vào vốn vay >> sức khỏe tài chính tốt.
- Hoặc doanh nghiệp đang sử dụng vốn không hiệu quả và có thể gặp khó khăn khi tăng trưởng nếu không có đủ nguồn vốn.
- Tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp:
- Doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào vốn vay dễ gặp rủi ro tài chính nếu phải trả lãi và gốc vay.
- Hoặc doanh nghiệp đang sử dụng hiệu quả các nguồn vốn và có cơ hội sinh lời cao từ đây.
TỶ LỆ ĐẦU TƯ VÀO TÀI SẢN NGẮN HẠN, TÀI SẢN DÀI HẠN
Đây là chỉ số đánh giá khả năng thanh khoản và khả năng sinh lời của doanh nghiệp.
Tỷ lệ đầu tư vào tài sản ngắn hạn/dài hạn=Tài sản ngắn hạn/dài hạnTổng tài sản
Một số đánh giá khi phân tích tỷ lệ đầu tư vào tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn:
- Đối với tài sản ngắn hạn: Giúp doanh nghiệp duy trì tính thanh khoản cao và khả năng chi trả ngắn hạn:
- Tỷ lệ đầu tư vào tài sản ngắn hạn cao: Doanh nghiệp đang tập trung đầu tư vào tài sản ngắn hạn và có thể gặp khó khăn khi đầu tư vào các tài sản dài hạn.
- Tỷ lệ đầu tư vào tài sản ngắn hạn thấp: Doanh nghiệp đang tập trung đầu tư vào tài sản dài hạn và thiếu tính linh hoạt khi thực hiện thanh toán các khoản chi ngắn hạn.
- Đối với tài sản dài hạn: Đánh giá mức độ đầu tư vào các tài sản dài hạn và chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp.
- Tỷ lệ đầu tư vào tài sản dài hạn cao: Doanh nghiệp đang tập trung phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong dài hạn. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ này quá cao có thể khiến doanh nghiệp gặp các rủi ro tài chính:
- Không tận dụng hiệu quả các tài sản dài hạn để tạo ra lợi nhuận.
- Không có đủ thanh khoản để đối phó với nhu cầu ngắn hạn
- Tỷ lệ đầu tư vào tài sản dài hạn thấp:
- Tỷ lệ đầu tư vào tài sản dài hạn cao: Doanh nghiệp đang tập trung phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong dài hạn. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ này quá cao có thể khiến doanh nghiệp gặp các rủi ro tài chính:
2. Phân tích khả năng thanh toán
Doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại khi có khả năng thanh toán các khoản nợ khi đến hạn. Để đánh giá khả năng này doanh nghiệp cần sử dụng một số hệ số thanh toán sau:
HỆ SỐ THANH TOÁN HIỆN HÀNH (Current Ratio)
Đây là hệ số đánh giá khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp.
Hệ số thanh toán hiện hành=Tài sản ngắn hạnNợ ngắn hạn
Một số đánh giá có thể đưa ra:
- Nếu hệ số thanh toán >1: Doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn bằng tài sản lưu động. Tuy nhiên, nếu hệ số này quá cao cũng phản ánh rằng doanh nghiệp đang không tận dụng hiệu quả tiền mặt hoặc tài sản lưu động.
- Nếu hệ số thanh toán <1: Doanh nghiệp sẽ gặp phải khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ. Đây là dấu hiệu xảy ra rủi ro về thanh toán mà doanh nghiệp có thể gặp.
- Hệ số thanh toán nằm trong khoảng 1,5-2: Đây là một hệ số tốt cho thấy tài sản ngắn hạn đủ lớn để thanh toán các khoản nợ một cách an toàn.
HỆ SỐ KHẢ NĂNG THANH TOÁN LÃI VAY (Interest Coverage Ratio)
Đây là hệ số đánh giá được doanh nghiệp có đủ lợi nhuận để thanh toán được các khoản nợ lãi hay không nhắm đảm bảo rằng doanh nghiệp không gặp khó khăn khi trả lãi vay và duy trì sức khỏe tài chính ổn định.
Hệ số khả năng thanh toán lãi vay=Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT)Lãi vay phải trả
Hệ số khả năng thanh toán lãi vay tiêu chuẩn là 1,5. Nếu hệ số này:
- <1,5: Doanh nghiệp có khả năng vỡ nợ cao, khiến các nhà đầu tư sẽ không muốn tiếp tục đầu tư.
- <1: Doanh nghiệp sẽ phải chi trả một khoản tiền dự trữ để đáp ứng chi phí chênh lệch hoặc vay thêm. Nếu doanh nghiệp để tình trạng này diễn ra thường xuyên và không thể xử lý thì công ty sẽ có nguy cơ bị phá sản.
HỆ SỐ VÒNG QUAY KHOẢN PHẢI THU (Receivable Turnover Ratio)
Đây là hệ số đánh giá được sau bao lâu thì doanh nghiệp thu hồi được tiền từ khách hàng. Doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nếu không thu được tiền.
Vòng quay khoản phải thu=Doanh thu bán hàngCác khoản phải thu bình quân
Từ đó ta tính được kỳ thu tiền bình quân trong 1 năm như sau:
Kỳ thu tiền bình quân (ngày)=360Vòng quay các khoản phải thu
Nếu hệ số vòng quay khoản phải thu bằng 12 hoặc kỳ thu tiền bình quân là 30 ngày thì có nghĩa là doanh nghiệp sẽ cần khoảng 30 ngày để thu hồi được các khoản phải thu.
Để đánh giá hệ số vòng quay khoản phải thu của doanh nghiệp có tốt không thì cần phải:
- So sánh với các doanh nghiệp có cùng ngành, cùng quy mô kinh doanh khác.
- So sánh với mục tiêu của chính doanh nghiệp qua các thời kỳ khác nhau.
HỆ SỐ VÒNG QUAY HÀNG TỒN KHO (Inventory turnover ratio)
Hệ số này đánh giá các rủi ro khi lưu trữ hàng tồn kho của doanh nghiệp.
Vòng quay hàng tồn kho=Giá vốn hàng bánHàng tồn kho bình quân
Từ đó bạn sẽ tính được số ngày của 1 vòng quay hàng tồn kho:
Số ngày 1 vòng quay hàng tồn kho (ngày)=360Vòng quay hàng tồn kho
- Hệ số hàng tồn kho thấp: Hàng tồn kho được lưu trữ trong thời gian dài, khả năng tiêu thụ chậm có thể gây hư hỏng, hết hạn sử dụng hoặc giảm giá trị làm ảnh hưởng đến lợi nhuận và tình hình tài chính của doanh nghiệp.
- Hệ số hàng tồn kho cao: Hàng tồn kho ít, sản phẩm được tiêu thụ nhanh và vốn không bị ứ đọng ở hàng tồn kho. Tuy nhiên, để kết luận hệ số này tốt hay xấu thì doanh nghiệp cần xem xét đến đặc điểm ngành nghề kinh doanh và chính sách hàng tồn kho.
3. Phân tích đòn bẩy tài chính
Để phân tích đòn bẩy tài chính doanh nghiệp cần sử dụng hệ số nợ (Debt to Equity Ratio) để biết được tỷ trọng nợ trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Hệ số nợ=Nợ phải trảTổng nguồn vốn
Trên thực tế, rất khó để chúng ta đánh giá được tỷ lệ nợ như thế nào là hợp lý đối với doanh nghiệp. Bởi vì, tỷ lệ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: hình thức doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp hay mục đích vay,…
Tuy nhiên, thông thường có thể đánh giá:
- Hệ số nợ thấp: Doanh nghiệp tài chính tốt không phụ thuộc vào vốn vay và có khả năng thanh toán nợ tốt. Tuy nhiên, điều này cũng giới hạn khả năng mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp
- Hệ số nợ cao: Doanh nghiệp sử dụng vốn vay nhiều hơn vốn chủ sở hữu cho hoạt động kinh doanh. Điều này, có thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng vượt bậc nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi trả nợ.
4. Phân tích khả năng sinh lời
TỶ SUẤT LỢI NHUẬN SAU THUẾ TRÊN DOANH THU (Return On Sale - ROS)
Chỉ số này thể hiện cho chúng ta thấy: việc 1 đồng doanh thu thuần thì doanh nghiệp sẽ thu về bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Điều này giúp phản ánh hiệu quả trong việc quản lý chi phí của doanh nghiệp.
Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS)=Lợi nhuận sau thuếDoanh thu
Doanh nghiệp nào có tỷ lệ ROS ổn định và cao hơn đối thủ là các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh lớn và có hiệu quả quản trị chi phí tốt. Thậm chí đây còn là các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh đó.
Tỷ suất lợi nhuận này phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế, kỹ thuật của ngành kinh doanh và chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp.
TỶ SUẤT LỢI NHUẬN SAU THUẾ TRÊN TỔNG TÀI SẢN (Return On Asset - ROA)
Hệ số này giúp chúng ta phản ánh: 1 đồng tài sản tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế? Hay hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp ra sao? Thông thường, ROA càng cao càng tốt.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn kinh doanh (ROA)=Lợi nhuận sau thuếTổng tài sản bình quân
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp trong ngành sản xuất cơ bản như sắt thép, giấy, hóa chất,… thì ROA là chỉ tiêu vô cùng quan trọng. Vì các doanh nghiệp này sử dụng tài sản dài hạn là máy móc, thiết bị,… để nâng cao tỷ suất lợi nhuận. ROA cao cho thấy việc doanh nghiệp quản lý hiệu quả các chi phí khấu hao, chi phí đầu vào.
TỶ SUẤT LỢI NHUẬN SAU THUẾ TRÊN VỐN CHỦ SỞ HỮU (Return on Equity - ROE)
Hệ số này thể hiện mức lợi nhuận sau thuế thu được trên mỗi 1 đồng vốn chủ bỏ ra trong kỳ. ROE càng cao càng thể hiện hiệu quả trong việc sử dụng vốn chủ sở hữu.
Chỉ số này giúp chúng ta phản ánh tổng hợp các khía cạnh về trình độ quản trị tài chính, trình độ quản trị chi phí, trình độ quản trị tài sản, trình độ quản trị nguồn vốn của doanh nghiệp.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE)=Lợi nhuận sau thuếVốn chủ sở hữu bình quân
Dựa và ROE, chúng ta cũng có thể đánh giá liệu doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh hay không?
Các doanh nghiệp có ROE cao (thường > 20%) và ổn định trong nhiều năm (kể cả khi thị trường rơi vào khó khăn) là các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững.
Tuy nhiên, ROE quá cao cũng không phải là điều tốt, mà có thể hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không có gì thay đổi, nhưng doanh nghiệp lại đang mua lại cổ phiếu quỹ hoặc doanh nghiệp này đang tách ra từ công ty mẹ khiến cho vốn cổ phần giảm, cho nên khiến ROE tăng.
THU NHẬP MỘT CỔ PHẦN THƯỜNG (Earnings Per Share - EPS)
Chỉ tiêu này giúp chúng ta phản ánh 1 cổ phần thường trong năm thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế? Hay còn gọi là chỉ số EPS.
Thu nhập một cổ phần thường (EPS)=Lợi nhuận sau thuế - Cổ tức cho cổ đông ưu đãiSố lượng cổ phần thường lưu hành
EPS càng cao có nghĩa là mỗi cổ phiếu mang lại một khoản lợi nhuận càng lớn. Đây là điều tích cực và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
5. Phân tích dòng tiền
DOANH THU THUẦN (Net Cash Flow from Operating Activities - CFO)
Tỷ lệ này giúp cho chúng ta biết doanh nghiệp nhận được bao nhiêu đồng trên 1 đồng doanh thu thuần. Mặc dù không có một con số cụ thể để tham chiếu, tuy nhiên rõ ràng là tỷ lệ này càng cao thì càng tốt. Và chúng ta cũng nên so sánh với dữ liệu quá khứ để phát hiện ra các sai sót khác.
- CFO dương: Doanh nghiệp tạo ra lượng tiền dương từ hoạt động kinh doanh chính. Đây là một dấu hiệu tích cực.
- CFO âm: Doanh nghiệp đang tiêu tốn tiền mặt trong hoạt động kinh doanh
TỶ SUẤT DÒNG TIỀN TỰ DO (Free Cash Flow to Equity - FCFE)
Tỷ suất này giúp chúng ta phản ánh được chất lượng dòng tiền của doanh nghiệp. Dòng tiền tự do phản ánh số tiền sẵn có nhằm sử dụng cho các hoạt động của doanh nghiệp.
Tỷ suất dòng tiền tự do=Dòng tiền tự doLưu chuyển tiền thuần từ hợp đồng kinh doanh
Trong đó:
Dòng tiền tự do (Free Cashflow)=Lưu chuyển tiền thuần từ hợp đồng kinh doanh - Dòng tiền đầu tư cho tài sản cố địnhDoanh nghiệp phải trừ đi Dòng tiền cho hoạt động đầu tư tài sản cố định, bởi vì dòng tiền đầu tư tài sản cố định được xem như là để duy trì lợi thế cạnh tranh và hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp.
Như vậy, dòng tiền tự do càng lớn, chứng tỏ tình hình tài chính của doanh nghiệp càng tích cực.
XU HƯỚNG CỦA DÒNG TIỀN
Để thực hiện phân tích xu hướng dòng tiền, số liệu dòng tiền của từng hoạt động sẽ được cộng dồn theo từng năm.
Mục đích của việc phân tích xu hướng của dòng tiền là để loại bỏ sự biến động về dòng tiền tại một thời điểm cụ thể. Ngoài ra, việc quan sát dòng tiền trong một giai đoạn dài sẽ giúp chúng ta xác định được doanh nghiệp đang trong giai đoạn nào của chu kỳ kinh doanh. Đây chính là yếu tố quan trọng để chúng ta đưa ra quyết định về việc có nên tài trợ vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện tại hay không?
Xem thêm: Hướng dẫn 7 bước lập báo cáo tài chính đơn giản nhanh chóng
Lưu ý khi phân tích báo cáo tài chính
Một số lưu ý khi phân tích báo cáo tài chính:
- So sánh với kỳ đánh giá trước để xem xu hướng phát triển theo chiều ngang của doanh nghiệp.
- So sánh với đánh giá của các doanh nghiệp cùng ngành hoặc với trung bình của ngành để nhận định được điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp.
- Khi tính toán và phân tích các chỉ số, chúng ta cần quan tâm xem con số đó thể hiện tính chất thời điểm hay thời kỳ để từ đó có thể nhận xét đúng nhất về tình hình của doanh nghiệp. Ví du: Các chỉ số tài chính thuộc “Bảng Cân Đối Kế Toán” sẽ là các con số mang tính thời điểm; còn ở “Báo Cáo Kết Quả Kinh Doanh” sẽ mang tính thời kỳ.
Hy vọng với những hướng dẫn cách phân tích báo cáo tài chính trên đã giúp bạn đánh giá chính xác sức khỏe tài chính doanh nghiệp từ đó ra các quyết định kinh tế phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, để giúp kế toán tổng hợp, kế toán trưởng theo dõi, quản lý tình hình sử dụng hóa đơn một cách nhanh chóng, chính xác thông qua các báo cáo, biểu đồ trực quan, MISA tiên phong ra mắt Phần mềm hóa đơn điện tử MeInvoice.
MeInvoice đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC và có thể kết nối trực tiếp với Tổng Cục Thuế. Qua đó, giúp quá trình thông báo phát hành hóa đơn của khách hàng diễn ra nhanh chóng, tiện lợi hơn và tăng độ tin cậy, tính pháp lý cho hóa đơn của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp, kế toán viên quan tâm phần mềm MISA meInvoice & có nhu cầu dùng thử MIỄN PHÍ phần mềm với đầy đủ tính năng trong 7 ngày, vui lòng ĐĂNG KÝ tại đây:
Báo cáo tài chính thể hiện tình hình tài chính của công ty trong một khoảng thời gian cụ thể nên việc đọc và phân tích báo cáo tài chính là điều cần thiết của mỗi chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh phân tích báo cáo tài chính, chủ doanh nghiệp cũng có thể đánh giá tình hình sức khỏe doanh nghiệp thông qua các báo cáo tổng quan, hệ thống chỉ số tài chính doanh nghiệp. MISA cũng phát triển phần mềm kế toán online MISA AMIS - cung cấp hệ thống các chỉ số phân tích tài chính giúp chủ doanh nghiệp có thể đưa ra những đánh giá tổng quát về tình hình tài chính của doanh nghiệp tại bất cứ thời điểm nào, từ đó đưa ra những quyết định điều hành hợp lý. Xem chi tiết tại: Phần mềm kế toán hỗ trợ cung cấp những chỉ tiêu tài chính nào?