Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/8, chỉ số S&P 500 gần như đi ngang, chỉ nhích 0,23 điểm lên 5.344,39 điểm. Trong cả phiên, chỉ số này đã liên tục trồi sụt nhẹ. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,21% lên 16.780,61 điểm. Cổ phiếu Nvidia vọt 4% đã giúp Nasdaq Composite tăng điểm. Trong khi, chỉ số Dow Jones mất 140 điểm (tương đương 0,36%) còn 39.357,01 điểm.
Thị trường đang chờ đợi một loạt dữ liệu lạm phát sẽ được công bố trong tuần này, nhất là sau một giai đoạn đầy biến động.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 - được công bố vào ngày 14/8 - dự kiến sẽ là manh mối quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Đầu tháng này, báo cáo việc làm tháng 7 yếu hơn kỳ vọng đã góp phần gây ra đợt bán tháo vào tuần trước.
Ngoài ra, Phố Wall cũng sẽ theo dõi chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 7 được công bố vào ngày 13/8 và dữ liệu về doanh số bán lẻ tháng 7 công bố ngày 15/8.
“Chúng tôi lạc quan rằng đáy ngắn hạn đã hoặc gần như đã được thiết lập vào ngày 5/8”, bà Lori Calvasina, Giám đốc chiến lược cổ phiếu toàn cầu của RBC Capital Markets, nhận định.
Bà lưu ý rằng những cột mốc kỹ thuật quan trọng vẫn được duy trì sau đợt bán tháo của S&P 500 vào tuần trước.
Còn theo chiến lược gia đầu tư trưởng John Stoltzfus của Oppenheimer, sự biến động sẽ tiếp diễn khi chính sách tiền tệ bắt đầu bình thường hóa. Mặc dù quá trình này “không phải lúc nào cũng suôn sẻ”, ông vẫn duy trì vị thế nắm giữ cổ phiếu Mỹ.
“Chúng tôi vẫn lạc quan về cổ phiếu với kỳ vọng đợt tăng giá bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái tiếp tục mở rộng”, ông Stoltzfus cho hay. Theo chuyên gia này, tăng trưởng lợi nhuận đã mang lại động lực tích cực cho chứng khoán trong những tháng qua.
Nhìn về tương lai, vị chuyên gia tin rằng, căng thẳng địa chính trị và các cuộc tranh luận về chính sách của Mỹ sẽ tác động nhiều hơn đến thị trường khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần./.